(VNF) - Một câu hỏi đặt ra là những khoản nợ nần khổng lồ của các DNNN, các dự án 'đắp chiếu' thua lỗ và các đại án gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ai sẽ chịu trách nhiệm và lấy tiền ở đâu để bù đắp, trả nợ?
Theo một phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu Vụ trưởng Vụ thống kê của Liên Hiệp Quốc, vào năm 2011, nợ công việt Nam về thực chất đã tăng đến 106% GDP, nếu tính cả nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Vào thời điểm đó, con số báo cáo của Chính phủ về nợ công quốc gia chỉ vào khoảng 50% GDP.
Đầu năm nay, tại hội nghị tổng kết ngành tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra cảnh báo rằng "nợ công nếu tính đủ đã vượt trần chứ không chỉ sát trần". Người đứng đầu Chính phủ cũng dẫn lời chuyên gia nhận định nếu không chấm dứt tình trạng này thì sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt dẫn số liệu được cho là tin cậy cho thấy nợ Chính phủ năm 2015 là 115 tỷ USD bằng 59,5% GDP và ước tính nợ Chính phủ năm 2016 lên tới ít nhất 131 tỷ USD, bằng 63,9% GDP.
Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nợ của khoảng 3.200 DNNN theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỷ đồng (231 tỷ USD), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỷ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của DNNN là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỷ USD, bằng 210% GDP.
Như vậy, cả nước làm ra 100 đồng nhưng có tới 210 đồng là vay nợ và nợ công tính theo đầu người Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 100 triệu đồng.
Sao không tính nợ của DNNN là nợ công?
Góp ý cho dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) tại phiên thảo luận ngày 30/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) cũng dẫn ra số nợ của DNNN năm 2016 là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP. Con số này còn cao hơn cả số nợ mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác đang nợ.
Theo ông Nghĩa, hiện nay có chủ trương là nếu nhà nước không bảo lãnh, không cho vay lại thì không đưa vào nợ công, nhưng các DNNN đều do Nhà nước quyết hết về nhân sự và nhiều tổ chức bố trí cán bộ Đảng chuyên trách về quản lý, phải chấp hành lo kinh phí cho hệ thống chính trị trong doanh nghiệp. Cho nên toàn bộ hiệu quả trong DNNN là Nhà nước chịu.
DNNN có vai trò tác động nhất định trong địa phương, trong ngành, trong nền kinh tế. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: Nếu nói Nhà nước không chịu trách nhiệm gì cả, vậy doanh nghiệp đó vay nợ, phá sản thì Nhà nước có yên được không?
Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài, đến khi doanh nghiệp thua lỗ, Chính phủ buộc phải đứng ra trả nợ.
Theo báo cáo ngày 11/1/2015 của Chính phủ thì nợ nước ngoài của các tập đoàn của Chính phủ, nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước 381. 419 tỷ đồng, trong đó, vay ODA của Chính phủ 117.986 tỷ, vay lại nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 124.104 tỷ và các tập đoàn tổng công ty tự vay tự trả là 91.879 tỷ. Như vậy, tỷ lệ bảo lãnh rất cao.
Ông Nghĩa cho rằng nếu “gạt” nợ DNNN ra khỏi nợ công thì cần phải xem lại vì khoản nợ đó rất lớn. Do đó, dù không gộp vào nợ công nhưng cũng phải đưa vào báo cáo nợ công chứ không thể “phủi tay” nợ của DNNN vậy được.
Điểm danh những khoản nợ nần, thua lỗ lớn
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 ngày 5/5/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Không ít DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…”.
Những con số về tình hình sản xuất, kinh doanh của các DNNN gần đây đã cho thấy kết quả kinh doanh của khu vực DNNN không khả quan, thậm chí lỗ đến mức báo động. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của các DNNN là hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng tổng doanh thu của các DNNN chỉ đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng.
Theo báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần, trong đó có 25 DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, đứng đầu là Tổng công ty Phát thanh truyền hình thông tin, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty Cơ khí xây dựng….
Báo cáo này cho thấy, số nợ các DNNN vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cũng là vấn đề nhức nhối được Chính phủ chỉ ra, với những cái tên điển hình như Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Viettel; Vinalines...
Có thể kể ra một số DNNN với những khoản nợ nần và thua lỗ khổng lồ dưới đây.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ 475.000 tỷ đồng: Báo cáo tài chính 6 tháng năm 2016 của EVN ghi nhận doanh thu đạt gần 131.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Song chi phí tài chính tăng mạnh hơn 15.500 tỷ đồng đã khiến EVN bất ngờ báo lỗ 716 tỷ đồng, lỗ của công mẹ gần 930 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2016, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu hợp nhất của EVN đạt lần lượt là 663.000 tỷ và 187.700 tỷ đồng. Nợ phải trả của EVN tăng lên 475.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính lên tới 395.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm tập đoàn đã phải chi tổng cộng 6.900 tỷ đồng trả lãi. Năm 2015, EVN cũng phải chi hơn 12.000 tỷ đồng trả lãi vay.
Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) nợ 100.000 tỷ đồng: Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), tính đến cuối năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của tập đoàn này âm 478 tỷ đồng, tổng nợ phải trả lên tới gần 100.344 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn 62.734 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ và nợ của TKV được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra chủ yếu do hàng loạt những dự án đầu tư chậm tiến độ, đội vốn. Tuy nhiên, bất chấp việc nợ nần lớn, kinh doanh thua lỗ, TKV vẫn nung nấu ý định xây dựng hai trụ sở hoành tráng ở Hà Nội và Quảng Ninh.
PVN mất trắng chục nghìn tỷ đồng ở Venezuela: Tại cuộc họp báo cuối năm 2013, ông Phùng Đình Thực thời điểm đó là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đã thừa nhận “thất bại” bất đắc dĩ ở Venezuela. Sau 3 năm ký kết hợp đồng, mọi kỳ vọng gửi gắm ở dự án liên doanh khai thác dầu nặng Junin 2 tại quốc gia dầu mỏ này đã phải tạm dừng. Tổng mức đầu tư dự án được loan báo lên tới 12,4 tỷ USD, phân kỳ làm hai giai đoạn, ban đầu rót 8,9 tỷ USD, giai đoạn 2 rót 3,5 tỷ USD. Phần vốn mà phía Việt Nam phải đóng góp tương ứng với tỷ lệ tham gia 40% trong hợp đồng là 1,241 tỷ USD. Nếu tính cả “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD thì tổng nhu cầu vốn của phía Việt Nam là 1,825 tỷ USD.
Sau nghi lễ ra mắt hoành tráng, "siêu dự án" đã chẳng đi tới đâu. Chưa kể các chi phí đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD, chỉ riêng tiền mặt mà PVN trực tiếp trao cho Venezuela, một đi không trở lại, đã lên đến 532 triệu USD: 442 triệu tiền "bonus", 90 triệu tiền góp vốn ban đầu.
Tháng 4/2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã quyết định bỏ dự án này để "cứu" khoản tiền phải nộp lên đến 142 triệu USD, chấp nhận bỏ hơn 500 triệu USD, cho dù chưa thu được giọt dầu nào. Chưa kể nhiều chi phí khác, ai chịu trách nhiệm về khoản thất thoát 532 triệu USD, tương đương hơn 11.000 tỷ đồng "tiền tươi thóc thật" này?
Viettel Global lỗ 6.800 tỷ ở châu Phi, nợ 18.700 tỷ: Theo báo cáo được công bố, năm 2016 Viettel đạt doanh thu hơn 226.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 43.200 tỷ đồng. Dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận năm 2016 của Viettel giảm tới 2.600 tỷ đồng (gần 6%) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Viettel sụt giảm là do khó khăn tại các thị trường nước ngoài, mà cụ thể là Tổng Công ty Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global). Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của Viettel Global cho biết, công ty này lỗ trước thuế tới 1.860 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 2.100 tỷ đồng.
Thị trường Châu Phi tiếp tục là nơi khiến Viettel Global sa lầy. Sau khi có lãi 265 tỷ đồng tại Châu Phi, Viettel Global liên tục lỗ nặng tại đây. Năm 2014, số lỗ là 676 tỷ đồng, sang năm 2015 tăng vọt lên 2.600 tỷ đồng và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016 đã lỗ tiếp tới hơn 3.500 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng 2 năm rưỡi, thị trường Châu Phi đã khiến Viettel Global lỗ tổng cộng 6.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí lãi vay lên tới hơn 300 tỷ đồng, khi vay nợ ngắn hạn tăng 14% lên 8.871 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016. Tổng vay nợ của Viettel Global là gần 18.700 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng nguồn vốn.
PVC lỗ 3.500 tỷ đồng dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh: Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) gắn liền với tên tuổi của ông Trịnh Xuân Thanh, người từng nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Thanh khiến dư luận rúng động vì khiến PVC thua lỗ khủng. Năm 2012, PVC khiến giới chứng khoán rúng động khi bất ngờ báo lỗ khủng 1.847 tỷ đồng dù chỉ 1 năm trước đó vẫn lãi 117 tỷ đồng. Sang năm 2013, tình hình còn bi đát hơn. Sau khi khiến công ty thua lỗ 1.578 tỷ đồng trong gần 2 quý đầu năm, ông Trịnh Xuân Thanh rời PVC trong tháng 5/2013. Tính chung cả năm 2013, PVC lỗ 2.228 tỷ đồng. Nhưng chỉ tính riêng dưới thời ông Thanh, PVC đã lỗ tới 3.425 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2016, PVC còn khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 2.896 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn 1.093 tỷ đồng và 1.481 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
12 dự án thua lỗ ngành công thương nợ 55.000 tỷ đồng: Đáng chú ý, ngành Công Thương có 12 dự án nghìn tỷ khác đang lay lắt hoặc “đắp chiếu” không thể hoạt động, chậm tiến độ, kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, điển hình là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình… Cho đến nay, tổng số lỗ của 12 nhà máy này đã lên đến khoảng 16.000 tỷ đồng, tổng số nợ lên đến 55.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản là hơn 57.600 tỷ đồng.
Không chỉ làm ăn kém hiệu quả, chìm trong thua lỗ, khối DNNN còn “tai tiếng” bởi những vụ án tham nhũng kinh tế lớn, phức tạp trong nhiều năm qua. Những vụ việc điển hình có thể kể đến như vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty In, thương mại, dịch vụ Agribank; vụ án đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam; vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines) mà Giang Kim Đạt bị đề nghị án tử hình,...
Một câu hỏi đặt ra là những khoản thua lỗ, nợ nần khổng lồ này của các DNNN, lấy tiền ở đâu để bù đắp và trả nợ?
Nhắc lại quan điểm của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm giải cứu khi DNNN thua lỗ. Theo ông, thực tế điều này đã xảy ra, trong không ít trường hợp các khoản vay của DNNN không được bảo lãnh, nhưng vẫn có sự đồng ý của Nhà nước. Do đó, khi những DNNN này không trả được nợ, Nhà nước phải có nghĩa vụ trợ giúp.
Thứ hai là Nhà nước dùng quỹ tích lũy trả nợ để giúp, có hình thức cấp vốn, rồi chỉ đạo một số ngân hàng thương mại của Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ. Như vậy, dù nói là tự vay tự trả nhưng với DNNN ở Việt Nam, theo ông Nghĩa, đại đa số các trường hợp DNNN thua lỗ đều được Nhà nước cứu giúp bằng nhiều hình thức. Cho đến nay chưa có trường hợp DNNN nào phá sản cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét