Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Bóc tách lãi ảo

Hải Lý

(TBKTSG) - Một doanh nhân đã từng nhiều năm kinh doanh ngân hàng kể: năm ngoái một nhóm nhà đầu tư có tiền tươi thóc thật, có ý định bỏ vốn vào một tổ chức tín dụng, đến tham khảo ý kiến của ông. Ông trả lời đại ý trong số những vấn đề cần khảo sát kỹ lưỡng không phải chỉ có nợ xấu, mà còn phải xem xét thấu đáo các khoản phải thu, đặc biệt là lãi và phí phải thu. Nhóm nhà đầu tư kia sau khảo sát đã tá hỏa và từ bỏ ý định trở thành cổ đông ngân hàng bởi những khoản lãi và phí phải thu mà họ tìm hiểu được quá lớn, khiến cho tình hình tài chính của tổ chức tín dụng nọ trở nên nặng nề.

Báo cáo tài chính của một số ngân hàng chỉ ra năm 2015 mức độ biến động của các khoản phải thu, các khoản lãi và phí phải thu rất lớn, tăng giảm hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng. Chỉ riêng tại một tổ chức tín dụng cổ phần ở TPHCM, con số trên lên tới 42.000 tỉ đồng, trong đó lãi và phí phải thu hơn 25.000 tỉ đồng. Vậy bản chất của các khoản phải thu này là gì và vì sao nó quan trọng đối với các ngân hàng cũng như doanh nghiệp?

Các khoản lãi và phí phải thu trên thực tế là lãi dự thu (dự kiến thu được trong tương lai). Thí dụ một ngân hàng cho một khách hàng vay 100 tỉ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn 12 tháng. Khi đáo hạn, cả gốc và lãi khách hàng phải trả 110 tỉ đồng. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, khoản nợ trên đã không được trả đúng hạn và nó trở thành nợ quá hạn tùy vào thời gian tính từ khi đáo hạn đến nay dài hay ngắn. Việc phân loại khoản nợ vào nhóm nào không chỉ phụ thuộc vào thời gian nợ kéo dài, mà còn phụ thuộc vào từng ngân hàng và khả năng trích lập dự phòng rủi ro cho nó.

Trong khi chưa thu hồi được nợ gốc (100 tỉ đồng), một số ngân hàng hạch toán phần lãi vào lãi dự thu (10 tỉ đồng). Theo quy định của Bộ Tài chính, sau sáu tháng lãi dự thu phải thoái ra. Tuy nhiên ngân hàng vẫn để lãi dự thu từ năm này qua năm khác, nhiều khi kéo dài vài năm. Thành ra lãi dự thu của 100 tỉ đồng cho vay có thể chuyển thành 21; 33,1 hay 46,2 tỉ đồng khi thời gian không trả được nợ kéo thành 2, 3 hay 4 năm (vẫn áp dụng lãi suất vay 10%/năm). Lãi dự thu không chỉ của một khoản nói trên, mà của nhiều khoản cho vay khác không được trả đúng hạn, cứ thế, tích tụ dần lại.    

Vì sao ngân hàng không thoái lãi dự thu ra theo quy định? Vì nếu thoái ra, lợi nhuận của ngân hàng sẽ tụt. Lãi dự thu phải thoái càng lớn, thì lợi nhuận ngân hàng càng teo tóp và có thể âm. Như tổ chức tín dụng cổ phần ở TPHCM nhắc tới tại đầu bài viết, nếu lãi dự thu phải thoái ra toàn bộ và ngay lập tức, lợi nhuận sẽ âm khủng khiếp.

Việc hạch toán các khoản lãi và phí phải thu trong báo cáo tài chính, như vậy, sẽ làm cho cổ đông, nhà đầu tư và cả giới quan sát đau đầu. Chính vì thế, trong một số báo cáo tài chính quí gần đây, số tuyệt đối lãi và phí phải thu của một số ngân hàng biến động mạnh theo chiều hướng giảm. Có ngân hàng không còn lãi và phí phải thu nữa.

Điều gì đã xảy ra trên thực tế? Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012 về phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại, cho phép các ngân hàng cho vay mới để trả nợ cũ, nói nôm na là đảo nợ. Ngay cả khi thời hạn cho phép đảo nợ kết thúc, tại không ít ngân hàng, đảo nợ vẫn diễn ra dưới các hình thức khác nhau. Trở lại với khoản vay 100 tỉ đồng, do khách hàng không có khả năng trả gốc và lãi, ngân hàng cho vay mới 110 tỉ đồng để trả gốc cộng lãi (hoặc 121 tỉ đồng nếu quá hạn hai năm, giả sử không tính lãi phạt thông thường ở mức 150% lãi vay ấn định). Để đảo sang nợ mới, thay bằng cho vay 100 tỉ đồng, ngân hàng phải cho vay 110 tỉ đồng. Trên báo cáo tài chính, khoản lãi dự thu 10 tỉ đồng biến mất, trở về bằng 0, còn tăng trưởng tín dụng sẽ phải “nhảy” lên bởi giờ đây khoản nợ mới tăng thêm 10 tỉ đồng.

Hiện chưa có bất cứ số liệu bóc tách nào cho thấy trong mức tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành 17,3% năm 2015, con số tuyệt đối cho vay để xử lý lãi dự thu là bao nhiêu. Cựu tổng giám đốc một ngân hàng nói bản thân các ngân hàng cũng khó bóc tách số lãi dự thu đã được trả bằng khoản vay mới ra khỏi tăng trưởng tín dụng. Có ngân hàng không cho vay cả 110 tỉ đồng để đảo nợ toàn bộ, mà cho vay 55 tỉ đồng để đảo một nửa, thì 5 tỉ đồng lãi dự thu vẫn còn. Đến lượt mình, số vay mới 55 tỉ đồng không thu hồi được, lãi dự thu mới lại phát sinh. Lãi dự thu của kỳ hạn này tiếp nối kỳ hạn sau, lẫn lộn vào nhau, trở thành một mớ bòng bong quyện chặt.

Xử lý triệt để lãi dự thu một mặt tác động đến lợi nhuận ngân hàng, mặt khác làm nợ xấu phình ra. Trong các lần cập nhật số liệu nợ xấu đã mua từ các tổ chức tín dụng, VAMC nhấn mạnh số nợ xấu gốc đã mua từng này, với giá từng này... Điều này chứng tỏ ngân hàng khi bán nợ cho VAMC, chỉ bán phần nợ gốc, còn lãi dự thu đã được hạch toán riêng hoặc nếu khoản nợ được đảo cả gốc và lãi, thì lãi dự thu đã “chạy” vào tăng trưởng tín dụng.

Để nhìn rõ nợ xấu nhằm có biện pháp giải quyết, bây giờ cần nhìn thấu lãi dự thu không chỉ của một tổ chức tín dụng, mà của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Tổng lãi dự thu toàn hệ thống tới mức nào? Liệu có tới cả trăm ngàn tỉ đồng khi mà của riêng một ngân hàng đã trên 25.000 tỉ đồng? Và khi đó, bức tranh thật lợi nhuận ngân hàng sẽ ra sao? Những câu hỏi nhức nhối này không thể cứ mãi chỉ nằm trên báo cáo tài chính, chúng cần được mổ xẻ, làm rõ và tìm hướng tháo gỡ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét