Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Lãi suất USD bằng 0%: Ngân hàng đua nhau gửi tiền ra nước ngoài

LAN HƯƠNG

LĐO - Tại buổi công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2016 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện VEPR - cho biết theo số liệu thống kê đến quý III/2015, cán cân thanh toán đã có những diễn biến bất thường. Tiền gửi ở nước ngoài đang gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỉ USD.

Tiền gửi nước ngoài tăng đột biến

Theo TS Phạm Văn Đại (VEPR), Việt Nam là nền kinh tế thiếu vốn chứ không thừa vốn. Bởi vậy, việc tiền gửi nước ngoài tăng đột biến là một diễn biến mới. Trước đây, ngân hàng Việt Nam chỉ nhận tiền gửi của các ngân hàng nước ngoài, ít có trường hợp ngân hàng Việt Nam gửi tiền ra nước ngoài. Người nắm nguyên nhân rõ nhất chính là lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM). TS Phạm Văn Đại cho biết vào quý III/2015 trùng với thời điểm Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Điều này gây nên tâm lý kỳ vọng phá giá VND lớn. Giả thuyết mà TS Phạm Văn Đại đặt ra là các NHTM huy động USD vào nhưng không thể cho vay ra. Thời điểm đó, doanh nghiệp không ai muốn vay USD vì doanh nghiệp kỳ vọng USD còn tăng giá. Nếu vay bằng USD, sau đó doanh nghiệp lại “è cổ” trả lãi suất bằng USD.

“Hệ quả là các NHTM không tìm được đầu ra cho dòng vốn tiết kiệm ngoại tệ nên gửi tiền không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài là giải pháp sinh lợi tối ưu nhất. Nếu giả thuyết là đúng, dòng tiền gửi ở nước ngoài có thể tiếp tục gia tăng trong các giai đoạn sau do chính sách hạ lãi suất huy động USD về 0%/năm (quyết định ngày 25.9.2015 của Thống đốc NHNN) và hạn chế đối tượng vay vốn ngoại tệ” - TS Nguyễn Đức Thành cho biết. “Chúng tôi cho rằng chống đôla hóa là một chủ trương đúng của NHNN, tuy nhiên các giải pháp đồng bộ tạo niềm tin vào tiền đồng cần được triển khai. Chỉ khi đó, nền kinh tế mới sử dụng được nguồn vốn ngoại tệ khối lượng lớn đang gửi ở nước ngoài” - TS Nguyễn Đức Thành nói.

Việc cán cân tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn 6,6 tỉ USD trong quý III/2015 chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều. Đáng lưu ý, hai cấu phần quan trọng nhất của cán cân tài chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài không có sự biến động đáng kể. Tuy nhiên, việc tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỉ USD là diễn biến bất thường cần phải tiếp tục theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo xu hướng chặt chẽ. Cũng cần lưu ý là trong cùng giai đoạn trên, trạng thái ngoại hối của hệ thống NHTM không có sự biến động quá lớn. “Theo giả thuyết của chúng tôi, diễn biến bất thường này, một phần có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng” - TS Nguyễn Đức Thành cho biết.

Lạm phát có xu hướng tăng

Trong khi đó, lạm phát có xu hướng tăng trở lại trong ba tháng đầu năm. Lạm phát toàn phần đã vượt mức 1% trong tháng 2 và đạt 1,69% vào cuối quý. Lý giải về nguyên nhân lạm phát tăng, TS Thành cho rằng mức tăng này phần lớn đến từ đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục đầu tháng ba. Cụ thể, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Theo đó đến hết năm 2016, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cần tính đầy đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định). Theo tính toán của Tổng Cục Thống kê, điều chỉnh giá thuốc và dịch vụ y tế khiến CPI tăng 1,27 % trong tháng 3.

Nhóm dịch vụ giáo dục đóng góp 0,66 % do học phí tăng tại 6 tỉnh. Trong khi đó, các mặt hàng còn lại đều trong chu kỳ giảm giá sau Tết Nguyên đán, lạm phát cơ bản tiếp tục xu thế giảm từ tháng 11.2015 và đứng ở mức 1,64% vào cuối quý I/2016. Điều này cho thấy rằng áp lực lạm phát trong năm 2016 sẽ đến nhiều từ nhóm các mặt hàng do Nhà nước quản lý (dịch vụ y tế và giáo dục). Mặc dù theo Thông tư số 37 của liên Bộ Y tế - Tài chính, lần điều chỉnh giá y tế tiếp theo chỉ diễn ra vào đầu quý III/2016. Tuy nhiên, quá trình tăng học phí ở một số tỉnh có thể sẽ diễn ra, cùng với sự phục hồi của giá xăng dầu, sẽ tạo áp lực không nhỏ lên lạm phát ngay trong quý II/2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét