(TBKTSG) - “Uber không phải là “dịch vụ đi nhờ xe” cũng không phải là “kinh tế chia sẻ”, nó chính là gương mặt hiện đại của chủ nghĩa tư bản”.
Những người đơn độc
Theo báo The Guardian, tại các nước thường có các cuộc biểu tình như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bahrain và Venezuela, mạng Zello - một ứng dụng trò chuyện và chia sẻ hiện có hơn 90 triệu người dùng, là phổ biến nhất. Ở Mỹ Zello không có vị trí cao như thế, ngoại trừ với cộng đồng... các tài xế Uber.
Chỉ cần có chiếc xe, tải ứng dụng này, thế là thành tài xế Uber, công việc giống như “con sói đơn độc” trong một thế giới dường như không có bối cảnh và cộng đồng. Không có bất cứ số điện thoại nào để họ gọi tới, không có một “nhân viên tổng đài” nào thông tin hay trò chuyện, nhắc nhở họ. Dù muốn chấp nhận hay không, công việc của họ được điều hành bằng một ứng dụng, và “sếp” của họ là cái ứng dụng đó.
Vì thế, họ tìm đến các mạng như Zello để trò chuyện với nhau trong khi lái xe, để tìm kiếm và thỏa mãn một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người: sự đồng hành. Họ có những nhóm Facebook riêng, họ có chi nhánh mỗi địa phương trên mạng Yelp. Họ còn có “diễn đàn” riêng của họ: UberPeople. Trên “diễn đàn” này, các tài xế thảo luận về những gói bảo hiểm và về xe hơi, về nguyên do những thông báo của Uber, an ủi nhau mỗi khi ngủ dậy thấy giá cước bị cắt giảm (thường không được thông báo), hay chia sẻ một ngày thành công với doanh thu cao. Họ cũng thảo luận và lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình (mà trong thời gian qua diễn ra ở hầu hết các thành phố lớn ở Mỹ).
Michael (yêu cầu giấu họ vì sợ Uber sẽ loại trừ anh), một tài xế lên “diễn đàn” UberPeople để giúp hướng dẫn những tài xế Uber mới. “Trừ khi bạn kết nối với những người đã dùng Uber, còn không bạn không thể nào lường trước nhiều vấn đề. Ứng dụng không tự giải thích” - anh nói, “ví dụ cập nhật mới nhất của ứng dụng là một cột đèn giao thông nhỏ bên góc. Dừng lại đi toilet chăng? Chẳng ai hiểu nó là gì”.
Sáng lập và điều hành UberPeople.net là một người ẩn danh, chỉ liên lạc qua e-mail. Không rõ đây là một dạng “đại diện công đoàn” của cộng đồng tài xế Uber, hay biết đâu là một dạng “quan hệ công chúng” tinh vi của Uber cũng nên, nhưng giới tài xế đơn giản gọi anh ta là “người quản trị mạng”. Anh tự xưng là một tài xế Uber đã “tỉnh ngộ”. Anh viết cho The Guardian: “Tôi bắt đầu lái ngay lúc thành phố của mình vừa có phong trào “đi nhờ xe”. Nhưng lập tức tôi nhận ra đây là một ngành kinh doanh hoàn toàn mới trên thế giới: hàng ngàn người đăng ký làm tài xế cho công ty không qua một quá trình giao tiếp cá nhân nào”.
Anh nói thêm: “Uber không phải là “dịch vụ đi nhờ xe” cũng không phải là “kinh tế chia sẻ”, nó chính là gương mặt hiện đại của chủ nghĩa tư bản”.
Cuối năm 2015, trong một bài diễn thuyết cho chiến dịch tranh cử của mình, khi nhắc đến những vụ kiện chống lại các công ty công nghệ khởi nghiệp thời gian gần đây, Hillary Clinton đã phê phán nền kinh tế “dựa vào nhu cầu” gồm các công ty như Uber là một mô hình kinh doanh “bóc lột công nhân”. Bà cho rằng trong khi “kinh tế chia sẻ” đem lại những cơ hội và sự đổi mới cho nền kinh tế, nó cũng đặt ra những câu hỏi khó về mô hình tuyển dụng, trách nhiệm của công ty đối với quyền lợi và sự bảo hộ cần có với nhân viên hay người làm hợp đồng đang phục vụ cho những thương hiệu này.
Lợi nhuận lớn từ khoảng trống pháp lý
Uber vừa được định giá 60 tỉ đô la Mỹ chỉ sau sáu năm thành lập, trở thành công ty tư nhân có giá trị nhất.
Thành công của Uber một phần là nhờ chính mô hình tuyển dụng này: công nhân của nó được xem như những nhà thầu độc lập, không phải là nhân viên. Điều đó có nghĩa là Uber không phải chịu trách nhiệm các chi phí nền tảng như thuế doanh thu, nhiên liệu, bảo hiểm xe và nhân viên nghỉ ốm.
Dù từ giữa năm 2015, trong vụ kiện của tài xế Barbara Ann Berwick, Ủy ban Lao động California đã đứng về phía tài xế này, ra quy định là mỗi một tài xế của Uber quả thật là một nhân viên, và theo đó yêu cầu công ty phải trả tài xế này thêm một khoản tiền, Uber vẫn yêu cầu thẩm định lại phán quyết đó. Hiện nay tại California, Uber đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ các tài xế, cũng đòi được xem là nhân viên, với lý lẽ rằng rõ ràng Uber đã có đủ mọi yếu tố của việc điều hành dịch vụ vận chuyển.
Còn Uber thì vẫn khăng khăng rằng mình chỉ là một “nền tảng”, “giao diện” kết nối người lái xe và người cần đi xe mà thôi, dùng giao diện này như thế nào là tùy họ, như bao nhiêu doanh nghiệp khác của nền “kinh tế chia sẻ”. Hiện tại, tính toán cho thấy trung bình tài xế Uber kiếm nhiều hơn 6 đô la/giờ so với tài xế taxi thông thường. Uber cho rằng nếu tài xế là nhân viên, công ty này sẽ phải lấy tỷ lệ (trong doanh thu) cao hơn và chi trả cho tài xế ít hơn để bù lại các chi phí thì mới cạnh tranh được.
Tuy thế, theo các chuyên gia kinh tế, dù chế độ “nhà thầu” linh hoạt hơn, công nhân luôn không được trả đủ để trang trải cho bảo hiểm, tiền hưu trí, như thông thường một nhân viên được hưởng. Các công ty này hoàn toàn có thể trả nhiều hơn mà vẫn có lãi lớn. Theo các chuyên gia, các công ty thành công lớn về mặt tài chính như Uber và Lyft lẽ ra không nên được các quỹ đầu tư mạo hiểm bảo bọc nếu lợi nhuận lâu dài của họ chỉ dựa vào việc trả cho công nhân của mình phần tối thiểu.
“Công nghệ đã đưa ra những mô hình kinh doanh có tốc độ phát triển nhanh, nhưng phương thức lao động không theo kịp” - Raj Narayanaswamy, CEO của Công ty Tư vấn Replicon, nói. “Điều này sẽ dẫn đến việc phá sản đạo đức doanh nghiệp, những quy định và chế độ cho lực lượng lao động bị bỏ qua chỉ vì chưa thiết lập được nền tảng pháp lý”.
Tư bản mới dưới danh nghĩa “chia sẻ”
Một bài báo trên tờ The Atlantic chỉ ra rằng lý tưởng đằng sau thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” thật ra là một sự cộng tác, trao đổi và chia sẻ những công cụ và tài sản mà không ai kiếm lợi từ đó cả. Nancy Cook, tác giả bài báo, dẫn chứng trang web Yerdle được thành lập năm 2012 để giúp mọi người cho bớt đồ thừa sau ngày lễ Tạ ơn, nhằm giảm khoảng 25% những món đồ người ta phải mua trước Giáng sinh, và để cổ xúy cho phong trào “không mua sắm”. Ở nền kinh tế như Mỹ, “không mua sắm” có thể được xem như là chống lại tư bản, công nghiệp, lợi nhuận, và cả việc làm. Nhưng thực tế bản chất của “kinh tế chia sẻ” mà các công ty như Uber hay Airbnb là đại diện thì không phải như thế. Tờ này nói rằng đó thật ra là một dạng tư bản mới, đem lại nhiều hàng hóa hơn (nhiều lựa chọn hơn) và cũng nhiều tự do hơn.
Trang web Salon.com thì nói: “Cái gọi là “kinh tế chia sẻ” thể hiện mọi mặt sự tham lam của doanh nghiệp bằng cách kiếm nhiều tiền cho các nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon trong khi giả vờ đang theo đuổi những lý tưởng tiến bộ”. Salon.com còn viết: “Các công ty như Uber và Airbnb dùng từ “chia sẻ” làm ra vẻ mình “xã hội” nhưng thực ra để che giấu tham vọng chủ nghĩa tự do (libertarian)”, nghĩa là tư bản thuần túy hướng về lợi nhuận, đầu tư, cạnh tranh... chứ chẳng “xã hội” gì cả.
Trong bài The case against sharing trên TheNib.com, tác giả Susie Cagle viết: “Vài năm qua “kinh tế chia sẻ” tự mô tả mình như một cuộc cách mạng, rằng thuê một căn phòng trên Airbnb hay bắt chiếc xe Uber là một cách “bất tuân dân sự” trong ngành dịch vụ, dựa trên bản chất tin cậy lẫn nhau trong xã hội và nền tảng “làng xã”, những yếu tố sẽ cứu hành tinh và tâm hồn chúng ta. Nghĩa là một dạng thức cấp cao của chủ nghĩa tư bản giác ngộ (a higher form of enlightened capitalism)”.
“Nhưng thay vào đó “kinh tế chia sẻ” này lại kéo nhân loại lùi lại về thời kỳ sơ khai của chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ 20, với nghĩa rất ít quyền cho công nhân hoặc khách hàng”, Cagle viết.
Tuy nhiên, có lẽ lịch sử sẽ không cho phép sự trỗi dậy “tư bản mới” này và phải mất cả trăm năm nữa để phát triển và định hình những luật lệ của nó. Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng chỉ còn là vấn đề thời gian, sớm muộn gì rồi những công ty này cũng phải thay đổi phương thức tuyển dụng và các chính quyền xây dựng hệ thống pháp lý để theo kịp sự phát triển của tư bản dựa vào công nghệ mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét