VNN - Ở VN, nếu từ chức, một bộ trưởng muốn xin việc ở đâu không dễ. Nghỉ hưu xin việc còn dễ, từ chức lại rất khó, bởi bối cảnh xã hội vẫn "bịt cửa" của người ta - Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi với báo giới bên hành lang QH ngày 3/11.
Trao đổi của ông Nguyễn Sĩ Dũng với báo chí bên hành lang QH liên quan đến đề xuất đưa quy định về từ chức vào luật Tổ chức chính phủ sửa đổi.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, từ chức là trên cơ sở danh dự, văn hóa. Một bộ trưởng của Nhật Bản có thể từ chức ngay nếu chỉ xì xèo chuyện tranh cử có vi phạm tài chính.
"Đó là hệ thống chính trị hết sức có lương tâm, chưa chắc người ta có vi phạm. Nhưng rõ ràng người ta không còn uy tín để làm và vì thế người ta từ chức. Việc đó vận hành theo đạo đức nhiều hơn theo pháp luật.
Hình thành một đạo đức như vậy cao hơn những quy định điều chỉnh của đạo đức và pháp luật. Pháp luật chỉ là tối thiểu của đạo đức, đạo đức lớn hơn rất nhiều. Anh thấy anh từ chức để nhận trách nhiệm, từ chức vì lương tâm cắn rứt, từ chức vì thấy lẽ ra làm được tốt hơn, đó là chuyện của đạo đức, không phải chuyện của pháp luật.
Mình lạm dụng pháp luật tương đối nhiều, để cửa cho đạo đức rất ít, đây là vấn đề rất lớn của vận hành thể chế. Bất cứ một thể chế nào đều chỉ có thể vận hành trên một nền tảng đạo đức tương ứng, không có nền tảng đạo đức thì không vận hành được.
Văn hóa từ chức
Từ chức đã từng được đề cập trong luật Cán bộ, công chức nhưng đến giờ, thực tế chưa có một trường hợp nào ghi nhận. Liệu có vướng ở chỗ nào, theo ông?
Từ chức ở VN là điều hết sức nặng nề. Nặng nề cho anh, cho vợ con, gia đình, bà con thân tộc trong khi ở phương Tây, Nhật Bản là chuyện bình thường. Ở VN, nếu từ chức, một bộ trưởng muốn xin việc ở đâu không dễ. Nghỉ hưu xin việc còn dễ, từ chức lại rất khó, bởi bối cảnh xã hội vẫn "bịt cửa" của người ta. Việc khuyến khích từ chức cũng rất ít vì có chức thì có quyền, có quyền thì có lợi.
Nếu xã hội rộng mở nhiều hơn, đánh giá của xã hội đừng khắt khe, quy chụp thì chuyện từ chức dễ hơn. Chức tước chỉ là một sự dấn thân, không phải là thành tựu gì đó vĩ đại cả.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton hồi làm Tổng thống nhận lương 200 ngàn đô la/năm, khi không làm Tổng thống, đi diễn thuyết một buổi có thể kiếm cũng 200 ngàn đô la. Sự khuyến khích của họ rất khác. Chuyện làm quan chỉ là sự lựa chọn nếu anh có thôi thúc nội tại, đó là sự cống hiến, không thể có nhiều hơn nếu làm việc khác. Chính trị gia nào cũng bị như thế, nếu anh đã đẩy vào việc công thì phải định ngay là chấp nhận và cống hiến, hy sinh. Môi trường đó mình không có thì bảo sao từ chức dễ được.
Từ chức cũng liên quan mô hình quản trị quốc gia, bởi vì tôi chỉ có ý kiến về việc này việc kia, bây giờ tôi chịu trách nhiệm tất cả có công bằng? Nếu tôi tự quyết thì tôi tự chịu trách nhiệm, còn tôi phải xin phép tôi mới làm, bây giờ một mình chịu trách nhiệm thì không công bằng.
Báo chí cũng thế thôi, từ chức có ai nhảy vào khen không, hay là hắt hủi, làm người ta mất hết danh dự?
Vậy theo ông, đứng trên nguyên tắc hành xử, đáng ra từ chức phải là một quyền, một cửa mở ra cho người ta để giữ danh dự, liêm sỉ ?
Bởi vì người ta hành động theo cái lợi, lợi người ta mới làm, không lợi bằng người ta không làm. Còn theo quy trình của sự đồng ý này, anh muốn từ chức thì vẫn từ chức được, bởi có hàng trăm ứng cử viên đang ngồi chờ đây, không vấn đề gì cả, nhưng rõ ràng phương án từ chức là phương án ít lợi hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét