Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Công dân và ý thức chính trị

Phạm Gia Hiền

MTG - Nhà báo Phạm Gia Hiền, công tác 12 năm trong lĩnh vực truyền hình, thời sự chính luận. Anh đã nhiều lần đến Châu Phi, qua các nước Nam Phi, Mozambique, Tanzania và một số quốc gia Đông Nam Á: Thái Lan, Lào, Camuchia, Myanmar. Sau nhiều cuộc phỏng vấn, gặp gỡ tiếp xúc với các chính trị gia, báo giới và người dân tại các nước nêu trên, Phạm Gia Hiền cho biết, anh ấn tượng nhận thức chính trị của họ, nhất là thanh niên.

Bài viết sau là một trải nghiệm của Phạm Gia Hiền chia sẻ cùng độc giả báo điện tử Một Thế Giới.

Tanzania - một quốc gia Đông Phi vừa trải qua cuộc bầu cử tổng thống. Tháng trước, khi những cuộc vận động tranh cử lên đến cao trào nhất, tôi đã có mặt ở quốc gia này.

Trong câu chuyện gẫu của tôi với Bedastro, kế toán 23 tuổi người bản địa, chủ đề chính trị xuất hiện một cách rất giản dị. Đó là khi tôi hỏi về kế hoạch cưới vợ của cậu ta.

- Đầu năm tới chúng tôi sẽ cưới, nếu như tình hình kinh tế khá hơn - Bedastro thở dài.

- Kinh tế của đất nước anh hay kinh tế của gia đình anh?

- Cả hai.

- Nhưng GDP của Tanzania liên tục tăng hơn 6% suốt 8 năm qua mà?

- Con số báo cáo là một chuyện, thực tế là chúng tôi vẫn nghèo. Tôi thì chả có gì cả, rất nghèo.

- Anh có cho là vì chính phủ điều hành kém không?

- Có thể. Đất nước chúng tôi rất giàu có tài nguyên, nhưng mãi không khá được. Chúng tôi có tới 18 đảng chính trị, nhưng thực sự thì điều đó không có ý nghĩa gì lắm, bình thường các đảng chả có hoạt động gì đáng chú ý. Đến khi tranh cử, thì các đảng hoặc rơi rụng, hoặc liên minh để gom phiếu bầu, điều đó khiến chúng tôi (nhân dân) cảm thấy cuộc đấu chính trị xa lạ với mình.

- Vậy sắp tới anh sẽ đi bầu cử hay không, khi mà anh cho rằng chính trị xa lạ với anh?

- Tất nhiên là tôi sẽ đi bầu. Dù sao thì đó là quyền lợi của tôi, là hy vọng của tôi nữa.

Đó là một chàng kế toán Châu Phi trẻ măng, với nhận thức rất đầy đủ về chính trị và quyền lợi chính trị của mình. Tanzania không phải là nền kinh tế đứng đầu Châu Phi, nhưng được xem là quốc gia ổn định chính trị nhất của lục địa đen vốn đầy rẫy biến động đẫm máu.

Gần 2 năm trước, trong một chuyến du lịch Myanmar, tôi và một đồng nghiệp có một buổi trò chuyện khá thú vị cùng Aung Kyaw Myint, tự xưng là một nhà tư vấn đầu tư nước ngoài. Myint tốt nghiệp Đại học Y dược Mandalay, lấy luôn cả bằng tiến sĩ, nhưng sử dụng quan hệ và vốn Anh ngữ xuất sắc của mình cho lĩnh vực kinh tế. Anh ngoài ba mươi tuổi, chưa vợ con, có xe hơi và căn hộ riêng ở Thủ đô, tóm lại thuộc tầng lớp trung lưu sung túc của một Myanmar đang đổi thay từng ngày.

- Tôi có thể có thu nhập cao hơn nữa, nếu làm việc cho một công ty nước ngoài có trụ sở tại đây - Myint chia sẻ - của Trung Quốc chẳng hạn. Nhưng tôi chọn làm việc cho một công ty nội địa, mức lương chỉ bằng một nửa. Vì sao à? Vì tôi muốn góp phần vào những bản hợp đồng có lợi cho đất nước, chứ không phải những bản hợp đồng tìm kẽ hở của chính sách Myanmar để mang lợi cho nước ngoài.

Khi chúng tôi hỏi quan điểm của anh về đảng phái, về "cuộc bầu cử trọng đại" năm 2015, Kyaw Myint bất ngờ nói rất nhiều về khái niệm "tự cường". Myint cho rằng, với 135 dân tộc và 7 bang, điều quan trọng nhất với đất nước anh là sự đoàn kết. Những cuộc giao tranh không ngừng của những phe nhóm khu vực biên giới, sự bất đồng giữa các bang dẫn đến các quy chế tự trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ, và kết quả của cuộc bầu cử dù thế nào, cũng có thể thổi bùng các mối xung đột ấy thành ngọn lửa. Những gì xảy ra năm 1988, vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với một quốc gia Phật giáo hiền lành. Và Myint cho rằng sự tự cường ở đây trước hết phải xuất phát từ nâng cao dân trí.

Đó là những cuộc nói chuyện về chủ đề chính trị khiến tôi rất ấn tượng, với những người trẻ, ở Đông Phi, hay Đông Nam Á, bình ổn, hay đầy những nguy cơ bất ổn. Bedastro hay Aung Kyaw Myint đều quan tâm đến chính trị một cách có ý thức và trách nhiệm. Họ đều có facebook, và tôi vẫn thường xuyên đọc được ở đó những thông tin hữu ích khi muốn biết về tình hình chính trị, xã hội ở Tanzania, hay Myanmar - nơi họ đang sinh sống.

Thực tế, ở Việt Nam, rất khó để có một cuộc nói chuyện chủ đề chính trị với một thanh niên, dù là vô tình hay cố ý. Thường thì cuộc nói chuyện sẽ bị lái sang chủ đề khác, hoặc đơn giản là: Tôi chẳng hiểu anh đang nói gì! Tôi không quan tâm đến chính trị đâu.

Tôi có cô bạn chơi khá thân, bà mẹ của một bé nhóc 5 tuổi, thường xuyên viết status trên facebook bày tỏ sự không hài lòng với các chính sách và sai phạm đây đó của chính quyền. Một hôm cô gọi tôi ra, hết sức nghiêm túc hỏi tôi về các chức danh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chức năng nhiệm vụ, tên tuổi những vị đứng đầu. Sau cuộc nói chuyện, không hiểu sao, từ ấy cô chỉ viết về đồ trang trí nội thất, mỹ phẩm hand-made, chuyện con cái ở nhà ở trường, những chuyện mà giờ người ta thường gọi là "chuyện của mẹ bỉm sữa".

Từ các diễn đàn, mạng xã hội, cho đến những cuộc tán gẫu cà phê vỉa hè, chính trị là một đề tài nhàm chán và đơn điệu với thanh niên. “Ôi dào ôi, chính trị chính em” - nhiều bạn trẻ có thể sẽ ngáp chảy cả nước mắt và phẩy tay – “Toàn thế í mà, chỉ đến thế thôi”...

Tôi biết, không nên hỏi thêm "toàn thế ấy mà" với "chỉ đến thế thôi" là gì, vì tôi biết bạn ấy sẽ không nói rành rẽ được. Đơn giản, đó là định kiến, bàng quan nhưng lại đầy định kiến.

Cuộc bầu cử ở Tanzania đã kết thúc tuần trước, với nhiều tranh cãi về tính minh bạch của kết quả kiểm phiếu. Hơn 53 triệu người dân Myanmar cũng vừa hoàn thành cuộc bầu cử trọng đại của họ. Tôi đã liên lạc với Bedastro, và sau đó sẽ là Aung Kyaw Myint, không chỉ để trao đổi về kết quả, mà cả về những mối quan tâm khác, liên quan đến chính trị, nhưng chủ yếu là liên quan đến chính họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét