Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Báo chí lên tiếng sẽ thực hiện quyền con người, quyền công dân tốt hơn

Ngọc Thành

VOV.VN - Hiến pháp 2013 đề cao quyền con người, quyền công dân. Đại biểu Quốc hội cho rằng báo chí có vai trò tích cực trong bảo vệ, thực hiện quyền đó.

Bảo vệ nhà báo trước nguy cơ bị đe doạ

Thảo luận tại tổ chiều 14/11 về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng luật đang có sự điều chỉnh ở nhiều nội dung tương đối thoả đáng. Hiến pháp 2013 nhấn mạnh, đề cao quyền con người, quyền công dân nên báo chí cũng điều chỉnh, bổ sung để hoạt động tuân thủ theo Hiến pháp, bảo vệ Hiến pháp để Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống.

“Quyền con người, quyền công dân nếu có báo chí lên tiếng, thông tin, bảo vệ sẽ được thực hiện tốt hơn nhiều. Tôi tán thành sửa Luật Báo chí trong thời điểm này”, ông Hùng nêu quan điểm.

Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, trên thực tế báo chí có vai trò tích cực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm, tiêu cực và tệ nạn xã hội khác. Nhà báo và người hoạt động báo chí tiềm ẩn nguy cơ bị đe doạ về tính mạng, sức khoẻ, sự an toàn. Do đó quy định về bảo vệ nhà báo cần được thể hiện rõ nét hơn.

Trên quan điểm đó, đại biểu đề nghị chuyển một khoản ở điều quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo sang điều cấm là nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp, không ai được đe doạ, cản trở nhà báo hoạt động đúng pháp luật.

“Ngoài ra phải quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, cơ quan bảo vệ pháp luật trong bảo vệ nhà báo. Nhà báo hoạt động trong phạm vi cả nước, thậm chí cả nước ngoài, thì trách nhiệm của các cơ quan này trong bảo vệ nhà báo thế nào?”, đại biểu Hùng đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm với đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Đại biểu Hoàng Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng nhấn mạnh luật cần đề cập rõ vấn đề bảo vệ nhà báo trong hoạt động tác nghiệp. Đặc biệt trong tình hình hiện nay nếu không có cơ chế bảo vệ thì nhà báo tác nghiệp khó khăn.

Tiết lộ nguồn tin dễ làm mất “chữ tín” của nhà báo

Điều 37 dự thảo luật quy định: Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Về quy định trên, Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho biết: “Quá trình lấy ý kiến, nhiều nhà báo nói “tương đương” Viện trưởng, Chánh án là thế nào? Thanh tra có tương đương không? Có cơ quan báo họ nói chịu phạt vì theo luật họ bảo vệ người cung cấp thông tin nhưng thanh tra đến không cung cấp phải chịu phạt. Cái này cần rõ ra”.

Đại biểu Lê Như Tiến- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ cũng cho rằng cơ quan báo chí không phải cung cấp nguồn tin cho mọi đối tượng, nếu không sẽ mất quyền hạn của báo chí.

“Cung cấp như thế thì sau đó không ai cung cấp thông tin cho báo chí nữa, đó là chữ tín. Theo tôi chỉ cung cấp với “tội phạm rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng” thôi, còn “tội phạm nghiêm trọng” giờ phổ biến mà theo quy định này lại suốt ngày đi cung cấp thông tin. Báo chí điều tra theo hướng cung cấp thông tin cho công chúng chứ không có cơ quan điều tra phòng chống tội phạm. Hạn chế thế là vừa đủ”, ông Tiến nêu ý kiến

Về giấy phép hoạt động báo chí, theo Đại biểu Tiến, để 7 loại cấp phép và 4 nội dung thông báo và phải được chấp thuận là quá nhiều. Xu hướng làm luật xuất bản, luật quảng cáo sắp tới phần lớn là thông báo. Do đó nên thu gọn để tránh cảm giác Hiến pháp quy định mở còn luật quy định chặt lại.

Đại biểu Hoàng Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng cho rằng dự thảo quy định quá nhiều nội dung xin phép, trong đó tới 7 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo và có sự chấp nhận của cơ quan nhà nước mà bản chất là cấp phép. Điều này không đảm bảo tính chủ động và quyền tự do báo chí, tăng thủ tục hành chính./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét