Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Khi “cả họ làm quan” là ngẫu nhiên, đúng thẩm quyền

HOÀNG LINH

TTO - Việc họ hàng, bà con cô bác cùng làm chung ở các phòng ban thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội được giải thích là do ngẫu nhiên và qua kiểm tra cho thấy tất cả đều đúng quy trình.

Ông Đào Đức Toàn, trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội, đã xác nhận với truyền thông việc huyện Mỹ Đức điều động toàn con em, người thân về công tác tại huyện là có thật. 

Thế là sự việc người dân lao xao “cả họ làm quan” nay được xác nhận là có thật. Và người làm công tác tổ chức cũng thẳng thắn nhìn nhận việc điều động cán bộ như vậy là không khách quan.

Tuy nhiên có lẽ ông cũng không thể đưa ra một quyết định xử lý người gây ra cái “không khách quan” ấy vì chiếu theo quy định tất cả đều đúng thẩm quyền, đúng quy trình.

Quá nhiều ngẫu nhiên

Người dân chịu phép về lý nhưng vẫn ấm ức về tình khi thắc mắc ngẫu nhiên nhưng sao lại nhiều ngẫu nhiên ở cùng một nơi vậy?

Có đến 6 trường hợp được biệt phái từ Ban quản lý di tích Hương Sơn về huyện đều là người thân lãnh đạo huyện Mỹ Đức.

Cụ thể, ông Lê Đức Anh, con trai ông Lê Văn Sơn (trưởng ban tổ chức) được điều động về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện.

Ông Nguyễn Thế Hưng (con ông Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch huyện) về phòng nội vụ.

Ông Nguyễn Văn Hùng (con trai ông Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch huyện) về Phòng tài chính kế hoạch.

Ông Lê Quang Hưng (con ông Lê Văn Cành - phó chủ tịch huyện) về phòng nội vụ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Duyên (con dâu bí thư huyện ủy Lê Văn Sang) về phòng quản lý đô thị.

Ông Nguyễn Minh Hoàng (con trai bà Lê Thị Vĩnh - trưởng phòng tài chính) về phòng tài chính.

Các trường hợp này đều được giải thích là đúng quy trình. Thế nhưng, dư luận lại không đồng tình gây sức ép khiến người ra quyết định phải tự rút lại quyết định điều động.

Ông Đào Đức Toàn cho rằng: “Dù Thành ủy chưa chỉ đạo nhưng huyện đã tự giác thôi biệt phái. Năm cán bộ được điều động đã trở về đơn vị cũ công tác. Một trường hợp từ đơn vị sự nghiệp này chuyển qua đơn vị sự nghiệp khác. Huyện đã khắc phục nhưng thường vụ vẫn yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm".

Quy trình là nguyên tắc, là cẩm nang để thực hiện nhưng sao làm đúng vẫn gây phản ứng, vẫn không làm người dân an tâm. Hay là quy trình có vấn đề? Hoặc người ta vẫn có thể vận dụng quy trình để làm điều “không khách quan”, ở đây là điều động con em mình vào các đơn vị như ý.

Chỉ có huyện Mỹ Đức, Hà Nội có vụ “kính thưa ba”, “kính thư cô dì, cậu, mợ…” vì trong cuộc họp có nhiều họ hàng hay nơi khác cũng có, tôi không biết vì chưa có số liệu chính thức nào về việc này?

Tham chiếu pháp luật và hỏi một số luật sư thì thấy hiện luật pháp Việt Nam không cấm những người cùng họ hàng, gia đình làm chung.

Bộ máy tổ chức thời xưa ở nước ta hoạt động ra sao?

Tuy nhiên một số nước trên thế giới có quy định này, các vương triều phong kiến Việt Nam cũng xem việc người cùng họ hàng làm chung hoặc người địa phương giữ chức quan tại chỗ là điều cấm kỵ trong phép cai trị.

Có thể tham khảo Luật hồi tỵ của các vương triều ở nước ta.

Hồi tỵ là một từ Hán Việt cổ, theo từ điển “hồi” là đi trở về; “tỵ” là lánh ra. Hồi tỵ nghĩa là tránh ra, hay lánh đi. Luật hồi tỵ là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức bộ máy chính quyền thời phong kiến, bắt đầu được đặt ra từ thời vua Lê Thánh Tông và hoàn thiện vào thời vua Minh Mạng (nhà Nguyễn), tiếp tục được thực hiện vào các triều vua Nguyễn sau đó.

Theo đó, những người có cùng quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè… không được cùng làm quan hay làm việc ở một địa phương, công sở. Nếu gặp một trong những trường hợp trên thì phải tâu báo lên để thuyên chuyển những người thân thuộc đó đi các nơi khác nhau.

Đến năm 1836, luật lại được bổ sung những qui định khắt khe hơn: các quan đầu tỉnh như tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát, lãnh binh, đốc học đều không được cử những người cùng chung một quê.

Trong từng bộ, nha, sở, cục không được bố trí những người có quan hệ cha - con, anh - em, thông gia, thầy - trò, họ hàng thân thiết…

Khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế. Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thí. Nếu có phải tâu trình thay người khác. Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng… trong địa hạt cai quản của mình.

Quan lại trong bộ máy nhà nước thời Minh Mạng được sử dụng một cách có quy củ, có chọn lọc nhằm hạn chế tham nhũng. Từ chính sách tuyển chọn dưới các hình thức tuyển cử, đề cử rất chặt chẽ nhằm tìm ra những nhân tài có đủ đức độ, thanh liêm ra làm quan.

Đặc biệt Minh Mạng còn có chính sách đãi ngộ đối với quan lại thông qua chế độ dưỡng liêm, chăm lo bảo đảm đời sống quan lại nhằm khuyến khích tiết tháo trong sạch, liêm khiết của quan lại để họ chuyên tâm lo việc triều chính.

Tất nhiên Luật hồi tỵ cần được nhìn trong bối cảnh lịch sử… nhưng hiệu quả của nó về mặt nhà nước và pháp luật cũng là điều đáng suy nghĩ và cho thấy việc kéo bè cánh từ việc bổ nhiệm bà con cô bác vào bộ máy công quyền đã có từ ngàn xưa và người xưa cũng nhận thấy điều này sẽ làm suy yếu nhà nước và pháp luật phải ban hành các điều luật để hạn chế.

Nên luật hóa bổ nhiệm cán bộ

Tình trạng “cả họ làm quan” được chống chế là làm đúng quy trình, do - tại - bởi ngẫu nhiên… là có thật, mà công tác bổ nhiệm cán bộ ở huyện Mỹ Đức chỉ là một trong những minh chứng.

Cần lắm việc luật hóa bổ nhiệm cán bộ, công chức để hạn chế tình trạng này vốn là nguồn cơn làm suy giảm hiệu quả quản lý nhà nước là làm lòng dân không an.

Rất thú vị là Bộ Công an là một trong những nơi “luật hóa” việc trên bằng quy định không bổ nhiệm người địa phương làm trưởng công an quận, huyện. Công an Hà Nội đã thực hiện thí điểm.

Tháng 3-2015, Công an Hà Nội đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm 19 cán bộ cấp trưởng phòng, công an quận, huyện, thị xã. Việc điều chuyển, bổ nhiệm này đảm bảo nguyên tắc không còn bất cứ lãnh đạo nào là cán bộ tại địa phương đi lên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét