Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Người dân Hy Lạp đã tự đưa đất nước đến sụp đổ

Lê Linh

(CAO) Chính thói quen "ăn" ngân sách của người dân Hy Lạp đã góp một phần quan trọng khiến đất nước Hy Lạp đi đến sụp đổ tài chính.

Đó là tiết lộ của James Angelos, cựu phóng viên của báo The Wall Street Journal (Mỹ) và hiện đang là nhà báo tự do sống ở Berlin (Đức) trong cuốn sách mới ra mắt mang tên The Full Catastrophe: Travels among the New Greek Ruins (Tạm dịch: Thảm họa toàn diện: Đi giữa những đống đổ nát mới của Hy Lạp).

Báo Daily Mail (Anh) cho biết trong cuốn sách, James Angelos đưa người đọc cái nhìn cận cảnh về nạn trốn thuế và gian lận phúc lợi diễn ra tràn lan tại Hy Lạp.

Thật khó để cầm lòng trước hình ảnh những cụ già hưu trí khóc ròng trên đường phố Hy Lạp vì bị hạn chế rút tiền hay hình ảnh các bà mẹ thất vọng đứng trước các kệ hàng trống trơn tại các siêu thị do người dân đã tranh nhau mua sạch hàng hóa để dự trữ.

Tuy nhiên, những người đã đọc cuốn sách của James Angelos có thể thấy lòng thương xót đối với người dân Hy Lạp giảm đi ít nhiều.

Cuốn sách phơi bày một "danh mục" các kiểu gian lận phúc lợi và mưu mẹo trốn thuế của mọi tầng lớp xã hội, khiến ngân khố Hy Lạp thâm hụt trầm trọng.

Tài xế taxi, thợ săn... khai man bị mù để nhận phúc lợi

Trong cuốn sách, James Angelos cho biết anh đến Hy Lạp vào năm 2011 sau khi nghe tin đồn về hòn đảo Zakynthos ở Hy Lạp có 2% số dân bị mù, tương ứng với 680 người bị mù trên tổng dân số 35.000 người. Tỷ lệ người mù này gấp gần 10 lần tỷ lệ người mù trung bình ở châu Âu.

Sau khi điều tra kỹ, James Angelos biết được rằng 61 trong số 680 người mù vẫn...lái xe dạo chơi vi vu quanh đảo. Thực tế, có đến 498 trong số 680 người mù hoàn toàn không bị mù, thậm chí thị lực không bị yếu.

Trong số những người khai man bị mù, có nhiều người là nhân viên bán hàng, nông dân, thậm chí là ...tài xế taxi, thợ săn và cả những người chủ nhà hàng. Thì ra, việc trở thành "người mù" có rất nhiều lợi ích, đặc biệt được nhận khoản trợ cấp khuyết tật 724 euro cứ hai tháng một lần và được giảm tiền phí sử các tiện ích như điện, nước.

Đó là vụ gian lận trắng trợn với sự thông đồng của một bác sĩ chuyên khoa mắt và một quan chức chính quyền trên đảo. Ước tính, vụ gian lận này gây thiệt hai cho nhà nước khoảng 9 triệu euro/năm.

Song đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng. James Angelos đã hỏi Thứ trưởng Y tế Hy Lạp lúc đó là ông Markos Bolaris về mức độ nghiêm trọng của vấn đề gian lận phúc lợi dành cho người khuyết tật.

Câu trả lời của vị thứ trưởng rất ngắn gọn: "Rất lớn!"

Nhiều người chết vẫn tiếp tục nhận lương hưu

Cuốn sách cho biết thực tế, khi những người khuyết tật được yêu cầu phải trình diện tại các cơ quan chính quyền để cập nhật hồ sơ, có đến 36.000 người khuyết tật không trình diện.

Điều này có nghĩa là 36.000 người này có thể đã khai man về tình trạng khuyết tật để nhận trợ cấp bấy lâu nay. Việc cập nhật lại giấy tờ của người khuyết tật đã giúp chính phủ Hy Lạp ngay lập tức tiết kiệm được 100 triệu euro/năm vì số người khuyết tật bỗng dưng giảm mạnh!

Nạn gian lận không chỉ giới hạn trong vấn đề trợ cấp khuyết tật.

James Angelos cho biết khi kiểm tra giấy tờ của những người đang nhận lương hưu, chính phủ Hy Lạp phát hiện có 8.500 người hưu trí đáng ngờ đã vượt qua mốc 100 tuổi.

Kiểm tra kỹ hơn, chính phủ phát hiện có đến 40.000 trường hợp gian lận lương hưu, trong đó, có nhiều gia đình dường như cố tình quên đăng ký giấy chứng tử cho người thân để tiếp tục nhận lương hưu của người đã mất.

Đó là chưa kể nhiều hình thức gian lận khác trong đời sống thường ngày. Chẳng hạn như hệ thống tàu điện ngầm hiện đại với các phòng chờ gắn máy điều hòa, màn hình plasma ở Athens gần như phục vụ miễn phí 5 triệu người dân Athens vì hoàn toàn không có rào chắn. Người đi tàu sẽ tự nguyện đưa vé vào máy kiểm tra trước khi lên tàu nhưng ít người có đủ trung thực để làm như vậy.

Người giàu sống trong biệt thự nhưng lại trốn thuế

Cuốn sách của James Angelos cũng mô tả có những khu phố ở Hy Lạp với những lâu đài và biệt thự sang trọng có hồ bơi riêng nằm san sát và được bao quanh bởi những bức tường cao.

Nhưng trên giấy tờ, đây là nhà của những người nghèo vì họ chỉ khai nhận các mức thu nhập 12.000 euro/năm trở xuống để tránh nộp thuế thu nhập. Không ít người trong số họ là bác sĩ, luật sư và doanh nhân. Tổng cộng, chỉ có 5.000 người dân Hy Lạp khai nhận thu nhập hơn 90.000 bảng Anh/năm.

Theo số liệu chính thức, chỉ có hơn 300 nhà ở khu phố giàu nhất của Athens có hồ bơi. Các chủ hộ có hồ bơi đều bị đánh thuế hồ bơi (được xem là công trình xa xỉ). Nhưng khi xem trên Google Earth, chính phủ mới biết người dân ở khu phố này không trung thực vì có đến gần 20.000 hồ bơi trong khu vực họ sinh sống.

Thay vì khai báo thành thật, người dân lại mua các tấm bạt ngụy trang để che giấu sự tồn tại của các hồ bơi trước các chuyến bay thị sát bằng trực thăng của các thanh tra thuế. Và còn có nhiều câu chuyện lạ lùng khác xung quanh vấn đề quản lý công quỹ do năng lực quản lý kém hơn là gian lận thực sự.

Đặc biệt là câu chuyện nhân viên Sở tài chính Savvas Saltouridis bắn chết thị trưởng của một thị trấn miền núi ở Hy Lạp năm 2009 nhưng vẫn tiếp tục được nhận lương trong ba năm sau đó mặc dù y đang ngồi tù với án chung thân.

James Angelos cho biết chỉ riêng nạn trốn thuế đã khiến Hy Lạp thất thoát đến 20 tỷ euro/năm. Con số này sẽ cao hơn nhiều nếu cộng thêm con số mà ngân sách thâm hụt do gian lận phúc lợi kéo dài nhiều năm qua.

Nhưng khi James Angelos gợi ý rằng nên trừng phạt nghiêm những người gian lận thuế và phúc lợi, một quan chức Hy Lạp đã đưa ra câu trả lời thẳng đuột nếu như không muốn nói là tuyệt vọng: "Nếu bạn bỏ tù người dân gian lận, có lẽ bạn sẽ phải bỏ tù đến một nửa số người dân Hy Lạp!"
***

Trong cuốn sách, tác giả James Angelos cũng giải thích căn nguyên sâu xa của thói quen "ăn" công quỹ của người dân Hy Lạp.

Một người dân Hy Lạp nói với James Angelos rằng thói quen trốn thuế của người Hy Lạp có từ nhiều thế kỷ trước khi Hy Lạp bị Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng. Người dân này nói: "Người không nộp thuế cho vua Thổ Nhĩ Kỳ là người khôn ngoan".

Ký ức về sự kháng cự chống lại sự chiếm đóng của ngoại quốc vẫn là niềm tự hào của người dân Hy Lạp ngày nay.

Người dân Hy Lạp gọi thuế tài sản mà chính phủ Hy Lạp áp đặt như là một phần của gói thắt lưng buộc bụng là haratsi, một loại thuế mà Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt trong thời kỳ chiếm đóng Hy Lạp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét