VNExp - Công ty tôi đóng trên địa bàn Hà Nội, có tổng cộng 83 nhân viên, thu nhập trung bình mỗi người khoảng 8 triệu một tháng, cao gấp đôi so với lương tối thiểu nhà nước quy định. Việc tăng lương tối thiểu tưởng như chẳng ảnh hưởng gì tới các nhân viên của tôi, thế nhưng thực tế không như vậy.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, để giảm gánh nặng về lương và không bị lỗ, công ty chúng tôi lâu nay thỏa thuận đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp dựa trên lương tối thiểu là 3,1 triệu đồng.
Với phương án tăng lương tối thiểu 12,4% mà Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra mới đây, nếu giữ nguyên lương của nhân viên, thì quỹ lương của công ty tôi phải tăng tương ứng để bù vào phần trích nộp bảo hiểm và kinh phí công đoàn. Người lao động thực tế cũng sẽ phải trích nộp thêm tiền lương để chi trả cho bảo hiểm mà không hề được nhận thêm đồng nào để trang trải cuộc sống.
Nếu tôi muốn tăng lương cho cán bộ nhân viên theo đà điều chỉnh tăng của lương tối thiểu thì bài toán đặt ra cho Ban lãnh đạo là doanh thu cũng phải điều chỉnh tăng tương ứng hoặc cắt giảm nhân sự để bù vào quỹ tiền lương.
Tôi cứ suy nghĩ mãi về lời của một ông tỷ phú cho rằng, dạy con chỉ cần hai điều: tính chịu trách nhiệm với hành vi của mình và năng lực chịu trách nhiệm với hành vi đó. Soi chiếu vào lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, tôi thấy rất thấm thía điều đó. Khi thuê một nhân viên, bạn phải có trách nhiệm trả lương cho họ, đồng thời bạn phải đủ khả năng để trả cho họ mức lương tương ứng với sức lao động mà họ bỏ ra. Nếu mức lương đó vượt quá năng lực tài chính của công ty tức là nhân sự đó không phù hợp với công ty bạn hoặc công ty bạn sẽ phá sản.
Trong cuộc họp đầu năm nay, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, năm 2015 phấn đấu đạt kế hoạch thu nhập trung bình của người dân khoảng 6 triệu đồng. Vừa rồi, trên mạng xã hội lan truyền bảng chi tiêu của cặp vợ chồng trẻ, trong đó tổng thu nhập của hai vợ chồng là 8,9 triệu đồng mỗi tháng nhưng họ vẫn không đủ tiêu. Trong khi đó, Hội đồng tiền lương quốc gia tính toán điều chỉnh từ 3,1 triệu lên 3,5 triệu đồng, như vậy việc tăng lương tối thiểu này thực sự có ý nghĩa gì?
Tôi nghĩ, việc tăng lương tối thiểu thực tế chỉ là tăng mức đóng các loại bảo hiểm và kinh phí công đoàn, tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp mà người lao động thực tế không nhận thêm được đồng nào. Vậy thì lý do điều chỉnh lương tối thiểu là do nhiều người lao động không đủ sống là không hợp lý.
Trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, để người lao động có thu nhập ổn định điều đầu tiên là phải duy trì được hoạt động sản xuất bình thường. Doanh nghiệp có ổn định thì người lao động mới ổn định, doanh nghiệp có phát triển thì người lao động mới có cơ hội tăng thu nhập.
Không nên đặt ra những quy định từ ngọn vì gốc rễ đã không bền vững thì chỉ một cơn gió nhẹ cũng dễ bị trốc rễ. Dưới góc độ là chủ doanh nghiệp, nếu năm tới tăng trưởng của công ty tôi không đạt 10% thì không những không có tiền tăng lương định kỳ cho nhân viên mà chúng tôi buộc phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động công ty.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét