Phụ Nữ - Các giá trị giáo dục nằm đâu trong chuỗi chen vào bật ra, chồng tiền cao hất văng chồng tiền thấp?
“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” - câu thành ngữ này nhiều người thuộc thế hệ 6x, 7x hẳn vẫn nhớ nằm lòng. Nghề dạy học là nghề gõ đầu trẻ, nhưng không thể cứ nhằm đầu trẻ mà “gõ” cho ra tiền mưu sinh.
Vậy nên ai chấp nhận nghề dạy học là chấp nhận cái nghèo, lấy những niềm vui khác, lấy cái giàu có về tình cảm, về tinh thần để bù lại.
Đã vậy, những ai chấp nhận làm nghề sư phạm, đặc biệt là sư phạm mầm non, đặc biệt hơn nữa là làm giáo viên mầm non ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội còn phải chấp nhận thêm một điều nữa: phải “chạy”. Có chạy qua “cò” thì mới mới có chỗ làm, mới mong được vào cơ quan nhà nước.
Tiền “cò” không ít, hai trăm, hai trăm năm mươi triệu đồng một chỗ dạy tại trường mầm non. Nếu tính lương giáo viên mầm non khoảng trên dưới bốn triệu đồng/tháng, thì một giáo viên phải làm việc mà không ăn, không nghỉ, không nuôi con, không xăng xe, son phấn, áo quần… ròng rã suốt 5 năm, mới thu hồi lại được số tiền bỏ ra để chạy việc này!
Chuyện bi hài không tưởng vậy mà có thật, bao nhiêu người đã phải dùng tiền để chạy chỗ làm, nuôi béo “cò” nhà cao cửa rộng. Cái việc “chạy” để có chỗ làm đã bắt đầu ít nhất từ ba năm trước.
Họ bước chân vào ngành giáo dục, bắt đầu hành trình nghề nghiệp bằng một khoản tiền đút lót, hối lộ lớn cho một hệ thống bất hợp pháp. Nói rằng họ không đủ năng lực để tự bước đi bằng đôi chân của mình thì có khi oan cho họ.
Nói rằng bên cạnh món tiền khủng buộc phải bỏ ra mua một chỗ làm, thì những kiến thức, kỹ năng mà trường đại học - cao đẳng sư phạm dạy cho họ hóa ra không có chút giá trị nào, thì cũng oan cho trường.
Chỉ có thể hiểu, đó là “luật ngầm”, mọi người phải chấp nhận nếu muốn tham gia cuộc chơi. Cái luật ngầm đó đã phá bỏ tất cả những cố gắng, những quy tắc chuẩn mực để xây dựng đội ngũ nhà giáo thanh liêm, đủ năng lực, đủ tâm huyết.
Cái luật ngầm đó đã khiến một phần lớn trong đội ngũ ấy, dù không muốn, cũng phải nghĩ đến cách làm sao kiếm ra tiền để “gỡ” lại những gì đã bỏ ra.
Qua diễn biến câu chuyện: xin được việc, rồi bị cho nghỉ việc, rồi lại phải tìm cách chạy để xin việc, những lần “cò” đi “cò” lại đó, có thể làm cho người ta dù vô tư cũng phải đâm ra nghi ngờ những động thái luân chuyển, hoặc sa thải công chức không đủ năng lực.
Một thời quá khứ đã sinh ra kiểu tâm lý bắt rễ sâu bền trong xã hội, rằng đã vào biên chế nhà nước là coi như xong, khỏi cần phấn đấu, an toàn, không bị ai sa thải bao giờ, năng lực vừa phải hay năng lực kém cũng ngang với người giỏi, cứ yên ổn đấy mà nhặt nhạnh, bòn mót, lại được đảm bảo lương hưu!
Khi xã hội dần dịch chuyển, cơ chế đào thải bổ sung được vận dụng để đảm bảo tính hiệu quả của đội ngũ, thì loại “cò” này nắm ngay lấy cơ hội để lợi dụng. Có cửa ra cửa vào, thì mới phát sinh tiền mua cửa.
Một chủ trương tốt đẹp nhằm xây dựng đội ngũ đã bị biến thành một guồng máy sinh lợi cho những kẻ giữ cửa, dắt mối. Nếu chỉ những ai có tiền mới chen được vào hàng ngũ, rất có thể họ sẽ chen bật cả những người có năng lực.
Đến lúc nào đó, không phải ai giỏi nghề, ai tâm huyết mới là người trụ lại, mà đội ngũ chỉ còn lại những kẻ nhiều tiền, những kẻ có “cò” mạnh thế.
Dư luận đồng tình với phản ứng nhanh và kiên quyết của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Các ngành phải vào cuộc ngay hôm nay, phải làm rõ sự việc mà báo chí nêu là có hay không, mức độ như thế nào, việc có đến đâu, xử lý đến đấy. Các ngành cần triển khai một cách nghiêm túc, rõ ràng, khẩn trương để trả lời người dân…”
Cái hại của loài “cò” sâu mọt này gây ra còn ảnh hưởng lâu dài. Bởi cái tâm lý giữ kín chuyện không thì mất việc lần nữa. Bởi cái mong muốn có một chỗ trú thân trong “biên chế nhà nước” êm ấm.
Chỉ thương bọn trẻ con. Con trẻ sẽ được thụ hưởng điều gì từ những thầy cô giáo đã phải cắn răng vay nợ, bỏ tiền ra chạy chọt mới xin được chỗ đi dạy? Liệu những người đứng lớp có còn chút niềm tin nào để dạy lại cho trẻ con?
Các giá trị giáo dục nằm đâu trong chuỗi chen vào bật ra, chồng tiền cao hất văng chồng tiền thấp? Cái “thị trường” ấy lâu nay người ta biết cả nhưng cắn răng chấp nhận, nay đã bị phơi bày trên mặt báo, đã thành vấn đề xã hội, mong các cơ quan nhà nước sẽ mạnh tay và những ai còn ý định “chạy” với “cò” sẽ tỉnh ra mà dừng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét