Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Giáo viên thành nhân viên bán bảo hiểm, đòi nợ thuê?

Bạch Dương

Infonet - Ban giám hiệu các trường đang rất áp lực với chỉ tiêu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.

Nhiều trường không đạt chỉ tiêu

Một cán bộ Sở GDĐT TP.HCM cho biết, nhiều hiệu trưởng kêu ca về việc thu bảo hiểm y tế nhiêu kê, phụ huynh phản ứng dữ dội, không chịu đóng, trong khi ban giám hiệu các trường đang rất áp lực với chỉ tiêu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.

Hầu hết các trường đều nhận định, việc thu bảo hiểm y tế học sinh năm nay khó hơn mọi năm và để đạt được chỉ tiêu 100% là quá khó.

Trường THCS Nguyễn Gia Thiều mặc dù đã chia thành 2 đợt thu bảo hiểm y tế cho học sinh nhưng đến thời điểm này, trường vẫn chỉ có thể đạt được 88%. Theo bà Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng nhà trường, việc đạt chỉ tiêu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế là rất khó, khả năng trong năm học này, trường chỉ có thể thu được tối đa 90%.

Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, quận Bình Thạnh cũng mới chỉ đạt 70% học sinh tham gia bảo hiểm y tế. Nằm trong địa bàn dân cư nghèo, phụ huynh đa phần còn khó khăn nên mặc dù nhà trường đã cố gắng giải thích cặn kẽ việc tăng phí cũng như linh động cả 2 phương án thu nhưng tình hình không mấy khả quan. Với đà này, nhà trường khó có thể hoàn thành chỉ tiêu do thành phố đề ra.

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, ngoài vận động trực tiếp, nhà trường còn dán thông báo, gửi giấy về nhà nhưng cũng mới chỉ thu được khoảng 70%.

Bán bảo hiểm - tiêu chí thi đua của giáo viên?

Rất nhiều giáo viên cho biết, ngoài công việc chuyên môn, sổ sách, giáo án, họ còn phải “gánh” thêm việc thu tiền bảo hiểm y tế mặc dù theo quy định, giáo viên không được trực tiếp thu tiền của học sinh. Thế nhưng, khi chỉ tiêu 100% học sinh phải mua bảo hiểm y tế bắt buộc áp về các trường thì chính những giáo viên này phải “gánh”.

Cô L.T.T, giáo viên một trường tiểu học tại quận 3 (TP.HCM) bức xúc: “Chúng tôi bị giao nhiệm vụ phải thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh, nếu không đạt chỉ tiêu thì giáo viên bị phê bình. Giáo viên chủ nhiệm vô tình bị biến thành người đi đòi nợ phụ huynh cho nhà trường, nếu không thu được đủ tiền thì bị cắt thi đua”.

Một giáo viên khác kiến nghị: “Công việc của giáo viên là dạy học, bán bảo hiểm y tế là việc của Bảo hiểm xã hội. Tại sao lại đổ việc này lên đầu giáo viên? Bảo hiểm xã hội tạo áp lực cho nhà trường, nhà trường tạo áp lực cho giáo viên, giáo viên buộc phải tạo áp lực cho phụ huynh nếu không giáo viên bị khiển trách. Tại sao Bảo hiểm xã hội không cử nhân viên đại lý của mình qua các trường để bán?”

Tại không ít địa phương, việc bán bảo hiểm y tế trở thành một tiêu chí thi đua đánh giá giáo viên. Điều này đã khiến các thầy cô giáo bức xúc bởi các trường học chỉ là đại lý thu hộ cho bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, từ vai trò hỗ trợ, giáo viên lại trở thành người “đứng mũi chịu sào” nếu phụ huynh không chịu đóng tiền. Như thế liệu có công bằng khi đưa tỉ lệ học sinh của lớp mua bảo hiểm y tế thành một tiêu chí trong bình xét thi đua hằng năm đối với giáo viên chủ nhiệm?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét