VNExp - Hợp tác xã Nhữ Hán của ông Nguyễn Bút Kỳ - một trong hai hợp tác xã nông nghiệp thành công nhất của tỉnh Tuyên Quang đang đứng trước một cuộc khủng hoảng về nguồn nhân lực. 30 năm làm chủ nhiệm, ông Kỳ chưa thể tìm thấy được truyền nhân để đào tạo dần dà thay mình.
Ông Kỳ tâm sự với lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang, ông Phó chủ tịch liên minh hào sảng: “Ông cần người như nào? Kỹ sư nông nghiệp, kinh tế, hay môi sinh, tôi sẵn sàng tăng cường một người làm trợ lý cho ông, trả lương giúp ông luôn”. Ông Kỳ ngẫm nghĩ, rồi bảo: “Vậy thì ông không có người tôi đang cần. Bởi tôi cần một người có đủ niềm tin vào hợp tác xã, có thể theo đuổi những khát vọng mà tôi đang nuôi giữ, có thể học hỏi, tìm kiếm những kiến thức của thiên hạ để giúp xã viên làm giàu. Cái người ông cho tôi có như thế được không?” – vị Phó chủ tịch liên minh bảo: “Thế thì chỉ có con trai của ông thôi! Ông hãy cố mà đào tạo nó theo cách mà ông muốn”.
Gần 5 năm trước, 600 trí thức trẻ được tăng cường về nông thôn để làm Phó chủ tịch xã nghèo. Gần hết một nhiệm kỳ, 99,65% được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có trên 31% hoàn thành xuất sắc rồi đứng trước nguy cơ trở thành những nhân sự thừa ra ở chính mảnh đất tưởng như đang cần họ.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, kết thúc Đại hội Đảng bộ các xã nhiệm kỳ 2015 – 2020 chỉ có chưa đầy 25% thành viên của Đề án được bầu vào cấp ủy, có nghĩa là sẽ có trên 75% chắc chắn sẽ rơi rụng. Thậm chí, có những địa phương như Sơn La còn chủ trương không bố trí quy hoạch các trí thức trẻ này trong thời gian tới.
Ruộng đồng cần tri thức, nông thôn cần có những con người nhiệt tình và có năng lực để vực dậy sức sống của làng quê. Đó là một sự thật! Đề án 600 trí thức trẻ cũng vì thế mà ra đời. Song, tri thức mà các làng quê đang thực sự cần có phải là những mảnh bằng đại học nằm trong balô của những chàng trai cô gái trẻ? Ông Nguyễn Bút Kỳ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhữ Hán, đã trả lời dứt khoát là: Không!
600 trí thức trẻ tăng cường về xã cũng giống như những nhân sự mà ông Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhữ Hán được cấp trên ban cho. Làng quê cần những người chủ của cánh đồng có tri thức, có khả năng, và nhu cầu sử dụng tri thức để làm giàu cho mình chứ không phải những người trẻ tuổi mang mảnh bằng đại học về làng nhận lấy một chức danh.
Khi các trí thức trẻ tăng cường về nông thôn để làm phó chủ tịch xã, các xã nghèo được tăng cường một trí thức thời vụ, để giải quyết công việc trong một nhiệm kỳ. 99,65% đã thành công trong vai trò làm một ông phó chủ tịch trong nhiệm kỳ 5 năm. Nhưng đề án thất bại, bởi những cánh đồng cần những người làm chủ của nó, chứ không cần một nhiệm kỳ của ông viên chức Phó chủ tịch.
Nông thôn cần tri thức, vậy thì hãy tăng cường cho nông thôn những con người có thể trở thành trí thức của làng quê. Trao cho những trí thức trẻ một chức danh hành chính, họ sẽ trở thành một viên chức quan liêu. Trao cho những trí thức trẻ một cánh đồng, họ sẽ trở thành chủ nhân, để sống chết vì cánh đồng đó, dùng tri thức của mình để cánh đồng đó trở nên trù phú.
Những trí thức trẻ cần được trở thành những người nông dân có tri thức để gia tăng hàm lượng tri thức cho ruộng đồng. Bởi thế, họ không cần được quy hoạch chức danh, họ cần được trao những cánh đồng để sống và cống hiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét