(TBKTSG Online) - Huyền Như dẫn dụ khách hàng của mình chuyển tiền vào tài khoản của họ ở Ngân hàng Vietinbank rồi mới làm các lệnh chi giả để chiếm đoạt.
Hôm nay, 17-12-2014, ngày thứ ba của phiên phúc thẩm vụ án Huyền Như, Hội đồng đồng xét xử đã xét hỏi, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đối với số tiền 210 tỉ đồng của Công ty chứng khoán SaigonBank Berjaya; 170 tỉ đồng của Công ty An Lộc; 380 tỉ đồng của Công ty Phương Đông; 125 tỉ đồng của Công ty bảo hiểm Toàn Cầu; 165 tỉ đồng của Ngân hàng thương mại Quốc tế…
Tại phiên tòa, đại diện của SaigonBank Berjaya, An Lộc và Phương Đông cho biết hồ sơ mở tài khoản của họ tại Vietinbank là hợp lệ. Cụ thể, đại diện An Lộc cho biết, sau khi mở tài khoản tại Vietinbank họ đã chuyển vào tài khoản này tổng cộng 570 tỉ đồng và bị Huyền Như làm lệnh chi giả chiếm đoạt 170 tỉ đồng, 400 tỉ đồng còn lại sau đó Vietinbank đã chuyển trả lại cho An Lộc.
Tương tự, đại diện SaigonBank Berjaya cho biết tổng số tiền họ chuyển vào tài khoản của mình ở Vietinbank là 225 tỉ đồng, họ chỉ mới rút ra 15 tỉ đồng, số tiền còn lại 210 tỉ đồng bị Huyền Như làm lệnh chi giả chiếm đoạt. Trường hợp của Phương Đông và Toàn Cầu cũng vậy. Hai công ty này cũng mở tài khoản tại Vietinbank, sau khi chuyển tiền vào thì bị Huyền Như làm lệnh chi giả để chiếm đoạt.
Tại tòa, Huyền Như cho biết để chiếm đoạt được tiền của những doanh nghiệp, Huyền Như đã bỏ tiền túi chi hàng chục tỉ đồng tiền “huê hồng” để “dẫn dụ” các doanh nghiệp kể trên (khách hàng của mình) gửi tiền vào Vietinbank; sau đó Huyền Như làm giả các lệnh chi để rút tiền của họ chi trả cho các khoản nợ của mình.
Hội đồng xét xử hỏi: “Hồ sơ mở tài khoản có hợp lệ không?” Huyền Như trả lời: “Hợp lệ”. Tại tòa, đại diện Vietinbank cũng thừa nhận tài khoản của các doanh nghiệp mở tại Vietinbank là “đúng quy trình”. Vậy làm thế nào bị cáo Như rút tiền của khách hàng ra được? - Chủ tọa phiên tòa hỏi. Huyền Như cho biết mình đã làm các lệnh chi giả để rút tiền; trong khi đại diện của Vietinbank nói: “không biết các lệnh chi đó là giả”.
Trong phiên xét hỏi hôm nay, Huyền Như cũng thừa nhận mình được ký lệnh chi tối đa 50 tỉ đồng (nhờ chức Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ). Theo Như, việc làm của Như có sự giúp sức của các nhân viên của mình nhưng những nhân viên này hoàn toàn không biết hồ sơ, lệnh chi tiền là giả.
Vì vậy, các công ty bị mất tiền, cho rằng tiền của họ đã vào tài khoản ở Vietinbank mới bị Huyền Như chiếm đoạt nên yêu cầu tòa xem xét trách nhiệm của Vietinbank. Theo quan điểm của họ là Huyền Như đã chiếm đoạt, tham ô tiền của chính Vietinbank, vì nếu Như không có chức vụ trưởng phòng giao dịch thì sẽ không thể chiếm đoạt được.
Riêng trường hợp Ngân hàng Thương mại Quốc tế, đại diện của đơn vị này không kháng cáo đòi Vietinbank phải có trách nhiệm với khoản tiền họ bị chiếm đoạt mà chỉ yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét số tiền sung công quỹ trong vụ án, vì số tiền này có nguồn gốc là của các bị hại nên phải trả lại cho bị hại; đồng thời số tiền của họ bị Huyền Như chiếm đoạt được chuyển đi đâu thì làm rõ để thu hồi.
Sở dĩ Ngân hàng Thương mại Quốc tế không yêu cầu tòa xem xét trách nhiệm của Vietinbank là vì tất cả hồ sơ tài khoản của một số cá nhân đồng phạm với Huyền Như tại Vietinbank thế chấp để vay tại Ngân hàng Thương mại Quốc tế đều do Huyền Như làm giả.
Ngày mai, 18-12-2014, phiên toàn sẽ tiếp tục với phần xét hỏi liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Huyền Như đối với 718 tỉ đồng của Ngân Hàng Á Châu và 200 tỉ đồng của Ngân hàng Nam Việt (Quốc Dân).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét