(TBKTSG Online) - Quan hệ gửi tiền – giữ tiền giữa khách hàng và Ngân hàng Vietinbank cùng quyền hạn của Huyền Như ở Vietinbank mà cụ thể là Phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh TPHCM đã được Hội đồng xét xử làm rõ trong phiên xét hỏi hôm nay, 16-12-2014, ngày thứ hai của phiên phúc thẩm vụ án Huyền Như.
Hôm nay 16-12, Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi về hành vi Huyền Như chiếm đoạt tài sản của Công ty Hưng Yên và trách nhiệm của Vietinbank với tiền gửi của khách hàng.
Tại tòa, Huyền Như thừa nhận mình đã lừa Hưng Yên gửi tiền vào Vietinbank rồi ký giả chữ ký, làm ký lệnh chi giả… để chiếm đoạt số tiền hơn 200 tỉ đồng.
Trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, Huyền Như khẳng định hồ sơ gửi tiền của Hưng Yên là thật. Tại tòa, đại diện Vietinbank cũng thừa nhận hồ sơ gửi tiền của Hưng Yên là hợp lệ và tất cả các chứng từ hệ thống của Vietinbank có cập nhật, theo dõi.
Vì vậy, Hội đồng xét xử hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước: “Đối với trường hợp chủ tài khoản mở tài khoản và được bộ phận có thẩm quyền của Vietinbank chấp thuận thì tài khoản đó có được coi là hợp lệ không? Và, ngân hàng có phải chịu trách nhiệm với số tiền trong tài khoản đó hay không?”
Đại diện Ngân hàng Nhà nước trả lời vòng vo “không đủ cơ sở để đánh giá”, “cho kiểm tra bổ sung sau”. Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi: “Khi huy động vốn vào ngân hàng thì tiền huy động đó có được coi là tài sản của ngân hàng hay không?” đại diện Ngân hàng Nhà nước nói: “Phải xem xét các quy định mới trả lời được”.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, đại diện Ngân hàng ACB, Navibank đều khẳng định, theo quy định của pháp luật thì khi tiền đã được chuyển vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng thì nó được coi là tài sản của ngân hàng và thực tế được thể hiện qua việc ngân hàng sử dụng số tiền này cho vay lại.
Thế nhưng, đại diện Vietinbank khẳng định trước tòa: “Khi huy động vốn, tiền vào ngân hàng thì vẫn thuộc tài sản của khách hàng, ngân hàng quản lý”. Tòa hỏi, “Vậy ngân hàng huy động vốn rồi để đó chờ khách hàng đến nhận lại và trả lãi cho họ, không kinh doanh trên số vốn đó?” Đại diện Vietinbank nói: “Ngân hàng sử dụng vào hoạt động kinh doanh chứ không sở hữu”!
Chủ tọa phiên tòa Quảng Đức Tuyên hỏi: “Khi Hưng Yên đã mở tài khoản thì trách nhiệm của ngân hàng có phát sinh chưa?” Rồi ông tự trả lời: “Dù một giây ngân hàng cũng phải giữ chứ, có đúng không!”.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi “trách nhiệm khi đó có phát sinh chưa?”, đại diện Vietinbank cho rằng đối với tài khoản tiết kiện thì “trách nhiệm phát sinh”, nhưng đối với tài khoản thanh toán thì “trách nhiệm chưa phát sinh”.
Chủ tọa phiên tòa hỏi lại đại diện Vietinbank: “Tiền trong tài khoản thanh toán không phát sinh quan hệ gửi – giữ đúng không?” Đại diện Ngân hàng Nhà nước, nói: “Tất cả quan hệ này phải theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, tại tòa, đại diện Viện kiểm sát đã dẫn ra hàng loạt quy định pháp luật cho thấy khi tiền đã chuyển vào tài khoản của khách hàng tại ngân hàng thì đã phát sinh quan hệ gửi – giữ và ngân hàng phải chịu trách nhiệm. “Không phát sinh quan hệ gửi – giữ, vậy ai muốn rút tiền cũng được à?" Đại diện Viện kiểm sát hỏi đại diện Vietinbank.
Đại diện Viện kiểm sát hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước Quyết định 1284 quy định về quan hệ gửi – giữ tiền tại ngân hàng (theo quy định tại Quyết định này thì tiền trong tài khoản thanh toán có phát sinh quan hệ gửi – giữ) có còn hiệu lực không? Đại diện Ngân hàng nói: “Theo luật ban hành văn bản thì chưa có văn bản pháp luật nào thay thế Quyết định 1284 nên còn hiệu lực”.
Liên quan đến quyền hạn của Huyền Như, tại tòa, Huyền Như cũng như đại diện của Vietinbank cho biết Như không có quyền hạn gì, chỉ làm việc theo phân công phân nhiệm. “Nhiệm vụ của bị cáo là quản lý nhân sự, trông coi cơ sở vật chất và thực hiện chức năng nghiệp vụ tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ”, Huyền Như nói.
Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát dẫn quy định của Hội đồng quản trị Vietinbank cho thấy Huyền Như có chức vụ (trưởng phòng giao dịch) và quyền hạn (được phê duyệt lệnh chi đến 50 tỉ đồng).
Trách nhiệm của Huyền Như cũng được Hội đồng xét xử làm rõ, khi hỏi: “Tại sao tất cả các khoản tiền của khách hàng đều gởi vào Phòng giao dịch Điện Biên Phủ?”. Huyền Như không trả lời. Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi: “Nếu tiền của Hưng Yên gởi vào ngân hàng khác hoặc Phòng giao dịch khác của Vietinbank thì bị cáo có chiếm đoạt được không?” Huyền Như trả lời: “Không”.
Chủ tọa phiên tòa cho rằng, nếu Huyền Như không làm trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thì sẽ không qua mặt được bộ phận nghiệp vụ để chiếm đoạt tiền.
Ngày mai, 17-12, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi về hành vi chiếm đoạt tiền của các cá nhân, đơn vị khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét