Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản: Lĩnh vực nào dễ bị rửa tiền?

An Dương

Do việc chứng minh nguồn tiền “chảy” vào Việt Nam không khó khăn nên bọn tội phạm nước ngoài đã lợi dụng để tuồn tiền "bẩn" về hợp pháp hóa và biến thành tiền "sạch".

Theo Cục Cảnh sát kinh tế, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), tội phạm rửa tiền phổ biến nhất ở Việt Nam là đối tượng phạm tội ở nước ngoài.

Với chiêu thức rửa tiền ngày càng tinh vi và khó phát hiện, đặc biệt là sử dụng công nghệ cao như thẻ tín dụng. Theo đó, thủ đoạn rửa tiền của chúng thường là tuồn tiền “bẩn” về Việt Nam để hợp pháp hóa, chuyển sang tiền “sạch”. Bên cạnh đó, một bộ phận tội phạm trong nước đã sử dụng số tiền này để lừa đảo, tham nhũng, mua bán ma túy… thậm chí “rửa” bằng cách mua bất động sản, chuyển cho người thân, đầu tư vào các dự án, hợp đồng kinh tế “ma”….

Kẽ hở từ kênh ngân hàng

Một chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng cho rằng, ở Việt Nam khi gửi tiền vào ngân hàng, các tổ chức và cá nhân không cần phải chứng minh nguồn tiền có được mà thậm chí các ngân hàng còn cạnh tranh lãi suất để thu hút nguồn tiền. Hơn nữa, việc chứng minh nguồn tiền của các công ty khi đầu tư vào Việt Nam không khó khăn như một số nước khác. Ngoài ra, tỷ suất sinh lợi ở Việt Nam khá cao do nằm trong các nước có sự tăng trưởng nóng hơn so với nhiều quốc gia khác mặc dù kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tội phạm rửa tiền đã lợi dụng sơ hở này để hợp pháp hóa, chuyển từ những đồng tiền “bẩn” sang tiền “sạch”.

Lực lượng cảnh sát quốc tế Interpol cũng đưa ra cảnh báo, trong những năm qua, đã xuất hiện một số vụ rửa tiền thông qua việc chuyển tiền có nguồn gốc bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, có một số đối tượng, băng nhóm tội phạm từ nước ngoài đã vào Việt Nam sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại để đồng bọn ở nước ngoài chuyển tiền vào, sau đó rút hết tiền trong các tài khoản này.

Đơn cử như vào năm 2008, Cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ được 2 đối tượng người Mozambique có hành vi đánh cắp tiền từ tài khoản nước ngoài rồi chuyển vào Việt Nam thông qua tài khoản tại hai ngân hàng thương mại ở Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng giá trị quy đổi là 7,44 tỷ đồng. Đây được coi là vụ án rửa tiền xuyên quốc gia với số lượng lớn được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam.

Trước đó, vào khoảng thời gian từ năm 2004 đến  năm 2006, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1 công dân Australia, tạm trú tại TP HCM đã mở các tài khoản vãng lai USD tại một số ngân hàng ở TP HCM, thông qua các tài khoản này, đã nhận hơn 3,2 triệu USD từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam, sau đó lần lượt chuyển cho một số công ty ở Việt Nam và ở nước ngoài.

Tiếp đến là vụ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận được email từ một số doanh nhân Nigeria yêu cầu mở tài khoản 28 triệu USD, hứa hẹn sẽ chi lại 15% tổng số tiền…

Trong thời gian gần đây, lực lượng công an Việt Nam đã phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền (NHNN) và đã phát hiện nhiều giao dịch nghi vấn liên quan đến hoạt động này.  Chỉ tính riêng trong năm 2013, Cục Phòng chống rửa tiền đã nhận được hơn 700 báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động rửa tiền.

Dễ dàng rửa tiền qua chứng khoán?

Theo Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội ban hành năm 2012, các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán gồm: Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện; Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý; Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam.

Theo đó, các công ty chứng khoán phải có nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng văn bản, thời hạn báo cáo tối đa là 48 giờ, kể từ thời điểm phát sinh giao dịch.

Mặc dù, hiện nay Việt Nam đã xây dựng và đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền nói chung và trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng. Đây sẽ là chế tài để các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, thành viên lưu ký phải tuân thủ.  

 Luật sư Hoàng Văn Dũng (Công ty luật Bross & Partners tại Việt Nam) cho hay, hầu hết các công ty chứng khoán hiện đều có đầy đủ các biểu mẫu và hệ thống kế toán ghi nhận giao dịch. Hơn nữa, nhiều công ty đã có hệ thống ghi nhận giao dịch tương đương với các ngân hàng về biểu mẫu, chế độ kế toán, hạ tầng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do chúng là chưa có thói quen sử dụng tài khoản làm giao dịch nên các công ty chứng khoán phải xây dựng cơ chế lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần liên tục có chủ ý, và xây dựng báo cáo tự động có thể báo cáo kịp thời trong nội bộ và cho cơ quan quản lý.

Các chuyên gia của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ (Bộ Công an) cho rằng, việc rửa tiền qua chứng khoán là việc rất dễ dàng bởi đặc thù của chứng khoán là mọi người đều có quyền mua đi bán lại cổ phiếu và tái đầu tư trong khi giá cổ phiếu lại lên xuống thất thường.

Theo đó, những đối tượng “nhắm” đến kênh chứng khoán để rửa tiền thì hầu như chúng không quan tâm đến việc lời hay lỗ nhưng kết quả cả năm được công bố là có lãi, và nghiêm nhiên, số tiền đó đã từ tiền “bẩn” biến sang tiền “sạch”.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Nguyễn Đức Kiên, trong lĩnh vực chứng khoán, tội phạm thường rửa tiền qua con đường mua bán, cổ phần hoá doanh nghiệp. Cổ phần hoá sau một thời gian họ lấy cổ tức, rồi chia nhau, rồi lại bán ra và họ đã có một nguồn thu nhập chính đáng.

Tiền “bẩn” len lỏi vào bất động sản

Thị trường bất động sản và chứng khoán là hai thị trường có tốc độ phát triển rất khó dự đoán, dễ đi từ trạng thái phát triển nóng chuyển sang đóng băng. Đối với bất động sản, những năm qua, có rất nhiều luồng tiền lớn đã đổ vào thị trường này. Tuy nhiên, cũng giống như lĩnh vực ngân hàng, việc kiểm tra nguồn gốc vốn đầu tư vào thị trường này cũng chưa quan tâm đúng mức.

Ông Nguyễn Đức Kiên, bất động sản chỉ là một công cụ, một phương tiện để bọn tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên, khi rửa tiền, “nhà đầu tư” có thể chấp nhận phí rửa đến 20-30% của mức đầu tư.

Trường hợp này không phải chưa xảy ra tại Việt Nam. Vụ việt kiều Lê Thị Phương Mai đầu tư tiền từ hoạt động ma tuý vào các dự án của Công ty Viet – Can Resorts & Plannation Inc là một trong những ví dụ điển hình. Theo hồ sơ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Lê Thị Phương Mai là nhân vật đã đứng ra tổ chức một tập đoàn tội phạm quốc tế lớn tại Bắc Mỹ, hoạt động theo qui trình khép kín từ sản xuất, tiêu thụ ma túy đến rửa tiền.

Đầu năm 2004, Mai cùng một số người khác dưới danh nghĩa người của Công ty Viet – Can Resorts & Plantation Inc., có trụ sở tại Canada  đã về Việt Nam với mục đích tìm cơ hội đầu tư. Được UBND tỉnh Khánh Hoà cho phép đầu tư dự án khu nghỉ mát và căn hộ cho thuê tại Dốc Lết, thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa nên Mai đã đầu tư 25 triệu USD. Sau đó, Công ty Viet – Can Resorts & Plantation cũng lập một website trên mạng internet để quảng bá dự án du lịch. Tuy nhiên, dự án chưa kịp hoàn thành thủ tục thì Mai bị bắt giữ.

Tiếp đến là các vụ Nguyễn Đức Chi đầu tư vào các dự án tại Khánh Hòa thông qua Công ty Russaka – Invest để rửa tiền từ hoạt động phạm tội tại Nga, từ đó lợi dụng danh nghĩa công ty để lừa đảo, đưa hối lộ…

Theo các cơ quan chức năng đánh giá, nguồn gốc chính của các khoản tiền bất hợp pháp tại Việt Nam chủ yếu đến từ các hoạt động lừa đảo liên quan đến tài sản. Với các phương thức mà bọn tội phạm thường sử dụng như: Giả mạo chứng từ về quyền sử dụng nhà, sử dụng đất thế chấp đối với các khoản vay ngân hàng; các lời mời chào dự án đầu tư bất động sản giả mạo và các hồ sơ xin vay vốn sử dụng chữ ký giả của nhân viên ngân hàng...

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, việc cho người nước ngoài mua nhà cũng phải kiểm soát dòng tiền chẽ để phòng chống hoạt động rửa tiền của tội phạm, nếu không thì  “tiền bẩn” sẽ vào Việt Nam bằng con đường mua nhà và đầu tư bất động sản…

Theo Stockbiz.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét