VNN - Sẽ là hoàn toàn ổn nếu một người từ bỏ nghề giảng viên để theo nghề bán xôi, nhưng sẽ là không ổn nếu vừa làm giảng viên vừa bán xôi, hay nói rộng ra là nghề tay trái nào đó.
Từ một tình huống gây tranh cãi
Gần đây, một cuộc tranh luận trên VietNamNet khiến tôi rất quan tâm: giảng viên đại học có nên “gạt sĩ diện để đi bán xôi”?
Trước hết cần khẳng định, đối với tôi, nghề nghiệp nào cũng đáng trân trọng như nhau. Cũng như tài chính luôn luôn là vấn đề quan trọng, nhưng không bao giờ là thước đo duy nhất về giá trị hoặc sự thành công của một người. Đó hoàn toàn không phải câu nói cửa miệng, đạo đức nửa vời mà là điều tôi cảm nhận sâu sắc qua chính những trải nghiệm của bản thân với con người, cuộc đời.
Bán xôi, đừng tưởng những công việc bình dị đó là đơn giản. Cứ thử tưởng tượng, từ việc tìm địa điểm bán phù hợp, lựa chọn loại nếp, đậu và các nguyên liệu khác vừa ngon vừa rẻ; cho đến việc mỗi ngày đều phải dậy rất sớm nấu xôi, xôi nấu số lượng lớn mà vẫn ngon, bán lâu mà vẫn ấm đều, cho đến gói xôi nhanh, đẹp mắt… Rồi mở rộng quy mô, đối phó cạnh tranh…
Mỗi công việc đều có những đặc thù và yêu cầu riêng mà không phải ai cũng có thể đáp ứng. Và nếu chúng ta thật sự dành toàn bộ tâm huyết, thời gian thì mọi công việc đều có thể đem lại những vinh quang không ngờ. Chẳng phải chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lừng danh McDonald’s cũng phát triển từ một cửa hàng bán bánh burger nhỏ ở California đó sao?
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, sẽ là hoàn toàn ổn nếu một người từ bỏ nghề giảng viên để theo nghiệp bán xôi, nhưng sẽ là không ổn nếu vừa làm giảng viên vừa bán xôi, hay nói rộng ra là nghề tay trái nào đó.
Xã hội phát triển đến từ sự chuyên sâu
Việc một cá nhân không toàn tâm toàn ý, đầu tư vào công việc chính sẽ đem lại những hậu quả, nhất là nếu họ làm công tác giáo dục – một nghề nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến thế hệ trẻ.
Đối với xã hội, những công việc tay trái hầu như không đem đến giá trị thặng dư. Chẳng phải tự nhiên mà nước ta có rất nhiều người bán hàng hóa online trên các mạng xã hội, nhưng lại thiếu hẳn những công ty “made in Viet Nam” chuyên nghiệp quy mô làm việc này như Amazon, Alibaba, G-market... Chúng ta có vô số cửa hàng bán tạp hóa, nhưng những chuỗi cửa hàng tiện lợi của Việt Nam tương tự như Seven Eleven, Circle K… lại vắng bóng. Chúng ta có vô số hàng quán ăn, nhưng hiếm thấy những cửa hàng lớn, to đẹp chuyên bán các món ăn quốc hồn quốc túy để cạnh tranh với những quán ăn nước ngoài vừa không hợp khẩu vị, vừa đắt nhưng lúc nào cũng đông nghịt khách trên chính quê hương mình.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, mà việc làm nhiều công việc cùng lúc là một trong số đó. Bởi vì đã là nghề tay trái, chúng ta chỉ cần thêm được một ít thu nhập, không cần đầu tư nhiều là đủ hài lòng. Nhà nước cũng hầu như không thu được thuế, và dịch vụ hoặc sản phẩm đem lại cũng chỉ ở mức độ “tay trái”, hầu như không thể phát triển hơn được. Không khó để nhận ra, những cửa hàng nhỏ lẻ, bán qua bán lại các sản phẩm hầu hết là Made in China không bao giờ là lời giải cho bài toán phát triển ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Đối với sinh viên, tôi tự hỏi các em sẽ cảm thấy thế nào khi lên lớp thì là sinh viên, tan lớp lại có thể thành khách hàng mua sắm online của thầy, cô? Liệu họ có cảm thấy hoài nghi với con đường mình đã chọn, vào tương lai của nghề nghiệp, hoặc đơn giản, liệu họ có đặt dấu hỏi về kiến thức mà mình đang được truyền đạt, khi thầy cô cũng đang quay cuồng trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Mà chúng ta đều biết, kiến thức cao cấp ở bậc đại học là điều không hề đơn giản để có được?
Và rồi liệu họ có thể tin tưởng khi được dạy về sức mạnh của sự đam mê hoặc những điều tương tự? Khi đó, những lý thuyết tươi đẹp, hướng con người phát triển đến những tầm cao mới, trở nên quá đỗi “xám xịt” trước cây đời “xanh tươi”.
Đối với bản thân giảng viên, nghề tay trái đem lại những lợi ích nhất thời, nhưng có hại về lâu dài. Cái giá phải trả là một cuộc đời không thành tựu trên chính con đường nghề nghiệp đã chọn.
Số lượng giảng viên đại học của nước ta không phải là ít, nhưng số bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế đến nay vẫn cực kỳ khiêm tốn. Và các bài viết hội thảo trong nước, nhiều trong số đó không đủ chất lượng cần thiết. Đó trước hết là lỗi của giảng viên, những người được xếp vào tầng lớp trí thức, và được trả lương cho việc tìm kiếm, thu nạp, truyền đạt và tạo ra kiến thức mới mỗi ngày.
Đương nhiên, việc viết một bài báo khoa học hoặc thực hiện một công trình nghiên cứu không hề dễ dàng, tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Nhưng không có gì là không phải trả giá, và không có một công việc nào là dễ dàng, khi ta thực sự tìm hiểu sâu về nó. Đáp lại, thành quả khi đạt được cũng rất ngọt ngào.
Hãy nhớ đến đạo diễn Lý An[1], người sống nửa đời trong nghèo khó trước khi có được những tác phẩm để đời. Đương nhiên, sẽ có người hỏi ngược lại, không phải ai cũng có thể trở thành Lý An, vậy hà cớ gì lại ép buộc họ phải sống cả đời trong cơ cực? Đa phần chúng ta sống hết cuộc đời mà không có được những thành tựu lớn lao, nhưng mỗi người có thể sống cuộc đời ý nghĩa bằng cách làm tốt nhất khả năng công việc của mình.
Khi ấy, như những mắt xích trong một chuỗi dây chuyền giúp cỗ máy vận hành trơn tru, mỗi người giúp xã hội trở nên tốt đẹp? Theo tôi, nguyên lý đơn giản này cũng chính là động lực để các quốc gia trở nên văn minh và phát triển.
Câu chuyện thu nhập của giảng viên nói riêng, tầng lớp trí thức nói chung ở Việt Nam còn liên quan đến rất nhiều vấn đề thuộc tầm vĩ mô, như chính sách đãi ngộ, chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm cho họ có thể yên tâm được bảo đảm điều kiện sống cơ bản… Hiện thời, những điều này nằm ngoài phạm vi tôi có thể phân tích sâu.
Ở đây, tôi chỉ muốn bàn đến một điều rất đơn giản, mỗi người trong xã hội mang một sứ mệnh, nhiệm vụ khác nhau, hãy làm thật tốt sứ mệnh của mình. Xã hội chỉ có thể phát triển khi các cá nhân phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực của mình, thay vì dàn trải và nông cạn.
***[1] Đạo diễn phim “Cuộc đời của Pi” (2012), “Sắc, Giới” (2007), Brokeback Mountain (2005)…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét