Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Trần Đăng Khoa bàn về án oan

Phóng viên VOV

- Ông Khoa ạ, bấy lâu nay, trên báo điện tử VOV, ở góc “Blog tòa soạn”, ông thường một mình luận bàn về những vấn đề, những vụ việc nổi cộm nhất trong tuần. Nhưng kỳ này, chúng tôi muốn cùng ông luận bàn về những vụ việc mà bạn đọc quan tâm nhất, theo kiểu “hỏi thẳng, đáp thật”. Đó cũng là một cách làm mới chuyên mục.

- Đồng ý! Xin thím cứ tra khảo!

- Đúng như ông dự đoán, vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn quả đã làm nóng nghị trường. Trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 21/11 vừa rồi, nhiều đại biểu đã hỏi thẳng Chánh án Tòa Tối cao về ông Chấn. Ông có theo dõi không?

- Tôi đánh giá rất cao buổi chất vấn đó. Đặc biệt là phần câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga. Phần chất vấn hay hơn phần trả lời chất vấn. Theo dõi cả trên mạng xã hội, tôi thấy dư luận công chúng và đông đảo cử tri đều đánh giá rất cao đại biểu Lê Thị Nga. Nhiều người mong Quốc hội có nhiều đại biểu như chị. Như thế, có thể nói, Quốc hội ta đang dần hay hơn, chuyên nghiệp hơn.

Còn nỗi oan động trời của ông Chấn, như đã có lần, tôi thưa với bạn đọc, rằng ngay cả ở những nước văn minh, dân chủ, có hệ thống pháp luật chặt chẽ, chuyên nghiệp, dù rất hãn hữu, nhưng cũng khó tránh được oan khuất. Ở ta, chuyện 10 năm tù oan của ông Chấn quả là khủng khiếp, thành tâm điểm, rúng động toàn xã hội.

Bây giờ đi đâu, về đâu, tôi cũng thấy người ta bàn chuyện ông Chấn. Cần phải coi đó là một bài học cay đắng. Vụ việc sai thì đã sai rồi. Vấn đề bây giờ là việc sửa sai, là khắc phục sai lầm nghiêm trọng đó sao cho phải đạo. Không thể nói một cách vô trách nhiệm rằng: “Các điều tra viên đã giải trình rồi. Không có vấn đề gì cả!”.

Trời đất ơi! “Không có vấn đề gì” mà kẻ giết người vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật ư?. “Không có vấn đề gì” mà người dân lương thiện lại phải mang án tù chung thân ư? Nếu không phải là con độc của một liệt sĩ, thì chắc chắn ông Chấn đã bị tử hình rồi. Với tội giết người tàn bạo bị vu cho ấy  cũng đã đủ để ông phải chịu lĩnh án ở khung hình phạt cao nhất? Vậy mà vẫn “không có vấn đề gì” ư? Nói như vậy chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa, vừa coi thường pháp luật, vừa thách thức cả dư luận!

- Chúng tôi đồng ý với một ký giả: “Có thể còn biết bao nhiêu vụ án oan sai nhưng chưa được phát hiện. Cái may mắn có người tự thú nhận tội như trong vụ ông Chấn e khó có trường hợp thứ hai, và oan sai thì muôn hình vạn trạng, may ra chỉ có trời xanh mới thấu.

Nhưng dù ở tình trạng nào, oan sai đều từ một trong hai nguyên nhân, đó là do trình độ của cán bộ tố tụng kém cỏi, hoặc do bức cung nhục hình. Vậy mà, đối với tình trạng nhục hình, nạn nhân nói có, cán bộ điều tra nói không. Khi trả lời đại biểu Lê Thị Nga về điều này, chính ông Chánh án Tòa Tối cao cũng cho rằng: “Việc hội đồng xét xử phát hiện ra có ép cung hay không rất khó. Điều này phải được điều tra”.

- Chúng ta cũng cần phải cảm thông với ông Chánh án Tòa Tối cao. Dư luận thì sôi sục, giận dữ. Nhưng không thể giải quyết nôn nóng được. Việc tố tụng phải có quy trình. Chỉ có điều, cái gì đến thì phải đến. Không  xiên xẹo được. Ông Chánh Tòa nói đúng: “Việc hội đồng xét xử phát hiện có ép cung hay không rất khó. Điều này phải được điều tra”. Và muốn điều tra nghiêm túc thì phải khởi tố vụ án. Còn nếu để chìm xuồng cho hòa cả làng, thì chỉ cần làm một cách quấy quá cho xong.

Nhưng tôi nghĩ, vụ án này không đơn giản như thế đâu. Bởi nó đã thành một tâm điểm của xã hội. Dư luận cả nước đang đổ dồn về đó để xem chúng ta xử lý thế nào. Qua cách xử lý ấy mà biết pháp luật ở ta có thật sự nghiêm minh hay không? Điều này không thể xem thường, cũng không thể xuê xoa được.

Nếu không có sự bức cung, một người bình thường, không bị tâm thần như ông Chấn, liệu có ai lại tự nhận mình giết người để rồi phải chịu hình phạt cao nhất không? Việc ông Chấn bị bức cung thế nào, phải diễn tập ra làm sao, ông cũng đã nói rõ rồi. Cả nước cũng đã biết rồi, biết rõ cả tên tuổi của từng người gây nên vụ án động trời ấy rồi. Và còn rõ hơn nữa, là kẻ giết người đã ra đầu thú. Thế thì còn gì nữa mà phải bàn.

Vụ án ông Chấn cần phải được điều tra lại từ đầu, nhưng điều tra theo hướng khác, không liên quan đến ông Chấn. Việc điều tra này, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga cũng đã đưa ra giải pháp rất thông minh, rất đúng đắn và rất hợp lòng dân: “Hiện nay theo quyết định của Hội đồng tái thẩm, hồ sơ vụ án của ông Chấn được giao lại cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang để điều tra lại. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, tôi đề nghị Bộ trưởng Công an không để Công an Bắc Giang điều tra nữa và căn cứ khoản 4 điều 110 bộ luật Tố tụng hình sự, chỉ đạo cơ quan điều tra Bộ Công an rút hồ sơ lên để trực tiếp điều tra, VKSNDTC trực tiếp giám sát điều tra.

Đề nghị thứ hai, trong quá trình điều tra lại cơ quan điều tra, VKS phải hoàn toàn dựa trên những chứng cứ sự thật khách quan. Nếu không đủ căn cứ buộc ông Chấn phạm tội thì phải đình chỉ điều tra ngay cho ông Chấn, không đợi quá trình điều tra Lý Nguyễn Chung, tuyệt đối không được dùng nguyên tắc suy đoán có tội  theo hướng: Nếu không chứng minh được tên Chung phạm tội thì chính là ông Chấn”. Như vậy, ông Chấn không còn liên quan đến vụ án giết người này. Còn việc bức cung, gây oan khuất cho ông lại là một vụ án khác cần phải được khởi tố, điều tra. Muốn có chứng cứ, tôi tin ông Chấn sẽ là chứng cứ để đối chất trước tòa.

- Để chấm dứt tình trạng bạo hành, ép cung dẫn đến những oan khuất đau lòng này, như trong bài viết trước, ông đề nghị “cuộc hỏi cung phải được ghi lại bằng camera. Bản ghi hình này được xem như là một tài liệu quan trọng của Hồ sơ vụ án. Có minh bạch như thế, chúng ta mới tránh được nạn oan khuất trong các vụ án do bị ép cung. Và cán bộ điều tra cũng sẽ có bằng cớ chứng minh mình vô tội, nếu bị nghi can vu khống, bịa đặt, tố cáo”.

Vừa rồi, đại biểu Lê Thị Nga cũng đưa ra Quốc hội “việc thực hiện lắp camera giám sát tất cả các cuộc hỏi cung trong công tác xét xử cũng cần phải được tính đến. Cách thức này không mới vì nhiều nước cũng đã áp dụng rồi, nhưng nó sẽ giúp cho các cơ quan giám sát biết được có bức cung nhục hình hay không để khỏi cãi nhau rầy rà vô ích”.

Và điều rất mừng, Bộ trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang, trong phiên trả lời chất vấn cũng đã cho biết: “Bộ Công an đã chọn giải pháp này và đang từng bước trang bị lắp đặt camera vào các phòng hỏi cung. Và trên thực tế đã lắp đặt được ở một số địa bàn trọng điểm”…

- Đó là điều rất hay. Tuy nhiên, nếu chỉ lắp đặt camera thì chưa đủ đâu. Bởi người ta có thể cắt xóa rất giản đơn như dựng một cuốn phim để phát hình. Nếu có camera mà lại làm giả, lại đánh tráo hiện trường thì càng nguy hiểm. Điều không thể thiếu, như tôi nói, cùng với camera phải là sự có mặt của Luật sư. Phải cho luật sư được tham gia ngay từ đầu khi công an lấy lời khai của nghi phạm.

Nếu không có sự chứng kiến của luật sư, nghi phạm có quyền từ chối không trả lời khi công an điều tra xét hỏi. Và bản khai chỉ có giá trị pháp lý khi có chữ ký của cả ba người: Nghi can, luật sư và người xét hỏi. Có minh bạch như thế, chúng ta mới tránh được án oan.

Bởi nói như ông Vũ Đức Khiển, cựu Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thì rất nhiều trường hợp ra tòa, bị cáo nói bị ép cung, nên buộc phải nhận tội để chờ ra tòa khai lại, nhưng tòa lại nói “không thành khẩn, chối tội, ngoan cố”. Tòa đâu có nghe bị cáo. Vậy là đằng nào họ cũng không thoát. Bi hài ở chỗ ấy!

Thực tế, khi bị tạm giam. chỉ có công an với bị can, làm gì thì không ai biết, theo luật thì có luật sư, nhưng thực tế thì luật sư cũng không được vào, vì thế bị can rất dễ bị ép cung. Theo ông Khiển, chúng ta cũng đã đi xem kinh nghiệm của các nước mãi rồi, nhưng chỉ xem thôi chứ không học.

Cứ nhìn sang nước gần nhất là Thái Lan, nơi tạm giam bị can là phòng kính, đi lại nhìn thấy hết, không có gì bí mật, khuất tất, tất cả đều minh bạch. Như thế, nếu không khắc phục bằng những giải pháp chúng ta đưa ra thì không phải chỉ có một ông Chấn mà rồi sẽ còn xuất hiện rất nhiều ông Chấn….

- Xin cám ơn ông./.

Theo VOV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét