Cái cân tố tụng bao giờ cũng được nhìn nhận đong đếm từ hai phía tình và lý. Hình ảnh người tù án oan Nguyễn Thanh Chấn trở về nhà trong vòng tay chúc mừng và những giọt nước mắt của người thân, bạn bè, hàng xóm… tạo nên sự bùi ngùi cảm động khó tả trong lòng dư luận, bạn đọc trong và ngoài nước. Mười năm ở tù, mười năm mất tự do, mười năm với những nổi đau khổ oan trái dồn nén hằn in dấu trên khuôn mặt khắc khổ khô khốc chân chất của anh như lột tả hết mọi điều. Đối với truyền thông, gọi đây là một đề tài nóng được dư luận hết sức quan tâm cũng đúng, nhưng nói chính xác hơn, đó chính là những bức xúc tư pháp âm ĩ trong lòng người dân bấy lâu nay nhưng thật khó cơ hội để làm rõ, để chứng minh được. Thế là, từ câu chuyện anh Chấn, tỉnh Bắc Giang lại rộ lên những “án oan” khác đang được truyền thông tiếp tục mổ xẻ…
Có ai đó viết trên facebook rằng nếu một đơn vị báo chí nào đó “mua đứt” độc quyền anh Chấn để “khai thác” thì sẽ “bội thu” cho cả hai - anh Chấn và đơn vị báo chí, đây là một nhận xét đúng trong một môi trường truyền thông tư bản tiên tiến, riêng với điều kiện trong nước hiện nay thì bất khả kháng, không thể làm được. Như muốn trút bỏ nổi niềm, anh Chấn đã tâm sự với báo chí về những ngày tháng đau khổ của mình trong trại giam, bị ép cung, bức cung, dùng nhục hình, tập luyện dựng lại “hiện trường” để… nhận tội. Đứng trên khía cạnh bạn đọc, mình nhìn nhận những bài báo đó như những đoạn “hồi ký” ghi lại đoạn đời “họa vô đơn chí” của một người tù oan nghiệt. Thời gian mười năm có thể khiến cho người ta không thể nào nhớ hết nổi những chi tiết cụ thể, nhưng có những sự việc “ấn tượng” sẽ lưu dấu khắc ghi mãi mãi trong tâm trí mỗi con người. Đất nước chúng ta trải qua bao năm tháng chiến tranh, nay hòa bình rồi vẫn còn đấy những người lính với thương tật khắp mình, không ít những người lính ấy đã từng tù tội. Họ thường nghĩ nhiều về quá khứ, họ viết hồi ký của mình, cho mình và cho mọi người. Họ viết về những ngày tháng nếm mật nằm gai, tù tội, bị ép cung, bị bức cung, dùng nhục hình .., để rồi trong những tiệm sách ngày hôm nay, bạn đọc có những tư liệu bổ ích về lịch sử, về một thời đại đã qua, và cảm động hơn nữa là từ những hồi ký ấy có những người “của ngày xưa” tìm đến nhau để mà ăn năn xám hối, xin lỗi chân thành, xóa bỏ hận thù, bắt tay nhau trở thành những người bạn tốt, tri âm, tri kỷ.
Thực tế thì không bao giờ đơn giản, những người điều tra viên vụ anh Chấn “ngày xưa” sau khi làm bản tường trình đã hoàn toàn bác bỏ (là điều mà ai cũng có thể đoán trước được) chuyện ép cung, bức cung, dùng nhục hình… Trong mổi người dân bình thường, không cần phải có những kiến thức khoa bảng thi cử, với văn hóa đạo lý truyền miệng cho nhau cũng đủ có thể đặt một dấu chấm hỏi to tướng rằng “ cái anh Chấn kia trong đầu có bị gì không?”. Đúng như vậy, không giết người sao lại đi nhận tội giết người, thật không bình thường chút nào. Nhưng để tìm ra chứng cứ ép cung, bức cung, dùng nhục hình kia là một điều “bất khả thi”, như vậy, những đoạn “hồi ký” họa vô đơn chí của anh Chấn đang đứng trước một phạm trù ngôn ngữ “tố tụng” khác, tội “vu khống” có thể thành lập. Sắp tới đây phiên tòa >>> “tái thẩm” sẽ xảy ra, mọi sự đều trông chờ vào sự công bằng của công lý, nén hương anh Chấn thắp trên bàn thờ người cha liệt sỹ sau mười năm tù án oan nghiệt ngã vẫn còn bay lơ lửng… để tiếp tục đợi chờ một phán quyết thật công tâm soi thấu trời xanh bao la lồng lộng.
Bài toán nan giải về pháp lý kia đang được truyền thông đề cập hàng ngày, những nhà báo, những luật sư liên tục đưa ra những phân tích thú vị, họ viết có tâm, có lực, hấp dẫn, lôi cuốn, lại am tường luật pháp, nhưng hình như vấn đề vẫn chưa “sáng tỏ” được bao nhiêu. Trong nhiều vấn đề khó khăn của cuộc sống, sự tham gia tích cực của mọi thành phần xã hội thường đem đến những kết quả tích cực, nói theo kiểu của những người “có nghề” là huy động tối đa cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cả nước mua công trái, cả nước làm từ thiện, cả nước giúp đỡ đồng bào thiên tai lũ lụt, cả nước ủng hộ Trường Sa… và cả nước cùng chung sức bảo vệ công lý Việt Nam. Các nhà báo cứ viết, các luật sư cứ viết, riêng bản thân mình nếu là một Tổng biên tập, trong vấn đề cụ thể vụ án oan anh Chấn này, mình mong muốn và khao khát các thành phần khác trong xã hội lên tiếng, viết bài nhận định về cái tình, cái lý trong câu chuyện tư pháp đặc biệt này.
Họ có thể là những cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng, những người cao tuổi .., những người có thể bằng tuổi cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của những điều tra viên ấy.
Họ có thể những người đàn bà, những cô gái .., những người có thể bằng tuổi vợ, người yêu của những điều tra viên ấy.
Họ có thể là những thiếu niên, học sinh .., những người có thể đáng tuổi con cháu những điều tra viên ấy.
Họ có thể là những đồng nghiệp của những điều tra viên ấy, những người hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ điều tra, luôn khắc ghi trong đầu, trong tim 6 điều dạy của lãnh tụ.
Và nhiều hơn thế nữa, tất cả mọi thành phần lên tiếng sẽ có cái nhìn thật đa chiều, cái tình cái lý sẽ dần dần được sáng tỏ, từ đó cũng rút ra được một bài thống kê, kiểm tra về trình độ hiểu biết pháp luật của người dân. Dân càng hiểu biết pháp luật thì xã hội càng lành mạnh, đất nước càng văn minh. Truyền thông ngày nay thường đề cập nhiều đến vấn đề vô cảm của xã hội đương đại, thế thì từ sự việc pháp lý đặc biệt cụ thể này, hãy tự đánh giá xem sự “vô cảm”… của chính mình đã mức độ nào rồi?
Phán xét cuối cùng vẫn phải chờ chủ tọa phiên tòa tuyên bố, phán xét lương tâm thì tùy ở mỗi người. Lịch sử nước ta đúc kết quá nhiều bài học đấu tranh với áp bức, vì thế trong mỗi người dân Việt Nam muốn giữ gìn trân quý lẽ phải, đặt chữ thiện, điều lành lên hàng đầu. Từ Nam ra Bắc người người theo Phật, nhà nhà theo Phật, chùa chiền xây dựng khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, và ra đến những hải đảo xa xôi. Mười năm gần đây, cũng là thời gian anh Chấn ngồi tù, nền kinh tế thị trường định hướng khiến khắp tỉnh thành đâu đâu cũng xây thêm chùa, đắp thêm Phật. Khách du lịch sẽ chẳng ngạc nhiên nếu như thấy những nơi mình đến người dân đã, đang và sẽ tạo ra những tượng Phật thật to, thật khổng lồ trong những khuôn viên chùa thật trang hoàng nguy nga hoành tráng. Sắp tới đây là lễ khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cao 15m, nặng 150 tấn, với tổng kinh phí trên 750 tỉ đồng, được đặt tại núi Yên Tử. Chợt nhớ việc trước đây, khi đúc tượng Thánh Gióng, vị đứng đầu chính phủ đã đề xuất đúc trái tim có động mạch chủ và tĩnh mạch chủ cho ngài và con ngựa của ngài, có lẽ vị lãnh đạo này đang nghĩ đến chữ Tâm. Như vậy, đúc tượng Phật thật to thì cái Tâm phải thật lớn hay là… để mọi người thấy được Phật mà nghĩ đến cái Tâm nhỏ bé, còn quá thiếu của chính mỗi con người.
Trong tố tụng, người đời xét đến cả tình lẫn lý, lý là cái án oan nghiệt ngã mười năm trời, tình lại là tại Tâm. Trong đạo Phật, người phàm chịu chi phối của luật luân hồi nhân quả, nhân là cái án oan nghiệt ngã mười năm trời, còn quả thì… Phật mĩm cười im lặng.
Trần trụi mà quan sát thì hiện tượng xuất hiện những tượng Phật thật to đôi khi có cùng chung căn bệnh "thành tích" đã ăn sâu thành mãn tính, quan dân cùng đua nhau trong cái danh hão được tham sân si dẫn dắt. Phật to làm gì mà số phận con người cứ nghiệt ngã mãi thế, và sáng suốt kiểu gì mà khiến không ít người đại diện cho công lý lại mang trọng bệnh vô cảm, chối bỏ cả lương tâm của chính bản thân mình.
MP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét