(TBKTSG) - Khoảng 54% số người được hỏi cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước. Số liệu này không đáng tin cậy đối với những ai quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước dù được trích dẫn từ Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2016 mới được công bố.
Đây là một cuộc khảo sát thực hiện hàng năm có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP). Không đáng tin cậy bởi tỷ lệ này phần nào còn thấp khi đối chiếu với thực trạng tham nhũng và hối lộ phổ biến trong các cơ quan nhà nước được báo chí phản ánh và sự thừa nhận của một số quan chức có trách nhiệm. Nhưng ít ra một phần công trình nghiên cứu cũng cho thấy được bức tranh màu xám trong việc tuyển dụng công chức và mong ước dễ dãi của một số đông người - trong đó hẳn nhiên có lớp trẻ - muốn trở thành những công bộc của dân.
Thế thì tại sao nhiều người muốn trở thành công chức? Một cuộc khảo sát xã hội học của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện cách đây bốn năm cho thấy 80% người có chức vụ, quyền hạn có thu nhập ngoài lương. Gần 2.000 công chức và viên chức ở các bộ và địa phương đã trả lời như vậy. Gần 83% trong số này cho biết khoản thu nhập ngoài lương thấp hơn đồng lương của họ, 11% nói bằng một nửa đến ngang với tiền lương. Một số người có thu nhập cao hơn 5-10 lần, thậm chí hơn 10 lần tiền lương.
Dù các khoản thu nhập ngoài lương là chính đáng hay không thì khảo sát vừa nói phần nào trả lời được câu hỏi tại sao lương công chức không đủ sống mà quá nhiều người vẫn muốn tìm một chỗ đứng trong cơ quan nhà nước. Cứ tưởng là nghịch lý, nhưng không phải. Không chỉ có thu nhập mà còn nhiều thứ khác hấp dẫn khi anh là công chức: sự ổn định bởi vào biên chế nhà nước thì không sợ bị đuổi việc (vì khó bị đuổi), được thăng quan tiến chức, hưởng bổng lộc đều đều, có quyền hành để nhận của đút lót, có chế độ nghỉ hưu để ấm tuổi già và có chỗ đứng trong xã hội để mở rộng các mối quan hệ hỗ trợ cho lợi ích cá nhân.
Mặc dù số lượng công chức ở nước ta thuộc loại nhiều nhất thế giới tính trên tỷ lệ đầu người khiến ngân sách thường xuyên bội chi phải còng lưng gánh chịu, nhưng cửa vào cơ quan nhà nước vẫn mở song song với tinh giản biên chế, cung - cầu việc làm không tuân theo quy luật nào ngoài quy luật của đồng tiền và sự thân quen khiến cho việc tổ chức thi tuyển công chức bị biến chất. Đây đó thỉnh thoảng tiết lộ nhiều con số giật mình đại loại như theo tường thuật của báo chị, một quan chức cấp cao của thành phố Hà Nội cho biết “chạy làm công chức không dưới 100 triệu đồng”, hay như than vãn của một cô giáo trường mầm non rằng phải có 120 triệu đồng thì mới bước được vào cổng trường học.
Thật ra muốn biết giá lót tay bao nhiêu cho một chỗ làm trong khu vực nhà nước chẳng khó khăn gì, chỉ cần hỏi mấy bạn trẻ sinh viên ra trường đang chạy đôn chạy đáo tìm việc làm thì rõ. Một trăm triệu đồng là phổ biến. Người ta lý giải như vậy như một sự khuyến khích làm điều xấu xa. Cậu sinh viên sư phạm than vãn trên Facebook rằng mới ra trường làm gì có đủ 120 triệu đồng lót tay, thôi thì ở nhà làm ruộng giúp cha mẹ tốt hơn. Ở các vùng sâu, vùng xa, nạn lo lót để có chỗ trong cơ quan huyện, xã còn nặng nề hơn, vài trăm triệu là bình thường. Lót tay để tìm việc phổ biến là vậy nhưng trong rất nhiều trường hợp “chân lý thua chứng lý” như những lời kháo nhau nghe qua rồi bỏ, rằng để được làm cảnh sát giao thông chắc là phải chi tiền nhiều lắm bởi cơ hội kiếm được tiền cũng nhiều. Khi cơ chế ngầm vận hành tinh vi và hiệu quả thì luật pháp cũng chào thua.
Trong buổi trà dư tửu hậu cuối tuần, một doanh nhân đưa ra nhận xét rằng làm doanh nhân ngày nay không dễ và không giàu bằng làm công chức. Một bên chi những khoản tiền mồ hôi nước mắt cho việc hối lộ, một bên thu những khoản tiền ngồi mát ăn bát vàng. Tệ nạn lót tay để trở thành “người nhà nước” cũng là chuyện bình thường, ai cũng biết mà không ai có quyết tâm ngăn chặn. Điều không bình thường là khi một thế hệ công chức bám rễ bằng con đường lo lót thì sớm muộn gì nền hành chính quốc gia cũng sẽ bị bệnh truyền nhiễm. Và khi một lớp người trẻ chỉ biết tiến thân bằng hoạn lộ với bất cứ giá nào thì con đường phát triển của đất nước ngày càng hẹp lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét