Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Jetstar thua lỗ: Ai gánh?

KÌNH DƯƠNG

(VNF) – Hiếm có một doanh nghiệp nhà nước nào được ưu ái, tái cơ cấu liên tục như Jetstar dù “điệp khúc” sau mỗi lần tái cơ cấu vẫn luôn là thua lỗ.

Jetstar Pacific Airlines, thường được biết đến là hãng hàng không kín tiếng, nay lại đang gây xôn xao dư luận với kiến nghị áp giá sàn vé máy bay. Đây được coi là “kiến nghị ngược”, bởi bản thân Jetstar là hãng hàng không giá rẻ, phục vụ phân khúc giá rẻ, hướng đến việc giảm giá vé nhưng “kỳ lạ” lại ủng hộ chủ trương áp giá sàn.

Cùng thời điểm, điều mà dường như Jetstar coi là bí mật lâu nay khi chưa bao giờ công bố con số cụ thể, lại bất ngờ lộ diện chính thức thông qua hồ sơ bán đấu giá cổ phần của Saigontourist tại Jetstar mà VietinBankSc – đơn vị tư vấn đấu giá - công bố công khai. Điều “bí mật” ấy là tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của hãng hàng không này.

Tất nhiên, kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của Jetstar không phải là bí mật, bởi Jetstar là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ gần 70% cổ phần (thông qua Vietnam Airlines) nên có nghĩa vụ phải công bố thông tin thường kỳ. Tuy vậy, từ khi thành lập, chỉ có năm 2015 – năm Jetstar lần đầu tiên có lãi là hãng hàng không này chủ động công bố kết quả kinh doanh, nhưng thông tin đưa ra cũng chỉ là lợi nhuận.

Chính thức, Jetstar hiện đang lỗ lũy kế tới 3.658 tỷ đồng tính đến hết ngày 30/9/2016, theo báo cáo tài chính giai đoạn từ 1/1/2016 đến 30/9/2016. 9 tháng đầu năm 2016, Jetstar trở lại “điệp khúc lỗ” với khoản lỗ tổng cộng lên tới 346 tỷ đồng, sau khi có lãi 80,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015.

Điều này giải thích phần nào vì sao Jetstar không công bố tình hình tài chính thường kỳ, cũng giải thích phần nào vì sao Jetstar lại đề xuất áp giá sàn vé máy bay mặc dù bản thân hãng hàng không này phục vụ phân khúc giá rẻ.

Còn nhớ hồi tháng 4/2016, Tổng giám đốc Jetstar thời đó là ông Lê Hồng Hà cho biết hãng hàng không giá rẻ này sẽ tiếp tục được rót 139 triệu USD, tương đương trên 3.100 tỷ đồng, trong đó, đợt 1 sẽ rót 39 triệu USD, để phát triển đội bay và chiếm lĩnh thị trường hàng không.

Đến nay, nguyên do thực sự khiến Jetstar phải tiến hành tăng vốn đã rõ.

Theo báo cáo tài chính giai đoạn từ 1/1/2016 đến 30/9/2016, vốn chủ sở hữu của Jetstar tại thời điểm tính đến ngày 1/1/2016 ở mức âm (-) 129,5 tỷ đồng, do lỗ lũy kế 3.312 tỷ đồng tính đến ngày 1/1/2016 đã bào mòn toàn bộ 2.632 tỷ đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu và 550 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Đến thời điểm ngày 30/9/2016, Jetstar đã được bổ sung thêm 890 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tương đương khoảng 39 triệu USD, đưa vốn chủ sở hữu trở lại mức dương. Tuy nhiên, mức vốn chủ sở hữu bổ sung này tiếp tục bị bào mòn 346 tỷ đồng do thua lỗ trong 9 tháng đầu năm 2016.

Chuyện Jetstar thua lỗ, thất thoát vốn đầu tư đã “như ban ngày”. Vấn đề là ai phải gánh số lỗ nhiều nghìn tỷ của Jetstar?

Hiện, Jetstar đang có 3 cổ đông chính là Vietnam Airlines (nắm 68,86% cổ phần), Qantas (nắm 30% cổ phần) và Saigontourist (nắm 1,14% cổ phần).

Bề ngoài, 3 cổ đông này chính là các bên phải gánh số lỗ nhiều nghìn tỷ của Jetstar, tuy nhiên, thực tế, Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước nắm 86,16% cổ phần, trong khi Saigontourist là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Như vậy, đối tượng gánh lỗ nhiều nhất cho Jetstar là Nhà nước, bên cạnh đó là cổ đông nước ngoài Qantas và tiếp đến là các cổ đông ngoài Nhà nước của Vietnam Airlines.

Việc Nhà nước là đối tượng chính gánh lỗ hàng nghìn tỷ cho Jetstar đặt ra vấn đề về xử lý trách nhiệm. Trong quá khứ, vấn đề này không phải chưa từng được xem xét.

Thời điểm cuối năm 2009, khi SCIC đang phải chịu áp lực lớn từ dư luận trong việc để Jetstar liên tục thua lỗ, ông Vũ Văn Ninh khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch SCIC – đơn vị được giao quản lý vốn Nhà nước tại Jetstar từng lên tiếng rằng, khi ra đời và hoạt động thì Jetstar có lúc lỗ, có lúc lãi nhưng tổng thể mà nói đến năm 2005 là lỗ, lỗ nghiêm trọng. Nếu nói cho đúng thì phải để cho nó phá sản mới được.

Sau khi về tay SCIC vào năm 2006, đơn vị này tiếp tục tái cơ cấu Jetstar thêm một lần nữa bằng cách bán tối đa 30% cổ phần cho đối tác nước ngoài. Kết quả, năm 2007, hãng hàng không Qantas của Úc đã quyết định chi 50 triệu USD để sở hữu 30% cổ phần của Jetstar.

Đến năm 2008 – 2009, Jetstar lại lỗ lớn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và thất bại nặng nề trong nghiệp vụ hedging xăng dầu.

Thời điểm ấy, ông Vũ Văn Ninh cho biết đã rất nhiều lần đề nghị Ban lãnh đạo SCIC phải báo cáo lại về trách nhiệm khi để Jetstar thua lỗ liên tục. Ông Ninh cũng cho biết đã yêu cầu SCIC phải tìm lại toàn bộ hồ sơ giấy tờ và yêu cầu cung cấp các tài liệu xác định sai ở đâu, ai sai ai đúng.

Đầu năm 2010, ông Lương Hoài Nam – cựu Tổng giám đốc Jetstar bị bắt tạm giam về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, 2 cựu Phó Tổng giám đốc người Úc cũng bị cấm xuất cảnh. Sau đó ông Lương Hoài Nam được tại ngoại và miễn trách nhiệm truy cứu hình sự, còn 2 cựu Phó Tổng giám đốc người Úc được phép trở về nước.

Tạm gác lại chuyện quá khứ. Ở thời điểm tính đến hết ngày 30/9/2016, vốn chủ sở hữu của Jetstar chỉ còn vỏn vẹn 413,4 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, 2 cổ đông lớn là Vietnam Airlines và Quatas dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung thêm 100 triệu USD cho Jetstar, trong đó, ước tính Vietnam Airlines sẽ chi khoảng 70 triệu USD, tương đương với khoảng 1.575 tỷ đồng.

Nếu Jetstar tiếp tục thua lỗ, đồng nghĩa với vốn Nhà nước bổ sung cho Jetstar tiếp tục “bốc hơi”, thì ai sẽ là người gánh trách nhiệm?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét