VNEco - Quốc gia khủng hoảng Venezuela đang đối mặt với một làn sóng di cư lớn, trong đó có nhiều người là nhân lực trình độ cao...
Alejandro Nava đang chuyển bị chuyển nhà khỏi Venezuela, và không hề có ý định sẽ trở lại.
Vị luật sư kiêm giảng viên đại học 24 tuổi người Venezuela nói với trang CNN Money rằng anh muốn di cư ra nước ngoài vì đã mất hy vọng ở đất nước của mình, quốc gia đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế.
Nhà Nava, một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Venezuela, đã phải sống trong cảnh có lúc không có những thực phẩm cơ bản như trứng, sữa và bơ trong hàng tuần liền. Nhưng đó chưa phải là vấn đề lớn nhất của họ. Điều khiến họ lo lắng hơn cả là sự an toàn.
“Chúng tôi luôn sống trong nỗi lo bị cướp và bị bắn mỗi ngày”, Nava nói. “Chúng tôi không có cảm giác an toàn, chẳng thể tiết kiệm được tiền và cũng không thể lên kế hoạch cho tương lai”.
Đã xin được visa nhập cư vào Mỹ, Nava dự định sẽ sớm di cư khỏi Venezuela. Vừa làm luật sư, vừa giảng dạy đại học ở Maracaibo, Venezuela, Nava chỉ kiếm được số tiền tương đương 50 USD/tháng. Siêu lạm phát khiến đồng lương của anh ngày càng trở nên còm cõi. Nava hy vọng khi sang Mỹ anh sẽ kiếm được một công việc trong khi anh tiếp tục theo học ở một trường luật.
Nava đã trở thành một phần trong làn sóng di cư được dự báo sẽ là có ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của Venezuela.
Theo giáo sư Tomas Paez thuộc Đại học Trung ương Venezuela ở Caracas, một chuyên gia về di cư, gần 2 triệu người Venezuela đã di cư ra nước ngoài từ năm 1999. Dân số của Venezuela hiện nay là 30 triệu người.
Xu hướng này đang tăng tốc mạnh. Năm ngoái, một phân tích của ông Paez phát hiện rằng khoảng 200.000 người Venezuela đã di cư ra nước ngoài, cao gấp đôi so với tốc độ trung bình khoảng 100.000 người di cư mỗi năm trong thời gian từ 1999-2015.
Số liệu từ các nguồn khác ủng hộ những con số mà vị chuyên gia đưa ra. Theo số liệu của Pew Research, số người Venezuela xin tị nạn ở Mỹ đã tăng gần 170% trong năm ngoái. Tại Argentina, số đơn xin cư trú của người Venezuela tăng 120%. Tại Tây Ban Nha, số người nhập cư từ Venezuela tăng gấp đôi trong 2 năm trở lại đây.
Chính phủ Venezuela không công bố bất kỳ một dữ liệu nào về người dân nước này di cư ra nước ngoài.
Điều trớ trêu là Venezuela, một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, vốn có một lịch sử lâu dài mở cửa chào đón người nhập cư. Giờ đây, nước này lại đang đối mặt với một làn sóng di cư lớn. Giáo sư Paez nói trong số những người Venezuela di cư ra nước ngoài, có nhiều người là nhân lực trình độ cao.
Ở thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng của Venezuela chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Tình trạng khan hiếm thực phẩm và thuốc men vẫn diễn ra trên phạm vi toàn quốc, trong khi bạo lực gia tăng khiến người dân không dám ra đường vào buổi tối.
Tuần trước, Tòa án Tối cáo Venezuela, một cơ quan thân Tổng thống Nicolas Maduro, đã vô hiệu hóa mọi quyền của Quốc hội do phe đối lập nắm quyền kiểm soát. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ của ông Maduro tự viết luật của riêng mình. Quyết định này nhanh chóng bị đảo ngược do sự phản đối dữ dội của người dân, nhưng về bản chất, Quốc hội Venezuela hiện cũng không có quyền lực gì đáng kể.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát ở Venezuela sẽ tăng lên mức 1.660% trong năm nay.
Nava nói rằng anh cảm thấy may mắn vì xin được thị thực di cư sang Mỹ, nơi anh tin mình sẽ kiếm được một công việc nuôi sống được bản thân. Trong khi đó, nhiều người Venezuela khác chỉ cần được đi khỏi nước này một cách sớm nhất, tới bất kỳ đâu.
Diago Hernandez, 23 tuổi, đã sang Mỹ và cố gắng xin vào một trường đại học, nhưng không được. Cuối cùng, anh phải chuyển sang Argentina. Ở đây, Hernandez cùng với người anh trai sống trong một căn nhà trọ tồi tàn, gần như không có đồ đạc gì đáng giá.
Hernadez làm việc trong một cửa hàng quần áo, kiếm được số tiền khoảng 662 USD/tháng. Sau khi trừ đi mọi chi phí sinh hoạt, anh để ra được 135 USD/tháng. Hiện Hernadez đang theo học buổi tối ở Đại học Buenos Aires với hy vọng sẽ trở thành một chuyên gia dinh dưỡng.
Cuộc sống ở Argentina còn khó khăn, nhưng Hernadez cảm thấy tốt hơn nhiều so với ở quê nhà Venezuela. Anh nói mình có thể thoải mái mang điện thoại di động khi ra ngoài mà không lo bị cướp hay giết.
“Tôi nhớ mẹ và gia đình của mình ở Venezuela. Nhưng nếu Venezuela không thay đổi, chúng tôi sẽ không quay lại”, Hernandez nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét