BBC - Ngày 20/2/2017 sẽ là tròn một tháng ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 trong lịch sử của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nhân dịp này, BBC Việt ngữ cùng các nhà bình luận, quan sát thử nhìn lại chặng đường này của tân tổng thống Mỹ và nội các của ông từ khía cạnh chính sách, nhân sự tới truyền thông.
Hôm 19/2, nhà nghiên cứu cáo cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas) của Singapore, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đưa ra bình luận với BBC, ông nói:
"Ông Trump là một người cực kỳ đặc biệt, ông đi hết từ những quyết định này sang quyết định khác, rất là nhanh, nhưng có những quyết định bị phản ứng ngay lập tức.
"Ví dụ như là sắc lệnh chống nhập cư và chống những người tị nạn ở bảy nước mà có đạo Hồi, rồi một loạt những chính sách khác, những tuyên bố về đối ngoại, những tuyên bố về an ninh, những tuyên bố về kinh tế, đặc biệt là tuyên bố cốt lõi của ông khi tranh cử là "Trước hết là nước Mỹ."
"Thì cũng có rất nhiều những tiếp cận khác nhau, những ý kiến khác nhau đánh giá về cái đó và thường người ta đánh giá theo hướng tiêu cực."
Về những điều được cho là thử thách, thách thức liên quan bộ máy nhân sự, nội các đã và đang chuyển giao quyền lực, nhà nghiên cứu chính trị này nói tiếp:
"Thử thách lớn nhất của nội các của Tổng thống Donald Trump là vừa đây đã xảy ra sự kiện là ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump đã từ chức với lý do trước đây có những mối quan hệ với phía Nga.
"Và lời tuyên bố từ chức, ông nói là ông đã không cố ý khi đã không nói cụ thể mối liên hệ với người Nga, trong thời gian sau khi Donald Trump đã thắng cử.
"Đây là khó khăn nhất trong nội các của ông Trump. Tất nhiên còn có những khó khăn khác, nhưng tôi nghĩ đây là khó khăn nhất mà hiện nay Donald Trump đang gặp phải.
"Có một điều là sau hai hôm ông Flynn tuyên bố từ chức, ông Trump đã chọn một người khác để thay là ông (Robert) Harward, ông Harward cũng không nhận. Theo tôi biết, hôm nay, ông Trump có gặp bốn ứng cử viên mới, trong đó có ông (Keith) Kellogg, hiện đang làm quyền cố vấn an ninh quốc gia và một người đặc biệt bảo thủ là ông John Bolton và hai người khác (Tướng McMaster và tướng Robert Caslen).
'Phát biểu rất căng thẳng'
Về quan điểm từ nội bộ của Đảng Cộng hòa, mà ông Donald Trump từng là ứng viên Tổng thống được đề cử của đảng này, đối với tân Tổng thống và ê-kíp quyền lực của ông, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận:
"Tôi thấy trong vòng bốn ngày vừa qua, Thượng nghị sỹ John McCain có ba phát biểu rất căng thẳng về bản thân ông Trump và chính quyền của ông Trump.
"Phát biểu căng thẳng nhất mà ông nói là ở Hội nghị G20 và cái sau đó cũng rất căng thẳng là ông nói ở Hội nghị an ninh Munich, hôm kia, trước khi có Hội nghị an ninh Munich, những lời nói đó phê phán một cách toàn diện tất cả những gì mà chính quyền của ông Trump đã làm từ khi ông nhậm chức đến giờ."
Mới đây, theo truyền thông Mỹ, ông McCain đã tỏ ra quan ngại khi ông nói rằng tình hình ở Nhà trắng là 'rối loạn' và ông không rõ ở đó 'ai đang cầm lái'.
Vị Chủ tịch Ủy ban Quân vụ thuộc Quốc hội Hoa Kỳ còn đưa ra bình luận rằng chỉ có 'các tên (hay chế độ) độc tài mới đàn áp tự do báo chí', mặc dù ông cũng nói thêm rằng ông không nói ông Trump là nhà độc tài.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cũng bình luận thêm một số khía cạnh khác nhìn nhận một tháng nhậm chức của chính quyền ông Trump trên các khía cạnh 'đánh giá' bước đầu về một số thành viên nội các Trump như Phó Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Chiến lược gia chính, Cố vấn truyền thông v.v... cho tới các vấn đề và quan hệ, diễn biến đối nội, đối ngoại khác, trong đó có quan hệ Mỹ - Việt...
Về quan hệ của ông Trump với truyền thông, cũng hôm Chủ Nhật, chuyên gia về báo chí, truyền thông từ Đại học Bournemouth, Anh quốc, PGS. TS. Nguyễn Đức An nói:
"Hôm trước, cách đây ba tháng, sau bầu cử, BBC có hỏi tôi có dự đoán mối quan hệ giữa báo chí, truyền thông với ông Trump như thế nào, thì tôi nói càng ngày nó sẽ trở nên căng thẳng.
"Và mức độ căng thẳng đó bây giờ không chỉ trở thành hiện thực mà nó đang tới một mức độ một số người bắt đầu gọi nó là một 'cuộc chiến' đúng nghĩa, giữa một bên là Trump, hệ thống truyền thông của Trump và một bên là báo chí chính thống của Mỹ và thế giới."
'Chỉ tìm cách đánh đổ'
Bàn về thực chất của 'cuộc chiến' này, chuyên gia về báo chí, truyền thông từ Anh nói thêm:
"Hiện nay, giữa ông Trump và báo chí Mỹ, khi ông Trump thắng cử, vai trò của báo chí rất thấp, trên thực tế, báo chí gần như là phản ứng ngược lại với Trump trên quá trình bầu cử, bây giờ khi ông Trump lên, ông đặt ra nhiều vấn đề.
"Vì giá trị của ông Trump có khác giá trị của báo chí chính thống và của giới tinh hoa lâu này, thì nó đặt ra rất nhiều vấn đề từ lệnh cấm công dân của 7 nước Hồi giáo, rồi tất cả những vấn đề về bổ nhiệm những nhân vật chủ chốt trong chính phủ đều gây ra rất nhiều quan ngại cho công luận của Mỹ và nói chung công luận, các chính trị gia và công dân trên toàn cầu.
"Ông Trump khi bị đặt rất nhiều vấn đề như thế, thì ông bao giờ cũng đặt vị thế của mình đối ngược với báo chí và cho rằng cái gì mà ông Trump không đồng ý là đều là bịa đặt, và ông không chỉ phát biểu với tư cách cá nhân mà thực ra trước công luận và trước báo chí.
"Cách đây ba ngày, hôm 16/2, cho tới giờ chót, ông quyết định một cuộc họp báo, kêu gọi báo chí toàn thế giới lại để chỉ làm một việc một tiếng rưỡi đồng hồ mà chưa có một cuộc họp báo nào 'vô tiền, khoáng hậu' từ xưa tới giờ của Tổng thống Mỹ mà kêu gọi báo chí để mà mắng mỏ báo chí và chỉ trích báo chí là không phục vụ ông và chỉ tìm cách đánh đổ ông," Ông Nguyễn Đức An nói với BBC.
Tuy nhiên, cũng trên một số mạng xã hội và một bộ phận truyền thông Mỹ ít nhiều được cho là thân thiện và ủng hộ ông Trump, một số ý kiến cho rằng tân Tổng thống và nội các, cộng sự đã và đang làm được nhiều việc tốt và quan trọng cho đất nước.
Các ý kiến này cho rằng Tổng thống đã giữ lời hứa về đảm bảo việc làm cho người dân Mỹ, giảm tải các quy định giúp giải phóng sức sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, quan tâm tốt hơn đến chống nhập cư ồ ạt và đảm bảo an toàn, an ninh nội địa trước các nguy cơ khủng bố. Ngoài ra, ông còn giúp cho vị thế của nước Mỹ được coi trọng hơn ở khu vực cũng như trên trường quốc tế (so với thời Barack Obama).
Bản thân Tổng thống Trump tự đánh giá là ông đáng được cảm ơn vì đã làm được nhiều việc có ý nghĩa và quan trọng.
"Ít thấy ai cảm ơn tôi, nhưng chính Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một người tuyệt vời, trong một cuộc gặp với tôi mới đây đã cảm ơn tôi vì nhờ tôi mà ông ấy và nước Nhật đã giảm được chi phí mua phi cơ chiến đầu của Mỹ..."
Về nội bộ Nhà trắng, ông Donald Trump nói:
"Mọi việc đang diễn ra rất êm thấm ở Nhà trắng," Tổng thống tự đánh giá trước một đám đông các quần chúng ủng hộ ông tại một sự kiện ở Melbourne, Florida, vốn có dáng đáp của một 'cuộc vận động bầu cử' mà trong suốt hơn một năm vừa qua đã gắn kết ông cùng khối cử tri, quần chúng trên đất nước Mỹ đã đưa ông lên cầm quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét