Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Thương trường, nhìn từ tinh thần của Federer

Ngô Minh Quân

(TBKTSG) - Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta biết và hâm mô Roger Federer, danh thủ quần vợt nổi tiếng người Thụy Sỹ. Federer hiện giữ kỷ lục về số lần vô địch giải Grand Slam danh giá và rất nhiều các giải thưởng, kỷ lục khác trong môn quần vợt. Ở tuổi 35, cái tuổi được coi là quá già để chơi thể thao đỉnh cao, lại vừa phải nghỉ dưỡng thương suốt sáu tháng, thứ hạng hạt giống sụt giảm nên rơi vào nhánh đấu rất khó khăn, Federer vẫn vượt lên tất cả và giành Grand Slam thứ 18 tại giải Australia Open ngày 29-1 vừa qua.

Ngoài những đường banh và bước chạy được đưa vào các sách giáo khoa quần vợt, Federer cũng mang lại cho chúng ta nhiều bài học vượt ra ngoài biên giới thể thao. Cách anh vượt qua những thách thức về tuổi tác, thể lực và tinh thần để luôn vươn lên phía trước có thể gợi ra nhiều bài học quý báu cho những người sắp khởi nghiệp hay đang điều hành kinh doanh. Dưới đây là bốn bài học nổi bật.

Không sợ thất bại

Cái khó nhất khi khởi nghiệp có lẽ là nỗi lo sợ thất bại sẽ khiến mất vốn, mất tinh thần, mất thể diện...

Càng có nhiều càng sợ mất. Nhiều vận động viên nổi tiếng đã chọn cách giải nghệ sớm để tránh thất bại do tuổi cao sức giảm. Nhưng đó không phải là lựa chọn của Federer dù anh đã có gần như mọi vinh quang trong quần vợt và kể từ năm 2010, tuổi tác đã có nhiều ảnh hưởng xấu đến phong độ của anh. Thua trận nhiều hơn trước nhưng Federer không sợ thất bại, vẫn tiếp tục thi đấu đỉnh cao với niềm đam mê, niềm tin vào bản thân và nỗ lực bất tận. Trong kinh doanh cũng như trong thể thao, tinh thần không ngại thất bại, làm việc với đam mê và nỗ lực cao độ cũng là một nguồn vốn rất quan trọng. Trận chung kết giải Úc mở rộng ngày 29-1 vừa qua thêm một minh chứng cho tinh thần không sợ thất bại của Federer khi phải đối đầu với “khắc tinh” Rafael Nadal và gặp bất lợi lớn do bị dẫn 3-1 ở ván đấu sau cùng. Trong lúc khó khăn tột cùng, Federer vẫn quyết định chơi tấn công với tinh thần không ngần ngại, thoải mái và can đảm hơn trong các cú đánh. Nhờ đó anh đảo ngược được tình thế và dành chiến thắng chung cuộc.

Lấy cảm hứng từ Federer, chúng ta không nên quá lo sợ thất bại trong khởi nghiệp và điều hành kinh doanh. Không ai “bách chiến bách thắng”, hãy xem “thất bại là mẹ thành công”, là cơ hội học hỏi và tập trung nỗ lực để vượt qua nó và vươn đến những thành quả tốt hơn.

Luôn nỗ lực thích ứng để cạnh tranh

Federer được mệnh danh là “ông hoàng Grand Slam” nhưng anh không tự nhiên được truyền ngôi mà phải trải qua nhiều năm liên tục học cách thích ứng với cuộc chơi và đối thủ để giành được “ngôi báu” từ tay các ông trùm trước đó như Pete Samprass, Andre Agassi... Ngay những năm ở trên đỉnh cao vinh quang, Federer vẫn luôn có nhiều kỳ phùng địch thủ, đặc biệt là “khắc tinh” Rafael Nadal - người nổi tiếng là “chiến binh” với những cú đánh rất xoáy làm bóng nảy cao, rất khó đỡ. Federer thường thua Nadal nhiều hơn thắng nên anh phải luôn cật lực tìm cách đối phó.

Không có một công thức nào bảo đảm chiến thắng trên sân đấu thể thao cũng như trên thương trường. Hết khắc tinh này lại có kỳ phùng địch thủ khác, đối thủ cũng luôn nghiên cứu tìm mọi cách để đánh bại ta. Đấu trường thể thao hay thương trường kinh doanh luôn đòi hỏi người chơi phải kịp thời nắm bắt các yếu tố của cuộc chơi và các đối thủ để từ đó tìm ra cách thích ứng để cạnh tranh. Các yếu tố đó lại luôn biến động, ta ra chiêu này thì ngay lập tức đối thủ cũng sẽ đáp trả với cú đánh khác. Vì vậy, quá trình học hỏi, thích ứng phải được thực hiện liên tục, không ngừng nghỉ. Đặc biệt, người mới khởi nghiệp sẽ gặp thách thức lớn là kinh nghiệm, hiểu biết về thương trường và đối thủ còn ít nên kỹ năng xác định các yêu cầu của thị trường, tìm ra cách thích ứng để cạnh tranh càng có ý nghĩa sống còn.

Phát huy tối đa thế mạnh

Roger Federer có biệt danh là “tàu tốc hành” vì phong cách thi đấu của anh. Để đánh nhanh, thắng nhanh, anh luôn phát huy tối đa kỹ năng giao bóng ăn điểm trực tiếp và giao bóng lên lưới để kết thúc nhanh, tránh các pha bóng bền kéo dài. Với tuổi tác ngày càng cao, biết mình không thể đua sức bền với các đối thủ trẻ khỏe hơn, Federer càng trau dồi và tìm cách phát huy tối đa các kỹ - chiến thuật này để giảm thiểu thời gian thi đấu, tránh mất sức. Nhờ đó anh vẫn có thể thi đấu đỉnh cao và dành danh hiệu ở tuổi “xưa nay hiếm” trong môn quần vợt.

Người làm kinh doanh cũng cần biết xác định các thế mạnh và các yếu tố mình có thể nắm trong tay để từ đó phát huy nó, biến nó thành vũ khí cạnh tranh với các đối thủ. Phải biết được mình mạnh ở điểm nào và mình có cái gì mới mong tạo được sự khác biệt trên thương trường. Nghe có vẻ đây là bài học ai cũng biết nhưng không phải ai cũng áp dụng thành công.

Kiên định và đổi mới

Federer sẽ bước qua tuổi 36 vào tháng 8 năm nay nhưng anh vẫn khẳng định sẽ tiếp tục thi đấu đỉnh cao thêm vài năm nữa vì vẫn còn nhiều đam mê và khát vọng. Trong thời gian khó khăn với nhiều thất bại và chấn thương kéo dài như những năm 2013 và 2016, anh vẫn kiên định với tình yêu quần vợt, kiên trì tập luyện và anh đã trở lại một cách không thể ấn tượng hơn với giải Grand Slam thứ 18 vừa qua.

Trong một bài phỏng vấn, Federer cũng cho biết những lúc thất bại và nghỉ dưỡng thương là những quãng thời gian quý báu để anh nhìn lại các vấn đề, thay đổi, làm mới bản thân để có thể trở lại với những cú đánh mới mẻ hơn, hiệu quả hơn. Đây cũng là bài học quý cho người làm kinh doanh. Doanh số sụt giảm, thị trường ế ẩm, khó khăn chồng chất cũng là lúc chúng ta cần giữ vững tinh thần và tự đổi mới để có những hướng đi mới, sản phẩm mới, mở ra những hướng phát triển và thành công mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét