(TBKTSG) - Những tờ lịch cuối cùng của năm cũ đang rơi dần để kết thúc vòng quay 365 ngày của năm cũ. Rồi một vòng quay mới của đất trời lại tiếp tục. Một năm mới nữa thì sẽ ra sao? Và với cách suy luận như vậy, 5 năm, 10 năm và vài mươi năm sau đất nước sẽ đứng đâu trên quả đất hình tròn này?
Xứ sở nào, đất nước nào cũng chuẩn bị cho mình những kế hoạch để đi đến sự thịnh vượng. Nhưng trên con đường hướng đến mục tiêu đó, luôn có những trường lực đồng hành, có cả lực đẩy và lực cản, có cả nhân tố khách quan và chủ quan. Con đường đi đó nào phải độc hành mỗi chúng ta mà có nhiều người cùng đi, tất cả đều cố vượt lên, có sự vùng vẫy thoát đáy của tầng dưới, có sự nỗ lực bứt phá của tầng trên.
Trên hành trình vạn dặm đó, người nghèo cũng như người giàu, quốc gia đang phát triển cũng như phát triển, đều có một điểm chung là song hành cùng với cuộc “Cách mạng công nghiệp 4.0”. Ngọn gió của cuộc cách mạng mới này đang thổi và thổi càng ngày càng mạnh hơn. Ngọn gió này sẽ là sức đẩy cho ai biết nắm bắt cơ hội, ngược lại sẽ là lực cản cho những ai cứ mãi lặng lẽ đứng bên lề. Nền kinh tế tri thức chưa kịp thẩm thấu thì nay những thay đổi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sâu sắc đến mức được cho là chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm mà con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro đến như thế!
Mà nói đâu cho xa xôi, Singapore - đảo quốc đã đứng vào thứ hạng đỉnh cao của các nước phát triển, vậy mà vẫn hoạch định một chương trình quốc gia hỗ trợ đổi mới, sáng tạo trong vòng 30 năm. Chúng ta lại đứng, không phải trong dòng chảy xuôi, mà trong vòng xoáy của những cơn sóng to, gió lớn rồi! Trong thời đại mà người ta đã phủ khoa học, công nghệ vào từng sản phẩm quốc gia, đã tưới chất xám lên những cánh đồng thì không còn thời gian để luận bàn cạnh tranh quốc gia trong đổi mới, sáng tạo có cần thiết hay không, mà là cần phải làm và làm như thế nào.
Nếu như cách đây khoảng năm năm thôi, thuật ngữ “đổi mới, sáng tạo” còn xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp, thì thời gian gần đây, nó đã gần như là câu cửa miệng của nhiều doanh nhân và nhà làm chính sách. Thay vì đầu cơ hoặc nhắm đến những mục tiêu ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp đã thấy nhu cầu cấp bách phải xây dựng chiến lược phát triển bền vững dựa trên sự đổi mới năng lực công nghệ và tư duy quản trị.
Đổi mới thể chế, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo là những tuyên ngôn từ cấp vĩ mô. Quá trình chuyển đổi tư duy quản lý, điều hành đang là sự giằng xé giữa cái cũ và cái mới, không loại trừ giữa cái tích cực và cái tiêu cực, giữa sự năng động và trì trệ trong bộ máy. Nhưng những tuyên ngôn đổi mới này không nên chỉ dừng lại ở Chính phủ, mà cần lan tỏa nhanh trong toàn bộ hệ thống. Trên con đường đi đến thịnh vượng không chỉ là Nhà nước muốn gì, đạt mục tiêu gì, mà phải làm sao huy động được sức mạnh của cả xã hội.
Cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội cần được tham gia ngay từ khâu hoạch định chiến lược, kế hoạch.
Xã hội luôn phong phú và tiếp cận với những quy luật thay đổi của cuộc sống nhanh hơn bộ máy hành chính vốn nặng nề. Nhà nước phát huy vai trò kiến tạo để tạo môi trường cho xã hội phát triển chỉ khi thật sự nhận rõ sức mạnh của xã hội, mạnh dạn đặt niềm tin vào xã hội.
Chính phủ đặt mục tiêu cả nước sẽ có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, xem đó như một sự gia tăng năng lực trong cuộc cạnh tranh khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chỉ mong rằng, số lượng cần được song hành với chất lượng, và quan trọng hơn là phát huy “tinh thần doanh nghiệp” đối với các tầng lớp doanh nhân. Khơi gợi một “Tinh thần doanh nhân 4.0” để song hành với cuộc “Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Chính phủ đã có những hành động quyết liệt để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm: dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình khởi nghiệp quốc gia, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - sản xuất kinh doanh, giảm thuế suất một số mức thuế... Ngược lại, giờ là lúc đất nước đòi hỏi hành động trách nhiệm của doanh nghiệp. Sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp cho sự phát triển của đất nước thì không có gì để bàn cãi. Tuy nhiên, đây đó cũng không ít doanh nghiệp còn tư duy ngắn hạn, chưa đầu tư nâng cao năng lực quản trị, xây dựng chiến lược phát triển dựa trên nghiên cứu phát triển và đổi mới, sáng tạo.
Theo lý thuyết thì cạnh tranh bao gồm ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Khi làn sóng các doanh nghiệp ngoại đổ xô vào thị trường trong nước, rồi chuyện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp rộn ràng, đã có những cảnh báo, đồng thời là cảnh tỉnh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. Nhận diện đúng những điểm nghẽn trong hợp tác, cấu kết cộng đồng, chất lượng quản trị, trách nhiệm xã hội đang làm giảm sức cạnh tranh là những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp cần tự soi rọi lại để tự làm mới mình.
Một doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ, đối với họ, đổi mới công nghệ là chuyện sống còn trong sự phát triển. Khi có một công nghệ mới, họ liền mời ngay các doanh nghiệp khác có chung nhu cầu để hợp tác cùng mua, cùng sử dụng, nhờ đó, chia sẻ được gánh nặng chi phí. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt do thiếu tính hợp tác nên hoặc là thấy giá cao sẽ không mua hoặc nếu mua thì phân bổ chi phí nhanh vào giá sản phẩm, làm giảm sút khả năng cạnh tranh. Đó cũng là nguyên nhân vì sao doanh nghiệp của chúng ta chậm đổi mới công nghệ - một trong những yếu tố cạnh tranh quyết liệt nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chúng ta ngồi yên tự hào người Việt mình thông minh, trong khi trên hàng ngày trên thế giới xuất hiện biết bao ý tưởng sáng tạo mới, có biết bao “startup” ra đời. Phải đặt công cuộc khởi nghiệp và dưỡng nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng mới để thấy có biết bao nhiêu việc cần phải làm và làm ngay đối với cấp vĩ mô và trong cộng đồng doanh nghiệp. Sẽ không có hệ sinh thái khởi nghiệp với một bộ máy còn nhiều tầng nấc, nhiều cánh cửa công quyền còn thờ ơ và vô cảm. Cũng vậy, không có hệ sinh thái khởi nghiệp khi cộng đồng doanh nghiệp còn mải mê với những toan tính ngắn hạn, tính lỗ lãi trong từng thương vụ. Và, sẽ không có hệ sinh thái khởi nghiệp khi “chủ nghĩa thân hữu” làm suy giảm niềm tin chiến lược, méo mó nguồn lực, kể cả chính sách ở cấp vĩ mô.
Câu chuyện các nước xuất khẩu dầu hỏa khốn đốn như thế nào trong bối cảnh giá dầu xuống thấp là bài học nhãn tiền. Trong khi đó, một quốc gia không có dầu như Israel, vẫn phát triển nhờ vào đổi mới, sáng tạo là sự cảnh tỉnh cho các quốc gia mải mê đo lường sự tăng trưởng dựa vào tài nguyên và vẫn đứng bên lề dòng chảy của cuộc cách mạng mới.
Cơ cấu lại nền kinh tế đang được bàn thảo như một cứu cánh trong bối cảnh hội nhập với việc ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, có vấn đề hợp tác công - tư (PPP). Nên chăng, cần có hợp tác công - tư trong việc hoạch định chương trình cơ cấu lại nền kinh tế nước nhà?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét