(TBKTSG) - Có những doanh nghiệp trường tồn, vượt xa cuộc đời của những người sáng lập, đó là nhờ văn hóa doanh nghiệp. Đây là phần hồn, là trụ cột tinh thần, là tài sản vô hình của doanh nghiệp.
Nhằm tìm hiểu nguồn gốc sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai, một cuộc điều tra xã hội học đã được tiến hành tại một số xí nghiệp trong đó có câu hỏi: Vì sao anh chị liên tục tăng năng suất? Câu trả lời nêu bốn nguyên nhân: vì tổ quốc, vì Nhật hoàng; vì tinh thần trách nhiệm với công ty; vì lương tâm người thợ; vì tiền thưởng. Qua đây, người ta thấy những yếu tố thuộc về tinh thần chiếm tỷ lệ áp đảo (ba phần tư) so với yếu tố vật chất - tiền bạc (một phần tư). Như vậy, yếu tố tinh thần trong bản thân mỗi nhân viên là rất mạnh mẽ, giúp họ tìm mọi cách phát triển doanh nghiệp và góp phần kiến thiết đất nước. Các yếu tố tinh thần của người lao động có được chính là từ nền tảng văn hóa của các doanh nghiệp.
Cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp
Trước đây, chúng ta thường cho rằng văn hóa doanh nghiệp có hai hình thức biểu hiện (hay 2 tầng) là trực quan và phi trực quan. Nhưng kể từ năm 2010, khi đề xuất của Edgar H. Schein (người Mỹ) trong cuốn sách Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo của ông được dịch, xuất bản và sau đó tái bản nhiều lần bằng tiếng Việt, đa số doanh nghiệp trong nước tán đồng với ý tưởng cấu trúc văn hóa doanh nghiệp gồm ba tầng: phần trực quan là tầng bề mặt, hữu hình; phần phi trực quan được chia thành hai tầng là những giá trị được thể hiện - tầng giữa, và những giá trị ngầm định - tầng lõi.
Sau nhiều năm nghiên cứu và tham gia xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, người viết bài này đồng thuận cao với ý kiến đề xuất của Edgar H. Schein, nhưng có vài điều chỉnh nhỏ ở tầng giữa và tầng sâu (phần trình bày bên dưới) để nhấn mạnh ý tưởng cốt lõi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Tầng bề mặt gồm các sự vật, hiện tượng có thể nhìn, nghe, thấy khi tiếp xúc. Đó là kiến trúc, cách bài trí nhà xưởng, trụ sở, nơi làm việc, sản phẩm; các biểu tượng, logo, khẩu hiệu, ấn phẩm, tài liệu năng lực, quảng bá của doanh nghiệp; đồng phục; lễ nghi, lễ hội hàng năm; những giai thoại của doanh nghiệp... Đặc điểm chung của tầng bề mặt là chịu ảnh hưởng nhiều của tính chất công việc kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, quan điểm của người lãnh đạo... nên dễ thay đổi và chỉ thể hiện được bề nổi của văn hóa doanh nghiệp.
Tầng giữa gồm các giá trị được thể hiện, được tuyên bố. Đó là sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, mục tiêu kinh doanh, hệ thống các quy tắc ứng xử, tổ chức bộ máy, các quy trình, quy định, hướng dẫn hoạt động tại doanh nghiệp. Các nội dung của tầng giữa thể hiện chức năng hướng dẫn cho các thành viên trong doanh nghiệp cách thức giải quyết những vấn đề cơ bản và giúp cho các thành viên mới tiếp cận nhanh công việc tại doanh nghiệp.
Tầng sâu hay tầng lõi của văn hóa doanh nghiệp bao gồm triết lý kinh doanh, các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và các ngầm định như niềm tin, nhận thức, suy nghĩ và tình cảm có tính vô thức, mặc nhiên được công nhận trong doanh nghiệp.
Nếu ví văn hóa doanh nghiệp như là tòa nhà, thì bề ngoài là diện mạo khoe màu sắc, phần giữa là khung sườn cho ngôi nhà vững chắc để thực hiện các công năng của mình, còn phần lõi là nền móng quyết định chiều cao phát triển của tòa nhà.
Các bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đặt ra yêu cầu xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhưng vẫn lúng túng trong nội dung cũng như các bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trên cơ sở kết hợp kinh nghiệm thực tiễn làm việc tại doanh nghiệp và quan điểm quản trị học, xin đề ra năm bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp như sau:
Bước 1: lập đề cương văn hóa doanh nghiệp (tối đa là 1 tuần)
Đề cương văn hóa doanh nghiệp là bộ khung lý thuyết dựa trên các nội dung chính của mô hình cấu trúc ba cấp độ nêu trên.
Bước 2: phân tích, đánh giá thực trạng văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị (tối đa 2 tuần)
Cho dù doanh nghiệp mới thành lập hay doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định đều đã có văn hóa doanh nghiệp, tuy nhiên, chúng đang ở dạng sơ khai, chưa đầy đủ và chưa đồng đều trong nhân viên. Do vậy, cần phân tích, đánh giá thực trạng văn hóa doanh nghiệp.
Dựa vào đề cương văn hóa doanh nghiệp đã lập ở bước 1, rà soát, kiểm tra, phân tích, đánh giá tổng quan về thực trạng văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị để có cơ sở bổ sung, điều chỉnh các nội dung cho phù hợp.
Bước 3: lập bảng phân công việc và tiến độ hoàn thành văn hóa doanh nghiệp (tối đa 2 tháng)
Căn cứ vào chiến lược kinh doanh, mục tiêu, định hướng kinh doanh, tình hình thị trường... để lập bảng phân công thực hiện công việc và tiến độ hoàn thành việc xây dựng, bổ sung văn hóa doanh nghiệp.
Bước 4: đào tạo, truyền thông trong nội bộ doanh nghiệp (tối đa 1 tháng)
Sau khi được lãnh đạo doanh nghiệp thông qua kết quả xây dựng văn hóa doanh nghiệp của đơn vị, bộ phận đào tạo của doanh nghiệp thực hiện các khóa đào tạo nội bộ để truyền đạt các nội dung văn hóa doanh nghiệp để toàn thể cán bộ - công nhân viên thấu hiểu và thực hiện theo quy định.
Bước 5: áp dụng, kiểm tra, kiểm soát và nâng cấp thường xuyên văn hóa doanh nghiệp
Khi văn hóa doanh nghiệp đã chính thức được áp dụng tại doanh nghiệp thì việc kiểm tra, kiểm soát, đánh giá thường xuyên nhằm duy trì việc thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, khen thưởng người làm tốt; phê bình, xử lý thích đáng người chưa thực hiện tốt là biện pháp hiệu quả trong quản lý, vận hành văn hóa doanh nghiệp.
Ngoài ra, định kỳ hàng năm, văn hóa doanh nghiệp cần được đánh giá để bổ sung, điều chỉnh cho tốt hơn, phù hợp hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét