Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Biển Đông trước giờ phán quyết

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) - Chỉ hai tuần nữa, Tòa trọng tài thường trực quốc tế (Permanent Court of Arbitration - PCA) sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến đường lưỡi bò 9 đoạn trên biển Đông. Đa số các nhà phân tích đều dự đoán rằng, phán quyết của PCA sẽ “nghiêng” về phía Philippines; tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra sau đó, phản ứng của các bên sẽ như thế nào vẫn còn là những câu hỏi lớn. Nhưng thực tế đáng lo ngại là tình hình biển Đông đang nóng lên từng ngày và nguy cơ xảy ra xung đột - bất ngờ hay cố ý - giữa các bên là hoàn toàn có thể.

Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng ở biển Đông đã có từ lâu, nhưng từ khi Philippines nộp đơn kiện, Bắc Kinh đã đẩy mạnh, với tốc độ chóng mặt, công cuộc bồi đắp ở Trường Sa để biến các bãi cạn và đá mà họ chiếm của Việt Nam năm 1988 thành đảo nhân tạo, quyết tâm đặt thế giới trước “sự đã rồi”, trước một “thực tế không thay đổi được” cho dù vụ kiện có kết quả như thế nào. Gần đây, khi vụ kiện gần tới ngày kết thúc, Bắc Kinh đã cấp tập “quân sự hóa” các đảo nhân tạo này, triển khai nhiều máy bay, tàu chiến, tên lửa, pháo phòng không... kể cả ở quần đảo Hoàng Sa, để chuẩn bị đối phó nếu quốc tế áp đặt những giải pháp bất lợi cho Trung Quốc.

Trên mặt biển, hạm đội Nam Hải của Trung Quốc thường xuyên luyện tập tác chiến, quấy rối và cản trở các chuyến bay tuần thám của hải quân Mỹ; đồng thời các đội tàu đánh cá, thực chất là dân quân biển, của Trung Quốc cũng mở rộng hoạt động xuống tận vùng biển Natuna của Indonesia và tăng tần suất quấy nhiễu tàu đánh cá của ngư dân các nước khác.

Mỹ cũng lo ngại Bắc Kinh sẽ có phản ứng mạnh với Philippines sau phán quyết của PCA nên để trấn an đồng minh Manila, Mỹ đã có hành động chưa có tiền lệ là điều động hai cụm tàu sân bay - USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan - với đầy đủ đội hình tác chiến đến trấn đóng ở biển Đông.

Ở phía Bắc, quân đội Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cũng triển khai một cuộc tập trận quy mô lớn và dài ngày nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến của quân đội ba nước nếu xảy ra tình huống bất ngờ ở biển Đông.

Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc ráo riết vận động, gây sức ép hoặc mua chuộc các nước nhỏ, không có quyền lợi trực tiếp ở biển Đông, ủng hộ lập trường của Bắc Kinh. Trung Quốc mới đây tuyên bố đã có 60 quốc gia đứng về phía phản đối tòa PCA nhưng Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ cho rằng, chỉ có tám quốc gia, phần lớn ở châu Phi và một số nước không có biển, công khai bày tỏ sự ủng hộ Trung Quốc.

Mỹ và Nhật Bản cũng liên tục vận động phản đối Trung Quốc trong cộng đồng các quốc gia dân chủ. Hội nghị nhóm 7 nước phát triển (G-7), Liên hiệp châu Âu (EU) gần đây đều lên tiếng mạnh mẽ đòi tôn trọng luật pháp trong vấn đề biển Đông, phản đối việc dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của nước lớn đối với nước nhỏ.

“Đấu khẩu” Mỹ-Trung không phải là chuyện lạ; nhưng rõ ràng Bắc Kinh luôn bỏ ngoài tai những lời cảnh báo đanh thép của Washington và kiên trì thực hiện chiến lược “tằm ăn dâu” lấn dần từng bước trên biển Đông mà không ai ngăn cản được. Lần này cả hai bên đều tỏ ra quyết đoán hơn, cung kiếm đều đã sẵn sàng, còn xung đột có xảy ra hay không là điều khó đoán trước.

Cũng nên lưu ý rằng, tòa PCA sẽ công bố phán quyết về biển Đông vào ngày 7-7-2016, cùng thời điểm với cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo hải quân Mỹ-Trung Quốc ở Bắc Kinh. Nhiều nhà phân tích hy vọng rằng, qua cuộc gặp này, Mỹ có thể buộc những “cái đầu nóng máu phiêu lưu” ở Bắc Kinh phải tỉnh táo lại, không để biển Đông bùng lên thành một cơn bão lớn, nhấn chìm hòa bình và ổn định của khu vực. 
***

Dự báo phán quyết của PCA và phản ứng của các bên

Phán quyết của Tòa trọng tài PCA sắp đưa ra là một trường hợp hy hữu, theo đó một quyết định mang tính kỹ thuật của một cơ quan ít tiếng tăm của Liên hiệp quốc lại có ý nghĩa lớn về địa chính trị: có khả năng làm sáng tỏ một số vấn đề trọng tâm trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông nhưng cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ngược thời gian, cuối năm 2013, Philippines nộp đơn kiện lên PCA, đưa ra 15 mục cáo buộc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông (đường lưỡi bò) là trái với luật pháp quốc tế. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và bác bỏ thẩm quyền của tòa; nhưng năm ngoái PCA tuyên bố tòa có thẩm quyền xét xử 7 trong số 15 cáo buộc của Philippines và đang xem xét quyết định về 8 cáo buộc còn lại.

Cần lưu ý, PCA không phân xử những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mâu thuẫn với nhau của các nước mà chỉ phân xử các quyền hàng hải liên quan tới các tuyên bố đó.

Cơ sở chính để Philippines phát đơn kiện là nghi vấn về hiệu lực pháp lý (legal validity) của đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc áp đặt trên 90% diện tích biển Đông. Các chuyên gia dự báo, phán quyết của PCA có thể sẽ xác định đường lưỡi bò này là “hoàn toàn phi pháp” (effectively illegal) hoặc buộc Trung Quốc phải làm sáng tỏ căn bản pháp lý của nó - một điều mà Bắc Kinh luôn từ chối.

Ngoài ra, vụ kiện còn có nhiều vấn đề phức tạp hơn. Tòa sẽ phải xác định các thực thể ở quần đảo Trường Sa - vốn là các đá, rạn san hô bị Trung Quốc bồi lấp làm thành đảo nhân tạo - là các “low-tide elevations” (các bãi đá chìm chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống thấp, không có hải phận riêng), là “rocks” (đá thường xuyên nổi trên mặt biển, có hải phận 12 hải lý) hoặc là “islands” (đảo có đủ điều kiện cho người sinh sống, có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý).

Tiêu chí phân loại các thực thể này đã được minh định rõ trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), vấn đề của PCA là áp dụng các tiêu chí đó vào các thực thể nhân tạo ở Trường Sa như thế nào. Các chuyên gia tin rằng tòa PCA sẽ tuyên bố một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp không có chủ quyền pháp lý đối với các vùng biển chung quanh.

Tuy vậy tòa PCA không có quyền thi hành án, không thể buộc Trung Quốc phải thi hành phán quyết và Bắc Kinh cũng sẽ không tự nguyện “rút lui” khỏi các hòn đảo nhân tạo. Nhưng nếu phán quyết “nghiêng” về phía nguyên đơn Philippines và Trung Quốc từ chối “bản án” mà vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trong đường lưỡi bò thì Bắc Kinh có nguy cơ mất uy tín trầm trọng, có thể bị cô lập về mặt chính trị và ngoại giao. Chính phủ Mỹ nhiều lần nói rằng, qua việc tuân thủ hay bác bỏ phán quyết của PCA về biển Đông, Trung Quốc sẽ cho thấy Bắc Kinh có tôn trọng luật pháp quốc tế hay không.

Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, họ không tham gia, không công nhận thẩm quyền và không tuân thủ bất kỳ quyết định nào của PCA. Với tình hình “quân sự hóa” đang diễn ra ở Trường Sa, Bắc Kinh cho thấy họ theo đuổi “chính sách bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship), sẵn sàng dùng vũ lực để đạt mục đích.

Rủi ro lớn nhất được các nhà phân tích dự báo là Bắc Kinh sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm biển Đông như đã làm ở biển Hoa Đông năm 2013, buộc các hoạt động đi qua vùng trời, vùng biển đều phải khai báo và được sự cho phép của Trung Quốc. Cơ sở quân sự mới thiết lập ở Trường Sa tạo điều kiện cho Trung Quốc thực thi ý đồ này.

53% số người tham dự một cuộc hội thảo về biển Đông do CSIS tổ chức ở Washington hôm 20-6 cho rằng Trung Quốc sẽ lập ADIZ ở biển Đông. Một rủi ro khác là Trung Quốc có thể tiến hành bồi đắp bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhằm trừng phạt hành động “đi kiện” của Manila và kiểm soát hoạt động quân sự của Mỹ tại căn cứ Clark gần đó. Tuy nhiên, sự hiện diện của hải quân Mỹ tại đây có thể gửi đi thông điệp rằng, Mỹ sẽ không ngồi yên trước hành động đó của Trung Quốc.

(Theo Financial Times)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét