(TBKTSG) - Rất tiếc là chưa có một điều nghiên hay khảo sát xã hội học, hoặc thăm dò dư luận kiểu như của các viện Gallup, Glassdoor, McKinsey, BCG... tại nước ta, để có thể định lượng mức độ, tầm ảnh hưởng/tác hại của những kết quả trưng cầu ý kiến ngay lập tức cũng như sự chuyển biến của dòng ý kiến dư luận. Dựa vào sự khách quan trung thực và khoa học nhất, các chính sách và cách hóa giải xung đột thật và giả sẽ dễ dàng hơn.
Vậy nên xin liệt kê ở đây các vấn đề chính:
1. Chiến tranh
Mọi doanh nghiệp trên thế giới đều sợ nhất là chiến tranh, vì sự tàn phá cuộc sống và gây xáo trộn từ nhận thức và tình cảm cá nhân, đến hạ tầng cơ sở và cấu trúc xã hội, trong đó có cuộc sống sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Ai đã trải qua chiến tranh đều hiểu giá trị vĩ đại của hòa bình, dĩ nhiên, không phải vì thế mà đầu hàng trước khi đối mặt với nguy cơ tàn khốc này. Còn ai may mắn chưa sống trong chiến tranh thì hãy nhìn qua Syria, Iraq... và những vùng đang dần nóng lên với tên lửa và các hạm đội đầy thuốc nổ.
2. Nuôi dưỡng doanh nghiệp lớn lên
Đây là một thách thức. Một doanh nghiệp rất tự tin ở tinh thần khởi nghiệp, ở công nghệ độc đáo, ở tài năng của doanh nhân khởi nghiệp và đội ngũ, và cũng không hề có nỗi lo sợ nào về thiếu vốn, thiếu cách làm phù hợp và hiệu quả, thiếu cơ hội phát triển... thì coi chừng đã phạm vào sự chủ quan. Ví như người đang chạy trên đường cao tốc và cứ tin rằng sẽ không phải vượt chiếc xe nào, không bị một xe nào qua mặt và yên tâm ngủ quên... trước khi “chiến thắng”.
Lo sợ sự chủ quan là nỗi lo sợ lành mạnh. Sợ để cảnh giác và tránh chủ quan. Còn nếu quá sợ thì không nên khởi nghiệp.
3. Chính sách của Nhà nước
Xin đặt ra ở đây một câu hỏi hết sức ngây thơ: “Ai làm ra chính sách?”.
Thời xa xưa, khi nhân loại chưa đủ văn minh, thì tù trưởng và vua đặt ra luật, có khi tưởng là rất dân chủ vì có sự tham vấn của “bộ sậu” ở triều đình. Vua Louis XVI của Pháp nói “Nhà nước là tao!” là vì vậy.
Thời nay, mỗi nước có thể có cơ chế dân chủ hay tập quyền, hay tập trung dân chủ, nhưng nguyên tắc phân quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập được áp dụng phổ biến và hiệu quả nhất.
Chính sách phải được tranh luận, mổ xẻ và phê duyệt (chứ không phải “thông qua”) ở Quốc hội. Chính phủ dựa theo đó mà triển khai (nghĩa là không thể thiếu các văn bản hướng dẫn nếu thực sự cần thiết, không thể mang tên thông tư hay văn bản dưới luật mà đôi khi lại là văn bản đứng trên luật hoặc lý giải không đúng và không đầy đủ). Doanh nghiệp sợ các thông tư, các giấy phép con là vì vậy. Hãy rà soát và khoanh vùng quyền hạn để xóa bỏ hàng ngàn văn bản lạc hậu và lạc điệu, trong khu vực hành pháp. Còn nếu tư pháp không độc lập, vai trò các luật sư trong xã hội không được đặt đúng vị trí để ngăn chặn lạm quyền, nhũng nhiễu, sai trái thì doanh nghiệp... sợ là phải!
Doanh nhân sợ chính sách và Chính phủ đến mức chẳng mấy khi dám đề cập đến chuyện chính trị, vốn là quyền cơ bản của mọi công dân. Và khi một lực lượng doanh nghiệp sợ chính trị, sợ nói lên chính kiến, sợ “tai vách mạch rừng” và chỉ chí thú làm ăn thì sẽ chỉ là một tập thể phù hợp với gia công - làm thuê cho nước ngoài, không thể là một lực lượng mạnh, không thể là “động lực phát triển” như Chính phủ mong muốn trong buổi họp quan trọng gặp gỡ hàng ngàn doanh nghiệp ngày 29-4 vừa qua với sự có mặt của Thủ tướng và nhiều vị lãnh đạo khác.
4. Thủ tục và sự nhũng nhiễu
Phải nói một cách công tâm là thủ tục hành chính đã được cải tiến một phần, và ai cũng muốn cải tiến không ngừng để không mất thời gian vô ích cũng như giảm bớt tình trạng “hành là chính”.
Thế nhưng, cái gốc của vấn đề là nhận thức của công chức. Đúng là nên phục vụ doanh nghiệp thay vì quản lý doanh nghiệp. Thuật ngữ “quản lý doanh nghiệp” đã bị một số cơ quan công quyền hiểu méo mó theo nghĩa giám sát (supervise), cấm đoán (forbid), thậm chí phát sinh đe dọa (threaten) mà thật ra là... “xin đểu”. Thủ tướng đã nói “hôm nay bắt ký cái này, mai bắt ký cái khác, ký mãi sao?”, và Thủ tướng cũng đã nói đến thông lệ “cưa đôi”.
Doanh nghiệp sợ những cơ quan nào nhất thì báo chí và dư luận đã nói rất nhiều. Tôi nghĩ rằng “chăm sóc doanh nghiệp” có thể là cách nói thay thế cho cách nói quen miệng “quản lý doanh nghiệp” từ phía đội ngũ công chức nhà nước. Họ ăn lương từ thuế của dân và doanh nghiệp nộp cho Nhà nước, thì họ phải nêu cao tinh thần chăm sóc. Vì “quản lý” chỉ là một cách làm việc, không phải tinh thần và nội hàm của việc phục vụ dân và doanh nghiệp; còn “chăm sóc” (take care/serve) bao hàm ý nghĩa chỉ dẫn (explain), hỗ trợ (support) và cả nền dịch vụ công, tư vấn có phí (guidance). Chăm sóc doanh nghiệp ở đây là sự quan tâm hỗ trợ, trông coi về mặt luật pháp hiện hành, chú ý để lưu ý và đề phòng sai trái, rủi ro, thiệt hại lợi ích doanh nghiệp và lợi ích công cộng.
5. Các nỗi sợ khác
Nếu bốn nỗi sợ nêu trên là do các yếu tố nhân tai thì những nỗi sợ thiên tai (khí hậu biến đổi, trái đất nóng lên, nước biển dâng, bão lụt, hạn và mặn...) luôn là nỗi sợ đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Môi trường sinh thái xấu đi sẽ kéo theo môi trường kinh doanh tệ hại.
Phần lớn doanh nhân không chỉ sợ những chi phí không chính thức, sợ tham nhũng và sợ bị tố ngược lại với tội hối lộ, sợ bị hình sự hóa, chính trị hóa. Thực tế dù có một số ít doanh nghiệp tội phạm, nhưng vỏ bọc doanh nghiệp không thể là áo giáp cho bất cứ tội phạm nào.
Doanh nghiệp còn sợ mất chỗ đứng, mất thị phần trong thị trường, sợ tỷ giá lên xuống bất ngờ, sợ hoàn thuế chậm, sợ hàng hóa không thông quan vì đủ thứ lý do chính đáng và không chính đáng, sợ rào cản kỹ thuật, sợ thiếu thông tin và sợ cả sự thiếu hiệu quả ở chính bộ máy của mình.
Doanh nhân sợ đột quỵ, sợ sức khỏe suy giảm trong khi công việc ngày càng nhiều hơn, càng nặng nề hơn; sợ đổ vỡ gia đình vì không đủ thời gian chăm sóc con cái, vợ chồng... Đó là những nỗi sợ rất con người và rất đáng lưu ý để không vô cảm trước thất bại và bất hạnh của bất cứ ai, kể cả của đối thủ cạnh tranh của mình.
Làm doanh nhân không phải khó, mà là rất khó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét