Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Châu Âu tiến tới một xã hội không cần tiền mặt

Xuân Hương/Theo Trí thức trẻ

Cafef - Quyết định gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc ngưng phát hành và lưu thông tờ 500 euro từ cuối năm 2018 được xem là bước đi đầu tiên, mở đường cho việc tiến tới một xã hội phi tiền mặt ở châu Âu.

Tờ 500 euro sẽ từng bước được rút khỏi thị trường như thế nào?

Sau nhiều tháng trời "đánh tiếng", Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại cuộc họp Hội đồng Điều hành ngày 4/5 đã có quyết định chính thức về số phận tờ bạc euro có mệnh giá cao nhất. Theo đó, từ cuối năm 2018 châu Âu sẽ ngừng phát hành tờ 500 euro và lưu thông trên thị trường. Hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW) cho biết, mặc dù tờ bạc mầu hồng tím này chỉ chiếm 3,2% trong tổng số tiền giấy euro đang được lưu hành song chiếm trên 1/4 tổng giá trị tiền giấy euro lưu hành trên thế giới.

Đã từ lâu, tờ 500 euro chịu nhiều chỉ trích vì giá trị cao của nó cho phép một số lượng lớn tiền mặt được trao đổi ngầm. Nó được xem là phương tiện lý tưởng cho các tội phạm tham nhũng, lưu hành tiền đen và cấp tài chính cho các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là các hoạt động khủng bố. Chính vì vậy, nó còn bị giễu cợt gọi là 'Bin Laden'.

Theo DW, bên cạnh biện pháp từng bước rút tờ 500 euro khỏi lưu hành trên thị trường, ECB sẽ đưa các phiên bản an toàn hơn cho các tờ có mệnh giá 100 và 200 euro. ECB nhấn mạnh rằng, mặc dù việc sản xuất và phát hành tờ 500 euro có thể chấm dứt, song tờ bạc này vẫn là tiền tệ hợp lệ thậm chí sau năm 2018. Các tờ tiền này luôn luôn có thể đổi tại tác ngân hàng trung ương trong khu vực đồng euro.

Tiến tới một xã hội phi tiền mặt

Quyết định này của ECB được cho là bước đi đầu tiên, mở đường cho việc tiến tới một xã hội phi tiền mặt ở EU. Ông Carl-Ludwig Thiele, thành viên hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương Đức - Bundesbank- tiên liệu rằng tiền mặt sẽ bị "khai tử” trong vòng 10 năm tới. Còn theo dự đoán của ông Mark Barnett, giám đốc MasterCard Anh, thời điểm đó sẽ xảy ra muộn hơn là sau 30 năm nữa.

Ông Barnett cho biết đối với thế hệ tương lai việc cầm tiền mặt theo người cũng trông kỳ quặc như chúng ta thấy ai đó mang một túi vàng bên mình.

Và không chỉ ở châu Âu, hệ thống tài chính trên thế giới nói chung đang từng bước tiến hoá tới việc tiền mặt không còn tồn tại nữa. Các nước Đan Mạch, Italy, Tây Ban Nha, Mêhico, Bỉ, Nga....đều hạn chế số tiền mặt được phép thanh toán trong mỗi giao dịch. Tại Thuỵ Điển hiện nay giao dịch bằng tiền mặt ít hơn 5 năm trước 27%. Tại nhiều nước như Hà Lan, Bỉ... việc thanh toán tiền mặt ở một số nơi là khó thực hiện hay không thể. Ngân hàng ECB đã quyết định sẽ huỷ bỏ tờ 500 euro.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers vào đầu năm nay cũng lên tiếng về việc cân nhắc ngưng phát hành tờ 100 USD. Ông Barnett dự đoán hầu hết tiền mặt sẽ "biến mất" khỏi hệ thống tiền tệ trong vòng năm năm nữa tại Anh và Ai Len. Xu hướng này rõ ràng cho thấy thời kỳ hoàng kim của tiền mặt đã đi vào dĩ vãng và một xã hội không tiền mặt chỉ còn là vấn đề của thời gian.

Năm 2015, Nghị viện châu Âu cũng đã quyết định về cơ chế cho phép thực hiện thanh toán điện tử rẻ hơn. Mức phí mà các ngân hàng tính đối với các cửa hàng cho việc sử dụng thẻ ngân hàng thông thường được áp dụng ở mức kịch trần là 0,2% giá trị giao dịch và 0,3% đối với thẻ tín dụng.

Tiền mặt không bao giờ là "bạn” của chính sách lãi suất âm đang thịnh hành trên thế giới. Châu Âu đã tiên phong thực hiện chính sách này vào năm 2014. Sau EU, một loạt các nước như Nhật Bản, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ... cũng áp dụng lãi suất âm. Tại Nhật Bản, nhu cầu về trang sức đã bùng nổ kể từ khi Ngân hàng Nhật (BoJ) hạ lãi suất xuống dưới mức số không. Người Nhật đổ xô đi mua kim hoàn bằng tiền mặt để bảo vệ tiền khỏi sự kiểm soát của chính phủ.

Khi tiền mặt không còn tồn tại nữa thì sẽ chỉ có hệ thống tiền điện tử hoạt động. Một xã hội không tiền mặt sẽ giúp các chính phủ kiểm soát lưu thông tiền trên thị trường, theo dõi từng giao dịch và chống được việc trốn thuế, rửa tiền và nhiều hoạt động phạm pháp khác. Song có nhiều ý kiến cho rằng khi đó các chính phủ có thể tự do định đoạt số tiền nằm trong ngân hàng mà họ muốn và có thể đánh thuế mà không cần hỏi han. Biện pháp này có thể giúp chính phủ chống tội phạm song nó đi ngược lại với quyền lợi của người dân là được chọn sử dụng tiền mặt.

Các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai xã hội phi tiền mặt và cũng là đối tượng hưởng lợi khi tiền mặt không còn tồn tại. Song người ta cũng e sợ rằng khi đó các ngân hàng sẽ có khuynh hướng sớm hơn việc trong việc áp dụng lãi suất âm đối với khách hàng gửi tiết kiệm.

Quyết định thu hồi tờ 500 euro nằm trong khuôn khổ của cuộc đấu tranh chống hoạt động cấp tài chính cho khủng bố. Vì thế nó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước trong đó có Pháp. Song người Đức vốn cẩn trọng e ngại rằng đây là bước tiến đầu tiên đến một xã hội phi tiền mặt. NHTW Đức chính thức bày tỏ quan điểm chống việc cấm tiền mặt. Đức cũng là nước có tỉ lệ sử dụng tiền mặt cao nhất trong khu vực EU với 79% tất cả các giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt. Theo ông Thiele, việc cấm sử dụng tiền mặt đi ngược lại quyền tự do và người dân có quyền bảo vệ sự riêng tư và tự chọn hình thức tiền nào mình muốn sử dụng, như đại văn hào Nga Dostoevsky đã từng nói “Tiền là tự do”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét