SOHA - Sự tấp nập của cảng quốc tế Cam Ranh giúp Việt Nam cùng lúc đạt được nhiều mục đích.
Chủ trương đúng đắn
Từ khi đi vào hoạt động (tháng 3/2016) đến nay, cảng quốc tế Cam Ranh liên tục đón tiếp nhiều tàu quân sự nước ngoài của Nhật Bản, Singapore, Pháp..., thậm chí Việt Nam còn chủ động mời tàu hải quân Trung Quốc vào Cam Ranh.
Đánh giá về hoạt động của cảng quốc tế Cam Ranh trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, sự tấp nập của cảng Cam Ranh đã chứng minh chủ trương của Việt Nam hoàn toàn đúng đắn.
Theo đó, Việt Nam xác định cảng Cam Ranh là cơ sở dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần bình đẳng, chủ quyền là của Việt Nam và Việt Nam có khả năng giám sát tình hình.
"Quan điểm của Đảng, Chính phủ khi đưa cảng quốc tế Cam Ranh vào hoạt động với vai trò là một cảng đa năng rất phù hợp, đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, có câu chuyện cũng là bài học cần rút ra, đó là Cam Ranh ở vị trí có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là về mặt quân sự, cho nên trong các hoạt động cần cân nhắc để có thể khai thác tối đa lợi thế về mặt tự nhiên, địa chính trị của cảng Cam Ranh nhằm thúc đẩy kinh tế, mở rộng giao lưu quốc tế, tạo đà thúc đẩy phát triển của cả khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó cũng phải cân nhắc, có các phương án cụ thể đảm bảo việc sử dụng các khoảng mặt nước, khoảng căn cứ liên quan trực tiếp đến căn cứ quân sự Cam Ranh hài hòa cả về kinh tế và quốc phòng, không thể vì yếu tố kinh tế mà quên đi những yếu tố khác.
Có những lúc chúng ta đã lơ là, để cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài gần như án ngữ vòng ngoài của căn cứ quân sự Cam Ranh, đó là điều rất không hợp lý", ông Nguyễn Anh Sơn lưu ý.
Trong khi đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, cũng đánh giá cao các hoạt động của cảng quốc tế Cam Ranh từ khi đi vào hoạt động đến nay.
"Chính phủ Việt Nam đã khẳng định không cho nước ngoài thuê cảng Cam Ranh làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần-kỹ thuật.
Trong thời kỳ mở cửa, quan hệ hợp tác ngày một rộng rãi, Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón tiếp tàu quân sự, dân sự của tất cả các nước có thiện chí và muốn sử dụng dịch vụ hậu cần-kỹ thuật ở cảng Cam Ranh.
Tàu thuyền của bạn bè càng vào Cam Ranh nhiều càng chứng minh họ tín nhiệm Việt Nam và Việt Nam cũng tin tưởng họ", tướng Thước khẳng định.
Thắng lợi kép của Việt Nam
Mới đây, giới chức Nga đã để ngỏ khả năng Nga trở lại cảng Cam Ranh, trong khi đó giới chức quân sự Mỹ cũng thể hiện sự quan tâm lớn đối với cảng Cam Ranh.
Tuy nhiên, việc cho phép tàu chiến các nước vào Cam Ranh sử dụng các dịch vụ do phía Việt Nam cung cấp khác hoàn toàn với việc Việt Nam cho phép các nước lập các trạm bảo đảm hậu cần-kỹ thuật ở đây, tương ứng với sự hiện diện một số lượng nhất định quân nhân nước ngoài.
Trước câu hỏi với chủ trương nhất quán hiện nay, Việt Nam có khả năng đáp ứng mong muốn của hai phía Nga, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác quan tâm với cảng Cam Ranh, ông Nguyễn Anh Sơn cho hay:
"Hiện nay, về quan hệ đối ngoại, Việt Nam chủ trương không biến bất cứ địa điểm nào thành căn cứ của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Dù vâỵ, Việt Nam sẵn sàng bằng khả năng của mình cung cấp các dịch vụ hậu cần-kỹ thuật cho các tàu thuyền dân sự, quân sự, đặc biệt là quân sự.
Với vị trí tốt như cảng Cam Ranh, nếu không biết khai thác để nâng cao thu nhập thì rất đáng tiếc.
Việt Nam tự mình phát triển, biến Cam Ranh trở thành một địa điểm lý tưởng cung cấp các dịch vụ hậu cần-kỹ thuật cho các quốc gia trên thế giới vào sửa chữa tàu thuyền và phục vụ cho các hoạt động của họ.
Với vị trí địa chính trị của mình, Cam Ranh là điều mơ ước của rất nhiều quốc gia.
Người Nga từng có thời kỳ ở Cam Ranh và họ hiểu rất rõ vai trò của nơi này nhưng vì nhiều lý do họ đã rút khỏi Cam Ranh. Người Mỹ cũng từng ở Cam Ranh nên họ quan tâm tới cảng này là điều dễ hiểu.
Bất kỳ quốc gia nào đứng chân được ở Cam Ranh đều có thể mở rộng khả năng, tầm ảnh hưởng của mình về mặt quân sự đối với khu vực Biển Đông.
Nhưng như đã nói, Việt Nam không chủ trương cho nước ngoài thuê làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần kỹ thuật ở cảng Cam Ranh.
Do đó, chúng ta cần hướng đến việc cố gắng tổ chức, xây dựng, mở rộng, nâng cao khả năng, năng lực cung cấp các dịch vụ hậu cần cho các quốc gia trên thế giới, khiến cho khu vực trở nên nhộn nhịp hơn.
Khi ấy nó sẽ giúp Việt Nam cùng lúc đạt được nhiều mục đích, ví dụ: có thu nhập; hay khi các quốc gia có thiện chí đều có thể vào Cam Ranh để sửa chữa tàu thuyền có nghĩa là không quốc gia nào có thể một mình đòi khống chế và ở ngoài Biển Đông cũng không ai khống chế được.
Như vậy, Việt Nam có thể đạt được thắng lợi kép. Đó là: khi Việt Nam chưa đủ khả năng để tự bảo vệ thì các quốc gia khác vào Cam Ranh sẽ giúp Việt Nam bảo vệ mình và làm cho Biển Đông trở thành khu vực tự do hàng hải.
Đây cũng là điều kiện để Việt Nam có thể hạn chế âm mưu, dã tâm muốn khống chế Biển Đông, cửa ngõ của Việt Nam của quốc gia nào đó".
Đồng quan điểm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh, Cam Ranh là cảng đặc biệt quan trọng, nhất là về mặt quân sự, nó liên quan đến vấn đề Biển Đông, do đó nước nào cũng muốn làm chủ ở đó.
Nhưng chủ trương của Việt Nam đã rất rõ ràng chứng tỏ chúng ta đã sẵn sàng chứ không hề e ngại, biết dùng năng lực của mình của quản lý cảng Cam Ranh. Nga, Mỹ hay bất kỳ nước nào muốn vào Cam Ranh cũng phải tuân thủ chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam.
Cả ông Nguyễn Anh Sơn và tướng Thước đều đánh giá, Việt Nam có thể thay đổi cán cân sức mạnh trên vùng biển châu Á-Thái Bình Dương bằng cách cho phép hải quân Mỹ, Nga, Nhật Bản... hay bất kỳ quốc gia nào có thiện chí có mặt tại Cam Ranh.
Đặc biệt, sự ra đời của cảng quốc tế Cam Ranh sẽ có những đóng góp to lớn cho hòa bình và ổn định trên Biển Đông nói riêng cũng như trong khu vực và thế giới nói chung trong tương lai.
"Cam Ranh là cảng biển quân sự liên quan đến Biển Đông nên tàu quân sự của các nước vào chứng tỏ đảm bảo thông thương hàng hải trên Biển Đông.
Nếu quốc gia nào có động cơ xấu, muốn ngăn cản tự do hàng hải trên Biển Đông dứt khoát thế giới sẽ phản đối. Cam Ranh là điểm dừng để đảm bảo công tác hậu cần kỹ thuật rất có lợi cho các nước", tướng Thước nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét