Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Khoảng trống của chính sách

LAN ANH

TT - Cuối tháng 12-2015, Bảo hiểm xã hội VN đã gửi văn bản cho các địa phương khẳng định 16 triệu thẻ bảo hiểm y tế của người nghèo, cận nghèo bị chậm cấp do sẽ được gia hạn đến khi có hướng dẫn mới.

Điều đó có nghĩa khi chưa có hướng dẫn mới, những người bệnh nghèo, cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế đương nhiên được chi trả phí khám chữa bệnh.

Chính sách rất rõ ràng, nhưng ngay tại Hà Nội - nơi chỉ cách cơ quan Bảo hiểm xã hội VN chỉ vài kilômet - có rất nhiều người bệnh nghèo, cận nghèo bị bệnh mãn tính vẫn phải xoay xở trong những ngày vừa qua để tìm nguồn tài chính đóng viện phí.

Có người đã buộc lòng phải bỏ bớt buổi chạy thận để tiết kiệm trên 500.000 đồng/buổi (một món tiền chỉ tương đương với giá trị bữa ăn cho hai người ở nhà hàng tầm trung), đành phải chấp nhận đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, thậm chí có cả nguy cơ tử vong.

Rõ ràng, sự chậm trễ của chính sách bảo hiểm y tế sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là mạng người.

Do đó, Bảo hiểm xã hội VN - nơi thực hiện chính sách này - đã nhanh chóng có văn bản hướng dẫn vào những ngày cuối cùng của năm cũ, nhằm kịp gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo trong năm mới.

Những tưởng việc gia hạn này sẽ hỗ trợ những người nghèo không may phải đi bệnh viện ngay từ những ngày đầu năm. Thế nhưng không ít người nghèo đã phải dừng chân trước ngưỡng cửa bệnh viện vì không có tiền, vì thẻ bảo hiểm y tế đã hết hạn, vì đâu đó còn có những thủ tục làm khó bệnh nhân.

Ngày 14-1, sau bài báo về sự bất cập bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo trên Tuổi Trẻ, đã có một số bệnh nhân vui mừng thông báo với người viết: đã được bệnh viện gọi mang theo thẻ bảo hiểm cũ để làm thủ tục gia hạn.

Đã là chính sách cho người nghèo, lớp người dễ bị tổn thương, thì lẽ ra phải làm sao giúp họ được hưởng những gì vốn đã rất ít ỏi mới hợp đạo lý. Nhưng kỳ lạ là những người thực hiện chính sách cho người nghèo tại một số nơi lại cố bắt bẻ, đẻ thêm các giấy tờ khiến người nghèo phải khổ hơn, khánh kiệt hơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, phó chủ tịch Tổng hội Y học VN Trần Hữu Thăng cho rằng khi đến bệnh viện ở nước ngoài, người bệnh cảm thấy yên tâm vì họ nhìn ra được sự tận tâm của đội ngũ thầy thuốc với người bệnh. Đây chính là khoảng trống của chính sách, thay vì tận tâm làm điều có lợi cho người bệnh thì nhiều bệnh viện và cơ quan bảo hiểm địa phương lại cố làm sao để “an toàn” cho mình.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân phải chịu những phiền toái vì bảo hiểm. Họ từng bị yêu cầu thêm đủ các thứ giấy tờ, thậm chí cả giấy ly hôn nếu muốn mua bảo hiểm y tế tự nguyện.

Đến nay lại thêm chuyện muốn chữa bệnh thì phải có xác nhận hộ nghèo hoặc cận nghèo, dù chính sách đã rõ là người nghèo, cận nghèo được tiếp tục chữa bệnh mà không cần xác nhận.

Có người nói bên cạnh luật pháp, người làm chính sách cho người nghèo còn cần phải đặt cả trái tim vào đó. Lúc ấy chính sách mới đến gần hơn với con người, vì con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét