Cafef - Mặc dù cơ quan hành chính từ cấp trung ương tới xã chiếm chưa đầy 9% đơn vị sự nghiệp công, nhưng nguồn ngân sách chi lương cho số này lên tới 39% tổng chi lương trên toàn hệ thống.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, tỷ trọng chi thường xuyên đang quá lớn, mà tập trung chủ yếu vào chi lương, đang là một trong những nguyên nhân khiến cho chi tiêu ngân sách gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây.
Với khoảng gần 56.000 sự nghiệp công đang hoạt động nhờ vào nguồn chi ngân sách, Phó Thủ tướng cho rằng đây là con số quá lớn, tạo gánh nặng lên ngân sách. Dẫn chứng, hiện cơ quan hành chính từ trung ương đến xã chỉ chiếm chưa đầy 9%, nhưng tỷ trọng chi lương lên tới gần 39% trên toàn hệ thống.
“Thực tế này cho thấy lớn như thế nào. Nếu chỉ trông vào ngân sách thì lương thấp, chất lượng thấp và cũng không thể nâng cao chất lượng lên được. Chờ ngân sách rất khó vì đơn vị hành chính sự nghiệp nhiều quá” – Phó Thủ tướng nói.
Trước thực trạng tỷ trọng chi lương cho các đơn vị này lớn trong cân đối ngân sách và tổng chi lương, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Tài chính cần tham mưu cấp ủy chính quyền và bộ ngành đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt xấp xỉ 957.000 tỷ đồng, đạt 105% dự toán, bằng 103,1% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội. Trong đó: thu nội địa đạt 110,9% dự toán, bằng 103,1% số báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 73,1% dự toán, bằng 111,4% số báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 98,2% dự toán và số báo cáo Quốc hội.
Không thông báo rõ về số chi ngân sách của năm 2015, song theo thông tin trước đó được Bộ Tài chính báo cáo tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tổng chi ngân sách thực hiện 9 tháng ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển đạt 65,3%, chi trả nợ và viện trợ bằng 76,5%; chi thường xuyên đạt 75% dự toán.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chi ngân sách đã tăng nhanh hơn thu, chủ yếu do tăng chi thường xuyên (chiếm tới 70,5% tổng chi ngân sách). Trong 9 tháng đầu năm, tổng chi ngân sách tăng 7,8% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản (không kể các khoản chi ngoài ngân sách) tăng lần lượt 5,6% và 7,6%. Chi trả nợ (cả gốc và lãi) từ NSNN tăng 12,6% do nghĩa vụ nợ công tăng.
Trong khi đó, tỉ trọng chi đầu tư (không kể các khoản chi ngoài ngân sách) trong tổng chi ngân sách giảm xuống còn 15,6% so với 26,5% trong giai đoạn 2011-2014. Bội chi ngân sách Nhà nước được điều hành trong phạm vi Quốc hội quyết định là 226.000 tỷ đồng, tương đương 5,0%GDP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét