Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Lại đập hay không đập biệt thự 100 tỷ

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - AN NHIÊN

TTO - Đập biệt thự trên núi Hải Vân hay để lại làm du lịch tâm linh? Dư luận lần nữa lại dậy sóng vì tranh cãi xung quanh câu chuyện đập hay không đập biệt thự 100 tỷ đồng này...

Vụ xây dựng trái phép biệt thự 100 tỷ đồng trên núi Hải Vân tưởng chừng như đã được giải quyết triệt để. Nhưng không, dư luận lại được một phen dậy sóng khi vừa có thông tin tạm dừng tháo dỡ biệt thự trăm tỷ của đại gia Đà Nẵng.

Tháng 7-2015, UBND TP Đà Nẵng đã kiên quyết ra quyết định không cho tồn tại đối với biệt thự trái phép của ông Ngô Văn Quang xây dựng ở chân núi Hải Vân.

Tuy nhiên, ông Quang đã có đơn xin gia hạn tháo dỡ và thành phố chấp nhận cho phép lùi thời hạn tháo dỡ đến hết ngày 30-11.

Mới đây nhất, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo UBND quận Liên Chiểu về việc thành phố thống nhất chưa áp dụng biện pháp xử lý hành chính tháo gỡ cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Ông Ngô Văn Quang, chủ nhân biệt thự xây trái phép dưới chân núi Hải Vân (Đà Nẵng) xin được giữ lại ngôi biệt thự trị giá trên 100 tỉ đồng để làm du lịch sinh thái tâm linh.

Đã xác định là trái phép thì xử lý, sao phải chờ?

Hàng trăm bạn đọc bất bình kêu như thế trước thông tin UBND TP Đà Nẵng chờ cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định xử lý công trình xây dựng không phép của ông Ngô Văn Quang.

Theo ý kiến của nhiều bạn đọc, đây chỉ là cách hợp thức hóa công trình trái phép này. “Khu du lịch tâm linh? Vậy bây giờ cứ ồ ạt xây dựng, nếu bị phá dỡ sẽ lại lấy lý do như thế?”, bạn đọc Nguyễn Thanh Bình thắc mắc.

Các bạn đọc cũng bức xúc trước việc một đại gia làm sai mà khiến các cấp phải họp lên, họp xuống, lập tổ kiểm tra từ Hà Nội vào Đà Nẵng để giải quyết vụ việc này.

Nhiều người kêu gọi UBND TP Đà Nẵng mau chóng giải quyết vụ việc, đừng để người dân đánh mất niềm tin vào sự tôn nghiêm của pháp luật. Nếu vụ việc lần này không được giải quyết triệt để, nó sẽ trở thành một tiền lệ cho các sai phạm tương tự về sau.

Ở một khía cạnh khác, nhiều người lại cho rằng không cần thiết phải tháo dỡ công trình này vì quá lãng phí. Thay vào đó là tịch thu cho nhà nước quản lý, sử dụng làm dịch vụ du lịch hay làm công trình xã hội thì sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều.

Có phải chỉ là cách đối phó?

Bàn về cách xử lý trong trường hợp này, TS Phạm Sỹ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng nếu công trình xét về quy hoạch hay môi trường không ảnh hưởng, không sai phạm gì thì nhà nước có thể tịch thu đưa vào công quỹ

“Có thể làm công trình xã hội, công trình nhân đạo, có thể biến thành nơi nuôi trẻ mồ côi, nơi ở người già, người khuyết tật. Nếu làm vậy thì có lẽ nhân dân cũng chẳng có ý kiến gì”, TS Phạm Sỹ Liêm cho biết.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nếu chủ sở hữu vẫn là ông Ngô Văn Quang thì chẳng qua chỉ là phạt cho có rồi cho tồn tại, chẳng có tác động gì mà lại còn khuyến khích cho những người khác vi phạm.

Một chuyên gia trong ngành xây dựng tại TP.HCM cho biết lý do chưa tháo dỡ công trình này để xem xét cải tạo lại thành khu du lịch sinh thái tâm linh là không chính đáng.

“Cả hai trường hợp ông Phan Như Thạch và ông Ngô Văn Quang đều vi phạm như nhau. Nhà ông Phan Như Thạch tháo dỡ rồi mà nhà ông Ngô Văn Quang lại chưa tháo thì tính nghiêm minh của pháp luật đặt ở đâu?”- chuyên gia này phân tích.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, giảng viên khoa xây dựng ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng vấn đề ở đây là du lịch tâm linh thì ai hưởng lợi, nhà nước và nhân dân hay là ông Ngô Văn Quang?

“Tâm linh là tín ngưỡng hay là một điều gì khác? Vị trí địa lý đó trước giờ có đề cập gì về tâm linh hay chưa? Và nội dung du lịch tâm linh ở đây là gì?”- PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp đặt ra hàng loạt các câu hỏi.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp thì liệu rằng không tháo dỡ mà cho phép xây dựng khu du lịch tâm linh thì nó có thành khu du lịch tâm linh thật hay không?

“Rồi sẽ có những vấn đề về vốn đầu tư xây dựng. Như vậy đã thành khu du lịch tâm linh được chưa hay cần thêm vốn để xây dựng tiếp? Nếu không có vốn thì sao? Cứ để vậy hay là tháo dỡ? Cái gì sai thì phải xử lý chứ không thề lái nó qua một mục đích khác được. Như vậy kỷ cương pháp luật sao còn được tôn nghiêm?” - PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp nói.

Theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, cụm từ “du lịch sinh thái tâm linh” ở đây chỉ xuất hiện khi công trình bị bắt tháo dỡ chứ không phải mục đích xây dựng từ đầu. Cho nên phải chăng đây chỉ là một cách đối phó?

“Trong giai đoạn này thì việc lập lại trật tự kỷ cương là rất cần thiết khi càng ngày càng có nhiều những chuyện nhũng nhiễu. Khẩu hiệu “sống và làm việc theo pháp luật” phải được thực hiện nghiêm túc là trên xuống dưới”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp bày tỏ quan điểm của mình.

TS Nguyễn Văn Hiệp bác bỏ ý kiến cho rằng không nên tháo dỡ, có thể lấy công trình này làm của công để tiết kiệm.

“Tôi nghĩ rằng đất nước mình nghèo thì nghèo nhưng cũng không thể lấy lý do này để không xử lý triệt để những trường hợp sai phạm. Đó không phải là tiền của nhà nước, của dân, mà đó là tiền của cá nhân. Cá nhân làm sai thì phải chịu trách nhiệm không có gì là lãng phí cả”, TS Nguyễn Văn Hiệp thẳng thắn nhận định.
***

Hà Nội sẽ không nhận phần “hiến tặng” sai phép công trình 8B Lê Trực

Nhiều người dẫn lại câu chuyện tòa nhà 8B Lê Trực ở Hà Nội và ý kiến của ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Đảng bộ Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội rằng sẽ không nhận phần “hiến tặng” sai phép công trình 8B Lê Trực.

Quan điểm ông Nghị đưa ra là không thể dùng hình thức hiến tặng để đối cái sai đã xảy ra và không nên tạo ra tiền lệ nhận, sử dụng phần sai phạm của chủ đầu tư. 

“Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu nhà nước làm như vậy thì lần sau sẽ có nhà đầu tư khác làm sai” - ông Nghị nói.
***

Ở nước ngoài sẽ xử lý nghiêm

Theo các chuyên gia xây dựng, các trường hợp vi phạm tương tự xảy ra ở nước ngoài không bao giờ có chuyện bị trì hoãn, kéo dài thời gian xử lý như vậy mà sẽ bị pháp luật xử phạt rất nặng.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, các trường hợp tương tự xảy ra ở nước ngoài có khi còn bị truy ngược lại xem số tiền dùng để xây dựng biệt thự ấy ở đâu mà có, 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét