Đất Việt - Thượng đỉnh Đông Á sẽ gây sức ép với Trung Quốc về Biển Đông nhưng Bắc Kinh muốn lẩn tránh hoặc ép gạt vấn đề này khỏi nội dung cuộc họp.
Báo Kyodo News ngày 16/11 cho biết, Lãnh đạo các nước Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, New Zealand, Úc và 10 nước ASEAN sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 22/11 tới.
Đại diện 18 quốc gia sẽ tập trung thảo luận về hợp tác chống khủng bố sau loạt tấn công khủng bố đẫm máu ở Thủ đô Paris của Pháp vừa qua cũng như vấn đề Biển Đông.
Trong bản dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị mà tờ báo Nhật The Mainichi có được hôm 15/11, các nhà lãnh đạo sẽ nêu bật tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo của một số nước sẽ bày tỏ quan ngại đối với những diễn biến thời gian qua, bao gồm hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.
Trang báo này cũng cho biết, dự thảo tuyên bố chung sẽ có nội dung gây áp lực với Trung Quốc về các hoạt động cải tạo phi pháp trên Biển Đông.
Dự thảo cũng kêu gọi các quốc gia tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời hối thúc Trung Quốc và các nước ASEAN nhanh chóng đưa ra bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Phản ứng trước thông tin này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phát biểu hôm 17/11 trước báo giới cho rằng, Bắc Kinh không muốn bàn tới vấn đề Biển Đông ở Hội nghị này, Reuters đưa tin.
Trước đó, thái độ của Trung Quốc với vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị khu vực đều là né tránh hoặc ép gạt khỏi nội dung tuyên bố chung.
Tuyên bố trước khi Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương APEC diễn ra ở Philippines, Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông khẳng định:
"Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không thảo luận về vấn đề Biển Đông vì đây không phải là một chủ đề trong một diễn đàn kinh tế- thương mại".
Hôm thứ 6 tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines, Lula del Rosario khẳng định vấn đề Biển Đông sẽ không có trong chương trình nghị sự của APEC.
“Nếu quý vị đề cập về biển thì có vẻ sẽ chỉ đề cập về biển Thái Bình Dương không thôi.... Nhóm nước khu vực Mỹ Latin ở ngoài Biển Đông, làm sao quý vị có thể mong chủ tịch APEC 2016 là Peru tham gia bàn luận về vấn đề Biển Đông được?”, ông del Rosario phát biểu.
Song, Trung Quốc cũng đang có động thái giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các cuộc đàm phán song phương. Trước khi cùng tuyên bố sẽ không bàn về Biển Đông ở APEC, Trung Quốc và Philippines đã có những chuyến thăm nhằm "cải thiện mối quan hệ hai nước".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi thừa nhận trong mối quan hệ Trung Quốc và Philippines “đang bị bao vây” bởi các vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đang dự định đàm phán song phương với một loạt các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Theo trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ hôm 12/11, Tư lệnh hải quân Ngô Thắng Lợi đã lên đường thăm chính thức Malaysia và Indonesia.
Tuy vậy, tình hình Biển Đông chưa khi nào hết nóng hổi khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cũng cho biết, dù Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới có thể thảo luận về nó ở bên lề.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Barrack Obama sẽ nêu cao vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm tham sự Hội nghị APEC sắp tới, mặc kệ điều này có nằm trong nội dung hay không, Japan Today cho biết.
Ông Curtis S. Chin, một cựu Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển Châu Á ở Manila (Philippines) nhận định, trong bối cảnh nhiều nước láng giềng quan ngại về những hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy gây ra cuộc thảm sát đẫm máu tại Paris, việc APEC chỉ tập trung vào vấn đề thương mại là không thực tế.
"Không thể tách rời vấn đề kinh tế và phi kinh tế trong một thế giới kết nối như hiện nay. Sự thật là cuộc chiến chống lại IS và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc có tác động đáng kể tới sự phát triển ở khu vực Biển Đông", ông Chin nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét