NLĐO - Rác thải, sản phẩm du lịch na ná nhau, liên kết giữa các địa phương còn hạn chế… là những tồn tại làm cho du lịch ĐBSCL khó hấp dẫn khách.
Một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở ĐBSCL là chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) đang đối mặt với tình trạng người dân vô tư xả rác và phóng uế trên sông.
Ô nhiễm vây điểm tham quan
Chị Lê Minh Đức (ngụ TP HCM) trong một lần đến Cần Thơ du lịch đã bày tỏ sự không hài lòng. “Dịp lễ 2-9 vừa qua, tôi cùng gia đình đến chợ nổi Cái Răng tham quan. Đúng là cảnh buôn bán náo nhiệt trên sông làm chúng tôi rất thích thú. Tuy nhiên, du khách dễ bắt gặp cảnh những người buôn bán thức ăn trên xuồng rửa chén, bát ngay trên sông. Thậm chí, nhiều người tiểu tiện xuống dòng sông”.
Theo cơ quan chức năng, mỗi ngày lượng rác đổ xuống chợ nổi Cái Răng khoảng 1 tấn.
Gần đây, với vẻ đẹp hoang sơ, biển xanh, cát trắng…, quần đảo Nam Du (Kiên Giang) đã “hút hồn” những ai thích khám phá. Tuy nhiên, do quản lý kém, nhiều đảo ở Nam Du cũng đang đối mặt với tình trạng ứ đọng rác thải ngày càng nhiều. Chị Lê Thùy Trang (ngụ TP Cần Thơ) cho biết: “Tại cầu cảng Nam Du, nhiều người dân địa phương xách cả xô rác đổ xuống biển. Trong khi đó, sản phẩm du lịch gần như không có gì. Ở đây 3 ngày, tính cả tiền tàu xe, tôi xài chưa tới 3 triệu đồng”.
Một số bãi tắm tại “đảo ngọc” Phú Quốc (Kiên Giang) cũng đang bị rác thải bủa vây khiến du khách nước ngoài khó chịu khi tắm tại bãi Trường hay khu vực Dinh Cậu.
Sản phẩm đơn điệu
Theo nhiều du khách, do sản phẩm du lịch na ná nhau nên ở ĐBSCL, chỉ cần tham quan 1 hoặc 2 địa phương là đủ. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết từ năm 2006 đến nay, du lịch của ĐBSCL gần như không thay đổi, vẫn nghèo nàn về sản phẩm. GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, đánh giá du lịch ở ĐBSCL khó thu hút du khách trở lại vì phần lớn dựa vào cảnh quan mà ít sáng tạo thêm sản phẩm.
Trong một lần cùng đoàn công tác từ Hà Nội xuống tham quan Mũi Cà Mau, anh Võ Thanh Tùng (ngụ tỉnh Vĩnh Long) ngán ngẩm: “Khi đi, chúng tôi rất háo hức vì lần đầu tiên được đến thăm điểm cuối của Tổ quốc. Tuy nhiên, sau khi mua vé vào thì chỉ thấy rừng, chụp ảnh quanh cột mốc quốc gia. Vậy là xong. Đồ lưu niệm ở đây cũng không có gì đặc trưng”.
Tại TP Cần Thơ, được mệnh danh là Tây Đô, khách chỉ cần dành 1 ngày là tham quan hết những điểm nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy, khu du lịch Mỹ Khánh, thiền viện Trúc Lâm phương Nam…
Theo ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, do ỷ vào tài nguyên du lịch sẵn có nên nhiều địa phương không chịu đầu tư, kích cầu du lịch. “Quần đảo Nam Du đang hấp dẫn du khách. Thế nhưng, khách đến đây phải tự thuê thuyền bè để qua các đảo, ngủ nhà dân vì ngành du lịch địa phương chưa quan tâm khai thác điểm đến hấp dẫn này” - ông Dũng nêu thực trạng.
***
Du lịch sông Mê Kông phát triển chưa tương xứng
Ngày 19-11, tại Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội thảo phát triển sản phẩm du lịch đường sông khu vực sông Mê Kông. Tại đây, các nhà quản lý, chuyên gia du lịch các nước khu vực sông Mê Kông đã thảo luận về tiềm năng, hạn chế và cách khắc phục nhằm phát triển hơn nữa các sản phẩm du lịch bằng đường sông của các nước.
Nhiều nhà quản lý du lịch cho rằng du lịch đường sông hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực. Các sản phẩm du lịch đường sông còn nghèo nàn, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ, bến bãi đón khách còn thiếu… Nhiều chuyên gia du lịch cũng nhìn nhận việc liên kết phát triển du lịch đường sông của các nước khu vực sông Mê Kông còn nhiều hạn chế do vướng thủ tục hải quan. Các nước trong khu vực cũng chưa có sự liên kết cụ thể nhằm phát triển loại hình du lịch này.
B.Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét