PN - "Các bạn trẻ hãy cố gắng làm việc bằng đam mê, cố gắng mỗi ngày làm ít nhất một điều tốt" - vị Thượng tá Lê Đức Đoàn nói.
Dư luận dậy sóng với hàng loạt clip tiêu cực quay cảnh CSGT
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều clip quay lại cảnh tiêu cực của CSGT làm nhiệm vụ (bắt lỗi sai, CSGT đánh người, thậm chí có những lời đồn CSGT cấu kết với xã hội đen để răn đe người vi phạm giao thông...). Những điều trên khiến hình ảnh người CSGT mất đi phần nào sự yêu mến trong mắt người dân.
Gần nhất, đoạn clip được tung lên mạng xã hội vào chiều ngày 30/9 vừa qua, đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại lời qua tiếng lại của một thanh niên vi phạm giao thông và một CSGT tại Ngã Tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng. Đỉnh điểm cuộc nói chuyện là tiếng tri hô của người vi phạm rằng đang bị lực lượng giao thông đánh hội đồng.
Đoạn clip được chia sẻ với tốc độ chóng mặt với những bình luận trái chiều xung quanh vụ việc. Ngay sau khi có thông tin, lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã có mặt và làm việc với tổ công tác nơi xảy ra vụ việc.
Phòng CSGT Hà Nội đã xác định sự việc trên xảy ra tại chốt CSGT ở khu vực ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng. Cán bộ xử lý vi phạm là Vũ Việt Đức và người vi phạm là Nguyễn Giang Nam (22 tuổi, quê quán tại tỉnh Ninh Bình).
Anh Nam bị CSGT dừng xe xử lý với lỗi vượt đèn đỏ nhưng anh Nam không công nhận và có thái độ căng thẳng, quay lại đoạn clip trên. Hiện vụ việc vẫn được cơ quan chức năng làm rõ.
Trước đó, câu chuyện về Cảnh sát giao thông đánh người vi phạm không còn là chuyện lạ. Ngay đầu tháng 9, đoạn clip quay lại cảnh một CSGT đánh cô gái xưng vù môi vì cự cãi cũng đã được xử lý. Hay đoạn clip ghi lại cảnh CSGT Ninh Bình đánh chảy máu mũi người vi phạm...
"Hãy vì dân phục vụ"
Nói về hiện tượng trên, Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn - người CSGT trên cầu Chương Dương năm nào, rất được nhân dân yêu mến kính trọng nói:
" Mỗi chúng ta cần phải hiểu rõ: Người dân và CSGT không phải là 2 lực lượng đối kháng. Khi tham gia giao thông, mỗi người dân phải chấp hành tốt luật an toàn giao thông, trước hết là để bảo vệ bản thân, bảo vệ những người tham gia giao thông cùng mình và thể hiện một văn hóa giao thông đúng mực".
Sở dĩ dẫn đến việc ngày càng nhiều clip tiêu cực của cảnh sát giao thông được tung lên, theo Thượng tá Đoàn, nguyên nhân do giữa cảnh sát và người tham gia giao thông đã không có chung tiếng nói.
Với kinh nghiệm của một vị CSGT tâm huyết 30 năm gắn bó với công việc, được nhân dân tôn trọng và yêu mến, Thượng tá Đoàn có những chia sẻ về sự nỗ lực cố gắng từng ngày để hoàn thiện bản thân.
"Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, mỗi người chiến sĩ công an hãy nhớ "vì nhân dân phục vụ" và luôn đề cao điều đó, có như vậy người chiến sĩ ấy sẽ làm việc tốt hơn".
Để tránh những hiểu lầm không đáng có giữa người vi phạm và CSGT, Thượng tá Đoàn có những lời khuyên dành cho những chiến sĩ công an còn non trẻ:
"Hãy thực sự yêu nghề, toàn tâm toàn ý về nó. Bên cạnh đó, người CSGT phải nắm chắc luật pháp để áp dụng chính xác vào các trường hợp cụ thể.Và quan trọng nhất phải có văn hóa ứng xử, văn hóa phục vụ chuẩn mực. Có như vậy, nhân dân mới tâm phục khẩu phục"
"Hãy nhớ, khi bắt lỗi dân thì lỗi phải chính xác, qua đó, người cảnh sát ấy hãy truyền đạt cho người vi phạm một thông điệp an toàn giao thông và chúng ta học được gì từ đó"- Thượng tá Đoàn nói thêm.
"Các bạn trẻ hãy làm việc bằng đam mê, cố gắng mỗi ngày làm ít nhất một điều tốt" đó là lời cuối cùng cuộc trò chuyện mà thượng tá Đoàn muốn gửi gắm đến những chiến sĩ cảnh sát giao thông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét