Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

​Nhiều vụ báo chí nói ầm ầm nhưng đại biểu im thin thít

LÊ KIÊN

TTO - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã đặt vấn đề như trên tại Tọa đàm ngày 9-10 về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa: “Ở một số địa phương xảy ra việc này, chuyện nọ báo chí nói ầm ầm nhưng đại biểu Quốc hội ở địa phương đó lại im thin thít”.

Quan sát thực tế, ông Nghĩa thấy rằng có những chuyện xảy ra liên quan đến an ninh quốc phòng như cho thuê đất thuê rừng ở địa bàn trọng yếu, lấp sông lấp bể ảnh hưởng đến môi trường... nhưng có những trường hợp không thấy đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương đó nói gì.

“Vậy đại biểu ở tỉnh khác có quyền chất vấn ông chủ tịch tỉnh ở địa phương xảy ra sự việc đó không?” - đại biểu Nghĩa nêu câu hỏi, đồng thời đề xuất bổ sung quy định về vấn đề này.

“Đại biểu ở địa phương mà không có quyền chất vấn ông Chủ tịch huyện về việc thực thi pháp luật ở địa phương đó thì rất vô lý” - ông Lê Nam, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa lên tiếng.

Ông Nam cho rằng: “đã là đại biểu Quốc hội mà không tham gia hoạt động giám sát thì coi như đại biểu không tồn tại. Nhưng cơ chế hiện nay đại biểu đang có những hạn chế về năng lực, điều kiện phục vụ công tác giám sát, giữa đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm thì vai trò cũng rất khác nhau”.  

Trong khi đó, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng, đề nghị quy định rõ “cơ chế biểu quyết đối với kết quả giám sát”, tránh tình trạng thủ trưởng chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

“Một đồng nghiệp làm phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương tâm sự với tôi rằng, khi tổ chức cuộc giám sát thì ông và các đại biểu khác thực hiện, rồi viết dự thảo kết quả giám sát.

Đến khi trình lên ông trưởng đoàn ký thì ông ấy sửa hết nội dung, trong khi ông trưởng đoàn lại không trực tiếp tham gia đoàn giám sát” - ông Hùng cho hay.

Các đại biểu tham gia cuộc tọa đàm đánh giá cao quy định tại dự luật lần này, trong đó viết rõ “giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”.

“Trước đây giám sát là chỉ theo dõi, xem xét, đánh giá, còn bây giờ có quyền xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Quy định này nếu làm rõ được và khả thi được thì sẽ rất tốt” - ông Hùng bình luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét