(TBKTSG) - Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã bác Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử của Uber. Đây là lần thứ hai đề án của Uber không được thông qua.
Sự kiện này đặt ra nhiều vấn đề cần thảo luận về cách ứng xử của các cơ quan công quyền trước những mô hình kinh doanh mới.
Uber - phép thử đối với Chính phủ kiến tạo, phục vụ
Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện rõ quyết tâm về việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Tuy nhiên, qua câu chuyện của Uber, người viết nhận thấy dường như đội ngũ cán bộ thừa hành vẫn còn loay hoay trong việc hình thành và thực thi tư duy quản lý mới này.
Nhìn lại diễn biến trong câu chuyện giữa Uber và các cơ quan quản lý, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự lúng túng và thiếu nhất quán trong công tác quản lý của các bộ, ngành có liên quan. Cùng với đó là sự thiếu vắng những quy định pháp lý điều chỉnh riêng biệt cho hoạt động của mô hình kinh doanh kiểu Uber.
Hai năm qua, Uber vẫn hoạt động dưới hình thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của thương nhân nước ngoài không hiện diện thương mại tại Việt Nam. Các cơ quan chức năng có hàng loạt động thái cho thấy sự chấp nhận điều này. Điển hình như đưa ra phương pháp tính thuế và tiến hành thu thuế. Động thái này cho thấy Nhà nước xem hoạt động của Uber là hợp pháp, bởi Nhà nước không lý nào lại tiến hành thu thuế đối với một hoạt động kinh doanh trái pháp luật.
Hơn nữa, những cáo buộc về sai phạm của Uber đã không được làm rõ, không có kết luận chính thức và không có chế tài. Kể cả khi Uber nộp đề án kinh doanh lần thứ nhất và không được chấp thuận, Uber vẫn tiếp tục được hoạt động dù nằm ngoài chính sách thí điểm mô hình kinh doanh này mà không vấp phải sự phản đối chính thức nào từ phía Nhà nước.
Trong suốt quá trình đó, Uber đã có nhiều hoạt động đầu tư tại Việt Nam, mạng lưới đối tác ngày càng được mở rộng, gắn liền với quyền lợi của rất nhiều người dân (từ những tài xế đến hành khách).
Vì lẽ đó, việc yêu cầu Uber tạm dừng hoạt động như hiện nay không còn là câu chuyện của riêng Uber và Nhà nước nữa. Hàng ngàn tài xế đang đứng nguy cơ mất việc và gặp khó khăn với những khoản đầu tư cho phương tiện. Người tiêu dùng cảm thấy bức xúc vì mất đi một dịch vụ tiện nghi gắn với nhu cầu đi lại. Chưa kể thị trường đang đứng trước nguy cơ hình thành sự độc quyền gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Với vai trò của một Chính phủ kiến tạo, bộ máy hành pháp cần thống nhất quan điểm hành động là cung cấp các dịch vụ phát triển xã hội và ủng hộ mạnh mẽ ứng dụng tiến bộ công nghệ vào đời sống.
Chính vì vậy, với câu chuyện của Uber hoặc những trường hợp tương tự, cơ quan chức năng cần có hành động nhất quán ngay từ đầu trong việc chủ động xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu của những tiến bộ công nghệ. Dựa vào đó, đặt ra những yêu cầu cụ thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện. Điều gì chưa hoàn thiện thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện. Đồng thời, cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp phạm luật.
Chính phủ nên tham khảo kinh nghiệm của các nước. Theo đó, Uber cần được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo hài hòa quyền lợi của tất cả các bên có liên quan. Nhà nước cần đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể như: phương tiện phải được đăng kiểm, tài xế phải có giấy phép hành nghề, siết chặt quy định về cước phí, ràng buộc nghĩa vụ thuế và hỗ trợ thu thuế... Đồng thời, xử phạt nặng những vi phạm làm ảnh hưởng đến an toàn, quyền lợi người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh.
Nghĩ về câu chuyện “quốc gia khởi nghiệp”
Việc ứng xử với Uber của bộ máy hành pháp phần nào cho thấy thực trạng của các chính sách về khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Khẩu hiệu thì ủng hộ nhưng hành động vẫn còn chưa cụ thể.
Bánh xe cải cách của Chính phủ đã thật sự chuyển động với hàng loạt những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, từ việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thiểu các điều kiện kinh doanh cũng như cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho các đối tượng khởi nghiệp...
Tuy vậy, mọi chuyển động còn diễn ra quá chậm so với nhu cầu và sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay. Trong quá trình nghiên cứu và hỗ trợ pháp lý về khởi nghiệp, tôi nhận thấy các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay còn quá chung chung, mang tính khẩu hiệu và tồn tại dưới hình thức một cấu thành nhỏ trong một số chương trình.
Điển hình như chính sách ưu đãi thuế còn gắn với địa bàn và lĩnh vực, ngành nghề, làm hạn chế phạm vi hoạt động sáng tạo. Chính sách hỗ trợ tín dụng thì vô cùng khó tiếp cận. Những quy định mang tính đặc thù cho hoạt động của “nhà đầu tư thiên thần” (bỏ vốn vào các startup), quỹ đầu tư mạo hiểm chưa rõ ràng, nếu không muốn nói là thiếu. Các mô hình vườn ươm công lập thiếu cơ chế tự chủ dẫn đến không phát huy được hiệu quả. Cùng với đó là việc thể chế liên quan đến sở hữu, quyền đối với sản phẩm trí tuệ vẫn còn dang dở.
Thực trạng này nếu không khắc phục sẽ khó ươm mầm cho sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động khởi nghiệp.
Từ câu chuyện của Uber, Chính phủ nên tiến hành đánh giá lại toàn diện các chính sách về khởi nghiệp để có những cải sửa phù hợp, từ tư duy quản lý đến hành động, của toàn bộ hệ thống hành pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét