Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Đà Nẵng cấm Grab: Người dân cần được sử dụng dịch vụ tiện ích nhất

THÙY TRANG - HỮU LONG

LĐO - Việc chính quyền TP. Đà Nẵng đang ra sức cấm cản hoạt động của Grab - ứng dụng đặt xe qua điện thoại tiếp tục vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của cả người dân và các chuyên gia.

“Chúng tôi cần được sử dụng dịch vụ tiện ích nhất”

Chị Thùy Lâm, một người dân Đà Nẵng chia sẻ: “Vì lý do công việc, tôi đi lại ở TPHCM khá nhiều và thời gian gần đây thay vì đi taxi, tôi chọn Grab để di chuyển. Có một thực tế rất rõ là với những hành trình ngắn, nhiều taxi truyền thống ngại chở khách, thậm chí họ còn có thái độ cằn nhằn và “vòi tiền” khiến người đi rất khó chịu. Trong khi đó, với dịch vụ Grab, ngay khi đặt các chuyến xe, trên điện thoại đã hiện ra chiều dài đọan đường đi, số xe tài xế và số tiền phải trả. Thái độ của tài xế rất lịch sự và cũng cùng quãng đường chúng tôi chỉ mất 2/3 số tiền so với taxi truyền thống. Như vậy, người sử dụng được hưởng những dịch vụ tốt nhất, tiện ích nhất.

Tôi cho rằng, khi chính phủ đã cho phép GrabCar hoạt động và những lợi ích của nó được người dân sử dụng tại các thành phố lớn thì không lý do gì mà thành phố Đà Nẵng ngăn cấm GrabCar, thậm chí bằng nhiều cách cực đoan như cấm truy cập ứng dụng hay bắt phạt. Bên cạnh đó, hãy để doanh nghiệp cạnh tranh bằng chất lượng phục vụ, bằng uy tín và để người dân có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ tốt nhất”.

Đánh giá cao dịch vụ Grab ở sự minh bạch, anh Hoàng Minh Trung, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, nhiều người khi đến thành phố khác sẽ e ngại chuyện nhiều taxi chạy đường vòng, tính tiền cao trong khi đó với Grab tất cả những lo ngại đó được giải quyết bởi sự minh bạch. “Chúng tôi biết được quãng đường đi, số tiền phải trả. Xe của các tài xế là xe cá nhân nên thường rất sạch sẽ, chúng tôi có cảm giác như được đi xe gia đình. Chính từ chất lượng dịch vụ ấy mà đôi khi ngay trong giờ cao điểm, cước phí của Grab cao hơn taxi truyền thống nhưng tôi vẫn lựa chọn”.
Thúc đẩy taxi truyền thống thay đổi theo hướng tốt hơn

Ông Trần Nam, người dân Đà Nẵng nhận định, Grab là 1 trong những ứng dụng thúc đẩy các hãng taxi truyền thống phải thay đổi từ chất lượng phục vụ đến việc áp dụng công nghệ vào vận hành dịch vụ, tiến đến việc minh bạch ngày càng cao hơn, đưa lại dịch vụ tốt nhất cho hành khách. Đặc biệt, TP Đà Nẵng đang hướng tới việc xây dựng chính quyền điện tử thân thiện với người dân. Vì vậy, thay vì "ngăn chặn, cấm", các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp.

Thực tế, trước khi có mặt tại Đà Nẵng, Grab – hệ thống ứng dụng đặt xe qua điện thoại đã có mặt tại Việt Nam gần 3 năm qua và phát triển mạnh tại Hà Nội, TPHCM. Với những tiện ích về giá cả, chất lượng dịch vụ và minh bạch thông tin là những điều khiến người dân và du khách ở các nơi đón nhận dịch vụ này. Vậy việc chính quyền Đà Nẵng cấm cản Grab đang ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng mà ở đây là người dân và du khách.

Có biểu hiện sai luật

TS. Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng khoa Luật Trường đại học Tôn Đức Thắng - TP.HCM chia sẻ: "Theo quan điểm của tôi, văn bản của Ban ATGT TP. Đà Nẵng không có cơ sở pháp lý bởi để chặn ứng dụng nào đó của doanh nghiệp đã được phép hoạt động trên Internet thì chỉ khi ứng dụng hay doanh nghiệp này có hành vi vi phạm pháp luật như: Đưa thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đưa thông tin chống đối nhà nước hay vi phạm đến uy tín tổ chức, cá nhân… Trong khi đó, chúng ta chưa thấy Grab có bất kì hành vi nào như vậy.

Thậm chí, trong trường hợp TP. Đà Nẵng dùng các biện pháp ngăn chặn quyền truy cập vào ứng dụng này còn vi phạm nghiêm trọng đến quyền của cá nhân người dân, vì chính người dân là người được hưởng lợi từ ứng dụng này.

Bên cạnh đó, Ban ATGT TP. Đà Nẵng không có cơ sở gì đề nghị Công an kiểm tra một tài xế đang chạy trên đường nếu người này không có hành vi vi phạm pháp luật. Tôi đặt trường hợp nếu ngành chức năng Đà Nẵng kiểm tra điện thoại của một tài xế taxi để chứng minh người này sử dụng ứng dụng GrabCar “chui” thì điều này còn vi phạm hiến pháp.

Riêng với việc TP. Đà Nẵng xin tạm thời không thí điểm Grab thì nếu chưa có văn bản của Bộ GTVT về việc thống nhất với chủ trương trên văn bản của Bộ về việc cho phép thí điểm Grab tại 5 tỉnh thành phố, trong đó có Đà Nẵng vẫn có hiệu lực.

Chúng ta cũng cần lưu ý, Bộ GTVT trước đó cho phép thí điểm GrabCar tại Đà Nẵng thì cũng đồng nghĩa với việc cho phép ứng dụng này hoạt động. Và trên thực tế vẫn chưa có một lệnh cấm nào về việc hoạt động của GrabCar tại Việt Nam. Tinh thần của hiến pháp là người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Căn cứ những gì diễn ra trong thực tế tại Đà Nẵng, tôi nhận định trong trường hợp này luật pháp không được tôn trọng. Bởi lẽ TP. Đà Nẵng chưa đưa ra được một cơ sở pháp lý mà cụ thể là điều, luật nào mà GrabCar vi phạm để chính quyền tiến hành ngăn cản GrabCar hoạt động.

Quan trọng nhất, đề cấm một cá nhân, doanh nghiệp nào hoạt động thì chúng ta phải có một văn bản pháp luật quy định cá nhân, doanh nghiệp không được hoạt động trong một lĩnh vực nhất định. Tại Đà Nẵng đến giờ phút này theo tôi biết vẫn  chưa có một văn bản pháp luật hay quyết định nào của UBND TP. Đà Nẵng cho rằng hoạt động của GrabCar tại Đà Nẵng là trái luật hết. Như vậy, những văn bản của các ngành chức năng Đà Nẵng đưa ra trong thời gian qua đều không phải là một văn bản pháp lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét