(PL)- TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thạnh vụ án “Cướp giữa đàng, bị quàng vào cổ” hay còn gọi là vụ “Đi đón vợ, bị quy tội cướp”.
Đây là vụ án được coi là “bị bắt quả tang, chứng cứ rõ ràng” nhưng trong quá trình điều tra lại bị đảo chiều, không như mong muốn của cơ quan tố tụng quận Bình Thạnh.
Ngay từ đầu bị cáo Bùi Minh Lý kêu oan và cho rằng mình bị bắt nhầm khi đang đi đón vợ. Lý bị “bắt quả tang” khi đang tà tà chạy xe máy đi đón vợ rồi bị buộc cướp giật dây chuyền của chị Nguyễn Thị Tâm. Việc bắt người “phạm tội quả tang” trong trường hợp này hoàn toàn sai luật. Biên bản phạm tội quả tang vi phạm nghiêm trọng thủ tục như không thu tang vật là sợi dây chuyền, không thu giữ những vật dụng của người bị bắt như mũ bảo hiểm, chiếc khẩu trang, không trưng cầu giám định dây chuyền. Và đặc biệt, biên bản này không đọc lại cho anh Lý nghe. Chứng cứ quan trọng như vậy lại được lập một cách qua loa, không tuân thủ các quy định của BLTTHS. Cả VKS và HĐXX cấp sơ thẩm đều thừa nhận là sai nhưng cả viện và tòa đều nói: “Không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án”!
Anh Lý có nhân thân quá tốt: đang là bí thư Xã đoàn Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, Long An, là đảng viên, từng giữ chức phó ban chỉ huy quân sự xã… Ấy thế nhưng TAND quận Bình Thạnh nhận định như vầy: Dù là bí thư đoàn, có nhiều giấy khen nhưng không chí thú làm ăn lương thiện và dù có tiền hay làm chức vụ gì đi nữa, khi gặp tài sản của người khác cũng sẽ nảy sinh lòng tham mà cướp giật (!?).
Trời đất! Nhận định kiểu này thì chẳng khác nào quy chụp bất cứ ai làm chức vụ gì mà thấy tài sản của người khác cũng nảy sinh lòng tham và… cướp giật! Quy chụp kiểu này không biết quý tòa có lộng ngôn không?
Để kết án anh Lý, tòa sơ thẩm còn cho rằng do lần đầu đi cướp, không rành đường ở TP nên khi gặp các khúc cua, Lý không thể tăng ga được và bị bắt là điều hiển nhiên. Cái điều hiển nhiên mà tòa gán cho anh Lý cứ như thẩm phán là ông thánh sống ấy! Căn cứ vào đâu mà tòa lại nói anh Lý không rành đường ở TP, trong khi tuần nào anh cũng từ Long An lên TP.HCM đón vợ và về lại trên con đường quen thuộc này.
Anh Lý rất có lý khi cho rằng nếu anh đi cướp thì khi bị đuổi anh chẳng dại gì chạy xe tà tà với tốc độ 20-30 km/giờ để bị bắt cả. Vậy mà tòa không tin, lại đi suy luận do không biết đường nên mới chạy chậm. Nói luôn nè: Thằng cướp chỉ cần nó thấy phía trước có đường là nó tăng ga chạy bán sống bán chết, chạy cho đến khi cùng đường bị bắt thì thôi. Chẳng có thằng cướp nào ngu đến nỗi vì không rành đường mà chạy tà tà để bị bắt cả.
Tại tòa, HĐXX còn hỏi: “Tại sao bị cáo không đi đường khác gần hơn?”! Sao lại cứ phải đi đường khác, trong khi anh Lý đã giải thích rằng do không rành đường nên hằng tuần đi đón vợ anh chỉ đi theo lộ trình quen thuộc. Một người ở Long An đã không thuộc đường trong TP thì đi đường nào cho dễ nhớ là chuyện bình thường, sao cứ phải vặn vẹo tréo ngoe như vậy?
Lý trước sau khẳng định: “Hôm xảy ra vụ cướp tôi không đội mũ bảo hiểm sẫm màu mà đội mũ bảo hiểm màu trắng có đường viền màu xanh do đại hội đoàn trao tặng”. Trong khi đó, người bị hại lại khẳng định kẻ giật dây chuyền của mình là người đội mũ bảo hiểm sẫm màu. Vậy tại sao tòa không suy luận tên cướp là người khác chớ không phải Lý mà lại đi suy đoán theo kiểu võ đoán rồi kết án bị cáo bằng những chứng cứ vu vơ, theo kiểu “không phải mày thì ai”!
Tại phiên phúc thẩm, người bị hại và các nhân chứng đều vắng mặt, còn anh Lý vẫn khẳng định mình không phạm tội. Đại diện VKS nhận định tòa sơ thẩm tuyên bị cáo có tội chỉ căn cứ vào các chứng cứ gián tiếp, chưa khách quan. Lời khai của người bị hại và người làm chứng có rất nhiều mâu thuẫn nên chưa đủ cơ sở chứng minh Lý phạm tội. Tòa án cấp phúc thẩm cũng đồng ý với kết luận này của VKS và cho rằng tòa sơ thẩm tuyên bị cáo có tội là mang tính quy chụp…
Thế nhưng thay vì phải tuyên bị cáo không phạm tội, tòa này lại thận trọng quá mức nên chỉ tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Phán quyết này không theo tinh thần cải cách tư pháp và ý kiến chỉ đạo đúng luật của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình: “Nếu không đủ chứng cứ thì phải tuyên bố bị cáo không phạm tội”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét