LĐO - Trong hai ngày 29 và 30.9, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại hình ảnh thử nghiệm của một gia đình sống tại TPHCM, khi rang gạo thì phát hiện những hạt gạo giống như những hạt nhựa kết dính lại với nhau. Thông tin về gạo lạ này đang gây xôn xao trong người dân. PV Báo Lao Động đã đi tìm hiểu về những thông tin này.
Bỏ cơm sau khi ăn gạo nghi làm từ hạt nhựa
Ngày 30.9, phóng viên Báo Lao Động đã có buổi trao đổi với chị T.H.P.Đ, chị Đ xác nhận, clip ghi lại quá trình thử nghiệm rang gạo nghi làm từ hạt nhựa đang gây sốt trên cộng đồng mạng là do gia đình chị thực hiện. Chị T.H.P.Đ cho biết đã không dám ăn cơm sau khi phát hiện sự bất thường từ loại gạo mà cả gia đình đã ăn mấy ngày qua: “Cả gia đình tôi đang rất hoảng sợ, không biết bám víu vào đâu”.
Chị kể lại, cách đây khoảng 4 ngày, chị Đ có mua 20kg gạo ở một cửa hàng bán gạo nhỏ nằm ở hẻm 541 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận - nơi gia đình chị đã mua nhiều năm nay. Tuy nhiên, 3 ngày nay, khi nấu bằng gạo mới, cơm chỗ sống chỗ chín. Trùng hợp là thời điểm này, gia đình chị sử dụng một nồi cơm điện mới nên gia đình cứ nghĩ do nồi cơm điện “hiện đại quá, chưa biết cách nấu” nên cơm bị sống. Đến trưa ngày 29.9, gia đình đổi sang nấu bằng một nồi cơm điện khác, thì cơm chín và gia đình ăn cơm bình thường. Khi ăn được nửa bữa, mọi người trong gia đình nhai trúng vài hạt bất thường trong cơm.
“Khi đó, gia đình mang gạo ra kiểm tra thì phát hiện gạo có trộn lẫn một số hạt giống như hạt nhựa. Sau đó, chúng tôi quyết định rang thử một số gạo này. Khi rang thì gạo chuyển màu vàng như gạo bình thường. Nhưng một lúc sau, gạo bắt đầu bốc mùi cháy khét rất nồng nặc, khó chịu, không giống như gạo thông thường. Rang khoảng 4-5 phút, gạo bắt đầu kết dính lại với nhau bằng một chất kết dính màu hơi óng ánh. Không tin vào mắt mình, tôi có nhờ một người bạn mang 1kg gạo cũng 20.000 đồng/kg, đem về rang lên để đối chứng thì thấy gạo này chuyển màu, có mùi thơm của gạo, rang 4-5 phút thì gạo không kết dính dù có màu đen giống như gạo nhựa mà tôi đã thử rang trước đó” - chị Đ kể tường tận sự việc.
“Làm gì có chuyện gạo giả”?
Khi chúng tôi tìm đến đại lý bán số gạo trên cho gia đình chị T.H.P.Đ nằm trong hẻm 541 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, hai người chủ đại lý là bà Hằng và bà Huệ xác nhận đúng là đã bán 20kg gạo giá 20.000 đồng/kg cho gia đình chị Đ. Tuy nhiên, bà Hằng và Huệ tỏ ra rất bức xúc: “Chúng tôi bán gạo từ năm 1982 - hơn 20 năm nay, chưa bao giờ có chuyện gạo giả cả. Gạo bằng nhựa chỉ là bịa đặt”.
Bà Hằng cho biết, gạo nhà bà bán được lấy từ một đại lý ở quận 8, TPHCM. Tuy nhiên, bà không trực tiếp đến lấy mà đại lý này gửi mẫu gạo qua cho bà xem trước. Khi bà ưng ý, đại lý mới chở gạo qua để gia đình bán. Do đó, bà hoàn toàn không biết địa chỉ chính xác đại lý phân phối: “Cách đây 5 ngày, nhà tôi có lấy 5 bao gạo cùng loại bán cho gia đình nhà Đ. Cả 5 bao giờ đã bán hết sạch. Mấy nhà khác ăn đều bình thường, chỉ có chị Đ mang gạo qua mắng vốn. Tôi giận quá, nấu thử cơm cho cả nhà ăn, cơm bình thường như cô thấy đấy”.
Trao đổi với báo Lao Động chiều 30.9, tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan - Khoa Hóa Lý ứng dụng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, nếu là gạo rang thì không thể có sự kết dính vào nhau như trong clip thử nghiệm mà gia đình thực hiện. Nếu gạo được trộn với nhựa thì chắc chắn khi gặp nhiệt độ cao sẽ có giai đoạn chuyển tiếp là tan chảy. Tuy nhiên, theo quan sát, gia đình đã rang bằng loại chảo chống dính. Đây là loại chảo được tráng một lớp chống dính. Nếu chảo không đủ chất lượng, khi đưa vào nhiệt độ quá cao, lớp chống dính này có thể tan chảy.
Bên cạnh đó, giả thiết gạo giả cũng không logic với quy luật thị trường. Việc làm ra được gạo giả không hề dễ. Dù được làm bằng vật liệu nào đi chăng nữa thì giá cũng không thể rẻ hơn giá gạo được bán ngoài thị trường.
Tiến sĩ Lan cho rằng, hiện nay, việc phát hiện gạo giả rất dễ dàng. Người dân nếu nghi ngờ gạo giả có thể mang đến Trường Đại học Khoa học Tự nhiên để chứng minh thành phần. Mẫu gạo sẽ được đưa vào máy phân tích nhiệt với một nhiệt độ cao. Qua quan sát sự phân hủy của mẫu gạo có thể kết luận được thành phần có lẫn tạp chất khác hay không.
***
Giá gạo VN rất rẻ nên làm giả không có lợi về kinh tế
TS Đàm Minh Sô - Trưởng phòng Nghiên cứu cây lương thực - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng, đứng ở góc độ nhà khoa học chúng tôi phải kiểm chứng cụ thể mới có kết luận đó là gạo thật hay giả. Tôi đã có thời gian nghiên cứu về lúa gạo hơn 20 năm nay, mỗi ngày tiếp xúc với hàng chục mẫu gạo được doanh nghiệp và các tỉnh gửi đến nhưng chưa khi nào gặp trường hợp gạo giả làm bằng nhựa như thông tin clip đăng trên mạng. Tuy nhiên, theo tôi khi có thông tin trên mạng chúng ta sẽ phải kiểm chứng cụ thể bằng việc lấy mẫu để kiểm tra xác định cho rõ thật giả. Khi báo Lao Động có mẫu gạo được cho là làm bằng nhựa thì gửi gấp tới viện, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và có kết luận sớm.
l PV đã liên hệ với đại lý gạo nằm trên đường Ba Đình, P.9, Q.8 (được cho là đã bán gạo lại cho đại lý ở hẻm 541 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, mà gia đình chị Đ đã mua) để tìm hiểu. Bà B.E (chủ đại lý gạo Q.8) cho biết, gạo của đại lý được mua từ các vựa gạo ở Tiền Giang. Đ.HẢI ghi
l Giữa năm 2015, tờ The Star (Malaysia) đưa tin gạo giả làm bằng nhựa độc hại của Trung Quốc đã thâm nhập vào các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, đe dọa tính mạng người tiêu dùng. Theo các nhà khoa học cách thử “gạo nhựa Trung Quốc” rất đơn giản mà bất cứ người dân nào cũng có thể thực hiện được như: Cho gạo lên chảo rang dưới ngọn lửa to. Nếu là gạo giả thì sẽ nóng chảy ra, còn gạo thật thì sẽ chín thơm. Cách nữa đó là lấy 1 chậu nước, cho gạo vào ngâm. Gạo thật sau một thời gian sẽ trương nở, còn gạo giả thì không mà nổi lên mặt nước. T.L
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét