VNN - Chỉ khi xây dựng được một chính sách hỗ trợ phát triển khoa học thật đồng bộ, thực chất và hiệu quả, chúng ta mới khuyến khích người lao động nói chung, các nhà khoa học nói riêng làm việc hết sức phụng sự Tổ quốc.
Cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với 70 nhà khoa học trẻ hôm 11/9 có thể nói là một cơ hội rất tốt để họ bày tỏ với người đứng đầu Chính phủ về khát vọng cống hiến, lẫn những khó khăn.
Làm “nóng” buổi gặp mặt là phần trình bày và đối thoại của TS. Nguyễn Bá Hải (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) chiếm tới 30 phút của chương trình. Còn nhớ, cách đây chừng một năm, tôi từng theo dõi chương trình truyền hình về đề tài sản xuất "mắt thần" dành cho người khiếm thị của chàng trai này.
Dự án phi lợi nhuận của Bá Hải sau 4 năm nghiên cứu với 9 lần cải tiến, phiên bản 2 của sản phẩm đã được hoàn chỉnh, tính khả thi rất cao. Theo Bá Hải, dự án có thể giúp 300.000 người mù ở nước ta "nhìn thấy" đường đi nếu được hỗ trợ 2 triệu đồng/ máy để sản xuất đại trà. Sau khi nghe Bá Hải trình bày, Thủ tướng giao ngay nhiệm vụ cho Bộ KHCN và Trung ương Đoàn Thanh niên cùng xắn tay tháo gỡ, đồng ý hỗ trợ tức thì số kinh phí 1 triệu đô la.
Đây là một may mắn với Nguyễn Bá Hải, bởi anh gặp được Thủ tướng trực tiếp để trình bày. Nhưng nhìn rộng ra, trên đất nước ta, liệu còn biết bao đề tài KHCN và KHXH giá trị chậm được triển khai vì vướng mắc hoặc bị "đắp chiếu"? Bao nhiêu chủ nhân của những đề tài này có dịp gặp các lãnh đạo cấp cao để trình bày và được hỗ trợ để sản phẩm nhanh chóng đi vào đời sống như TS Bá Hải?
Làm sao để nhà khoa học dấn thân?
Một bài báo tôi đọc gần đây cho biết, năng suất lao động của chúng ta trong lĩnh vực đóng tàu biển kém Hàn Quốc đến 35 lần. Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ. Không đuổi kịp các nước về công nghệ thì làm sao xuất khẩu nổi sản phẩm.
KHCN đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, kinh tế đất nước ra sao ai cũng rõ. Vậy mà, chất xám của chúng ta cứ ngày một rơi rụng. Nhiều nhà khoa học được đào tạo ở nước ngoài mong muốn về nước cống hiến, nhưng một số không nhỏ chọn ở lại, vì nhiều yếu tố môi trường, văn hóa làm việc ở Việt Nam không cho họ đủ niềm tin.
Chẳng hạn, tôi đặc biệt chia sẻ với ông Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư Y khoa tại Australia. Trong một bài báo trên Tuần Việt Nam, ông lý giải hàng loạt lý do khiến các nhà khoa học trẻ ngần ngại quay về. Trong đó, một mối lo lớn là đối phó tình trạng "hậu duệ, quan hệ" mà dư luận hay đề cập. Tôi xin bổ sung, ở Việt Nam, không có được 2 thứ kia thì sẽ phải lo chuyện "tiền tệ", nghĩa là phải có "hậu tạ" thì mới mong xong việc. Điều này cũng không xa lạ gì.
Trong khi đó, những người trẻ dấn thân thật sự cho khoa học, họ rất ghét, rất xa lạ với cả 3 thứ trên. Chừng nào vẫn còn những hiện tượng kiểu như "cả họ làm lãnh đạo huyện" mà báo chí, dư luận xôn xao mấy ngày qua, thì sự nản lòng là không khó hiểu.
Rồi chính sách đãi ngộ cũng là một câu chuyện dài. Được biết, tại cuộc gặp mặt lần này, có những nhà khoa học trẻ bằng sáng kiến của mình, đã tiết kiệm cho doanh nghiệp họ hàng chục tỷ đồng như kỹ sư Nguyễn Văn Huyên (ở MobiFone), hàng trăm tỷ đồng như kỹ sư Lưu Mạnh Hà (ở Viettel)... Chắc hẳn, họ sẽ được doanh nghiệp trích thưởng xứng đáng vì đây đều là những "đại gia" làm ăn hiệu quả.
Nhưng từ những gì tìm hiểu, tôi được biết số doanh nghiệp làm tốt việc này chưa thật nhiều. Nếu đó là DNNN hoặc có vốn góp của Nhà nước, thì cơ chế thưởng cũng bị hạn chế bởi rất nhiều khi doanh nghiệp lãi thấp, dẫn đến có thể thưởng chưa tương xứng.
Đó là việc thưởng sáng chế, sáng kiến trong khoa học công nghệ tại doanh nghiệp. Còn vấn đề lương, ngạch, bậc tại các viện khoa học, trường đại học mang tính nghiên cứu, hàn lâm, cơ chế đãi ngộ qua lương chắc còn “kẹt” hơn nữa?
Hồi đầu năm nay, một PGS tại khoa Nông nghiệp một trường đại học cho biết trên báo chí là dù đã được phong hàm PGS, nhưng lương anh chỉ bằng 1/2 học trò của anh vừa ra trường đi làm ở doanh nghiệp. Anh phải tính chuyện làm thêm để nuôi gia đình và có đủ điều kiện đeo đuổi sự nghiệp khoa học.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều khoản của Luật Giáo dục đại học, trong đó mục 2, điều 8 ghi rõ: "Chức danh PGS được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp. Chức danh GS được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương đương chuyên gia cao cấp".
Nhưng (vẫn là “nhưng”) thực tế, không phải các cơ sở, địa phương đều thực hiện nghiêm túc Nghị định của Chính phủ. Đó là chưa kể, không ít trường hợp mặc dù đã được Nhà nước trao giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn phong chức danh GS, PGS, nhưng nếu đơn vị chủ quản không có quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm, thì xem như cũng chẳng hơn gì so với khi chưa được phong hàm. Những hiện tượng kiểu này sẽ gây nản lòng người làm khoa học muốn hết mình vì công việc.
Để thu hút nhân tài, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở động viên, ghi nhận và biểu dương chung chung, hoặc phát hiện ra bất cập nào thì chỉnh sửa việc đó. Việc mỗi địa phương, ngành, tuỳ theo điều kiện kinh tế có cách "chiêu hiền đãi sĩ" riêng cũng là cách làm chắp vá. Tôi cũng không tán thành việc các cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước hễ thấy ngành nào “kêu khổ” nhiều thì sẽ điều chỉnh lại lương bằng cách tăng thêm phụ cấp, chẳng khác nào "con khóc mẹ cho bú".
Đã tới lúc Nhà nước cần đề ra những chính sách, chế độ "chiêu hiền đãi sĩ" thật căn cơ và minh bạch để mời gọi nhân tài về làm việc. Chỉ khi xây dựng được một chính sách hỗ trợ phát triển khoa học thật đồng bộ, thực chất và hiệu quả, chúng ta mới khuyến khích người lao động nói chung, các nhà khoa học nói riêng làm việc hết sức mình phụng sự Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét