Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Nếu tỉnh nào cũng ra “lệnh” uống bia…

Đức Toàn

Năng lượng Mới - Bia rượu vốn là đồ uống không được nhà nước khuyến khích tiêu dùng, cũng hạn chế quảng cáo. Thế mà có địa phương lại ra công văn chỉ thị hẳn hoi yêu cầu các cơ quan, ban ngành đoàn thể và toàn dân tăng cường uống bia. Đúng là chuyện lạ đời!

Nơi ra những “lệnh” ấy chính là tỉnh Hà Tĩnh.

Chuyện uống bia rượu tràn lan vốn đã trở thành vấn nạn phổ biến khắp nơi, gây ra biết bao thảm cảnh chết người, tù tội, khuynh gia bại sản trong những năm qua. Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành và nhiều địa phương đã phải ra văn bản cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, trong lúc lái xe. Bộ Y tế còn soạn thảo văn bản quy định hạn mức sử dụng rượu bia tối đa cho mỗi người một ngày được mấy “đơn vị”. Vậy mà bây giờ, ở Hà Tĩnh, UBND tỉnh ra chỉ thị cho cán bộ, nhân dân tăng cường sử dụng bia là đi ngược lại những quy định của các cơ quan chức năng nhà nước ban hành từ trước tới nay.

Ngay sau dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi ngay giấy mời lãnh đạo chủ chốt trong tỉnh, các huyện, ngành tham gia chương trình lễ hội "Tôi yêu bia Sài Gòn" được tổ chức vào ngày 5-9-2015 tại sân vận động của tỉnh. Giấy mời do ông Lê Minh Đạo, chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh ký có nội dung: “Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động và Chỉ thị số 48 TU/CT ngày 12-8-2015 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường thực hiện cuộc vận động…”

Về mặt hình thức thì Hà Tĩnh đã khôn khéo lấy “cái mũ” cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị phát động. Nghĩa là tỉnh triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị!? Nhưng thực chất nội dung mà tỉnh nhắm tới lại là chỉ đạo cho các cơ quan, ban ngành và nhân dân toàn tỉnh tăng cường uống bia!

Bia mà tỉnh Hà Tĩnh nói cụ thể trong các công văn chỉ thị là các loại bia Sài Gòn, sản phẩm của một công ty bia Sài Gòn có nhà máy đặt tại Hà Tĩnh. Thành phần được UBND tỉnh mời gồm tất cả các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch và các phó chủ tịch tỉnh, Chủ tịch UBMTTQVN, Giám đốc và thủ trưởng các sở ban ngành; Thường trực Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy và lãnh đạo UBND các thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh…

Giấy mời còn ghi rõ: “Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động…do Bộ Chính trị phát động và chủ trương ưu tiên sử dụng hàng hóa sản phẩm sản xuất trong tỉnh; đề nghị các đại biểu tham gia đầy đủ và đúng thời gian nêu trên”.

Cấp trên đã có “trát” xuống như thế, cán bộ nào không chấp hành, không đi uống bia?

Chẳng phải ngẫu nhiên và cũng không phải tùy hứng mà ngày 5-9 vừa qua mới có lễ hội bia như vậy. Chuyện khuyến khích uống bia ở Hà Tĩnh đã có từ vài năm trước. Từ 20-9-2013, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công văn số 3434 “về việc ưu tiên sử dụng các hàng hóa, sản phẩm trong tỉnh”. Và sau đó là một kế hoạch tiếp thị các sản phẩm trong tỉnh, đặc biệt nhất là bia Sài Gòn. Thực hiện CV số 1671/UBND-VX ngày 18-4-2014 của UBND tỉnh về sử dụng Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, Sở VHTT&DL cũng ban hành Văn bản số 382 (ngày 10-6-2014) đề nghị các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh “ưu tiên sử dụng sản phẩm Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh”

Đến tháng 8-2014, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự còn xuất hiện trên báo Hà Tĩnh với hình ảnh đang tặng một thùng bia Sài Gòn cho ngư dân Nguyễn Văn Yên ở xã Thạch Long.

Tỉnh đã chỉ đạo như thế thì các sở, ban ngành của tỉnh cũng phải có kế hoạch triển khai rầm rộ bằng văn bản và các hướng dẫn chi tiết. Tháng 8-2014, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng đã ký và ban hành văn bản “đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn trên địa bàn huyện”. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị trong các cuộc hội thảo, hội nghị, tiếp khách; các chủ nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ…phải ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh. Như vậy là ở Hà Tĩnh, việc chỉ đạo, hướng dẫn dùng bia đã trở thành hệ thống quy củ, nền nếp từ hai năm nay. Việc làm này đã phạm phải hai cái sai. Một là phạm vào quy định của nhà nước về việc cấm sử dụng bia rượu trong giờ hành chính và hạn chế sử dụng bia rượu trong những buổi liên hoan, tiếp khách. Hai là vi phạm Luật cạnh tranh bởi Luật cạnh tranh không cho phép các cơ quan nhà nước đưa ra các chỉ thị, yêu cầu hướng dẫn nhằm “lái” người tiêu dùng sử dụng hàng hóa của một đơn vị nào đó.

Vì tỉnh đã chỉ thị nên cấp dưới cũng “té nước theo mưa”, tận dụng mọi cơ hội để uống được nhiều bia, ủng hộ tỉnh tăng thu nhập. Tình trạng cán bộ, công nhân viên uống rượu, bia trong giờ hành chính và các buổi trưa ngày làm việc vẫn diễn ra ở một số cơ quan, trong đó có Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi T.P Hà Tĩnh.

Ngày 25-8, Cổng thông tin điện tử huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh có đăng “Công văn về việc đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm Bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại Kỳ Anh” do Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bổng ký.

Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế khẳng định: Cách thức đưa ra văn bản như trên không đúng với tinh thần của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bà Lan cho rằng, bản chất của cuộc vận động là vận động, khuyến khích tinh thần của người Việt Nam nói chung ủng hộ cho sản xuất của mình, chứ không phải nghị quyết hay chỉ thị nào bắt buộc đối với bất kỳ đơn vị nào. Cơ quan Nhà nước không thể ra văn bản theo kiểu bắt buộc, mệnh lệnh; lại càng không thể hướng dẫn vào một sản phẩm có tên cụ thể là bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim. Bà Phạm Chi Lan phân tích rõ hơn: “Nếu có doanh nghiệp khác cũng sản xuất bia thì chắc chắn họ sẽ phản ứng vì UBND huyện ra văn bản như thế là không công bằng. Nhưng nếu trên địa bàn huyện Kỳ Anh chỉ có hãng bia Sài Gòn đặt ở đấy thôi thì văn bản của huyện cũng không đúng với các doanh nghiệp khác ở địa bàn tỉnh”.

Nếu cứ theo cách làm của Hà Tĩnh thì có lẽ Hà Nội phải ra chỉ thị cho thủ đô chỉ uống bia Hà Nội, Thừa Thiên Huế phải uống bia HUDA, TP Hồ Chí Minh chỉ dùng bia 333 và bia Sài Gòn…Lối tiếp thị cục bộ địa phương ấy coi như loại trừ, vô hiệu hóa các hãng bia khác đang được sản xuất tại Việt Nam và vi phạm Luật cạnh tranh, thủ tiêu sự công bằng trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chính quyền địa phương có chức năng chỉ đạo phương hướng sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ cấu kinh tế của tỉnh, huyện mình chứ không thể ra văn bản chỉ đạo tiếp thị sản phẩm. Thế nhưng Hà Tĩnh cứ vô tư làm một mình một kiểu, chẳng giống ai.

Vì vậy, sai phạm khi ra lệnh uống bia ở Hà Tĩnh đã quá rõ. Hy vọng tỉnh này sớm nhận ra những cái sai của mình để khẩn trương hủy bỏ.
***

Theo cục y tế dự phòng, với mức tiêu thụ bia hơn 3 tỷ lít, Việt Nam đang trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc. Thống kê từ Điều tra quốc gia vị thành niên Việt Nam 2009 cho biết 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia dẫn đến các chấn thương, hơn, 1/5 các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam có nguyên nhân sử dụng chất có cồn. Đồ uống có cồn là nguyên nhân lớn nhất gây ra khoảng 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Trên 40% vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam do chủ phương tiện sử dụng bia rượu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét