Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Dự án thép tỷ đô ở Dung Quất chính thức phá sản

An Nhiên (Tổng hợp)

Đất Việt - Tập đoàn E-United, chủ đầu tư của dự án thép Guang Lian, đã chính thức có văn bản thông báo việc không thể thu xếp tài chính cho dự án.

Thông tin trên được báo Đầu tư dẫn nguồn từ Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) cho biết. Theo Ban Quản lý, trước mắt sẽ chấm dứt thực hiện dự án. Ban Quản lý sẽ hỏi ý kiến các bộ, ngành để tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc thu hồi dự án này.

Như vậy, dự án thép Guang Lian đã chính thức phá sản dù các thủ tục cuối cùng vẫn chưa được thực hiện.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2006, dự án thép Guang Lian có số phận khá long đong. Khởi đầu dự án này do Công ty Tycoons của Đài Loan (Trung Quốc) đề xuất với công suất dự kiến 5 triệu tấn thép/năm, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.

Không lâu sau đó, dự án có thêm nhà đầu tư mới là Công ty E-United. Hai nhà đầu tư đến từ Đài Loan này nâng vốn cam kết của dự án lên 3,3 tỷ USD nhưng vẫn giữ công suất như cũ và đổi tên thành dự án Nhà máy Thép Guang Lian. Theo giấy phép đầu tư, E-United trở thành nhà đầu tư chính nắm quyền chi phối dự án với tỷ lệ vốn góp lên đến 90%, Tycoons chỉ góp 10%.

Năm 2011, hai nhà đầu tư tiếp tục xin điều chỉnh quy mô công suất nhà máy từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn thép/năm; đồng thời vốn đầu tư cũng tăng lên thành 4,5 tỷ USD. Đề xuất này của nhà đầu tư đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc nhưng Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất chưa cấp lại giấy chứng nhận đầu tư vì nhà đầu tư chưa chứng minh được khả năng thu xếp vốn cho dự án.

Mất một khoảng thời gian khá dài, việc thu xếp vốn của E-United gần như bế tắc thì đầu năm 2012, dự án này được tập đoàn JFE (Nhật Bản) “để mắt” tới. JFE được đánh giá là tập đoàn sản xuất thép lớn trên thế giới, có năng lực tài chính, công nghệ, và kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép.

Tháng 4/2012, tập đoàn JFE cùng E-United đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác; theo đó JFE sẽ nghiên cứu tính khả thi của dự án, xác nhận các vấn đề liên quan đến thiết bị, sản phẩm, cơ sở hạ tầng, điều kiện ưu đãi đầu tư... trước khi quyết định đầu tư. Tuy nhiên, sau khoảng hai năm nghiên cứu, đến tháng 9/2014 JFE chính thức thông báo không tham gia đầu tư vào dự án.

Sau khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) tuyên bố dừng xem xét đầu tư vào dự án thép Guang Lian, nhà đầu tư lớn còn lại là E-United đã đề nghị điều chỉnh giảm vốn dự án này xuống còn 2 tỷ USD Mỹ.

Việc điều chỉnh xin giảm vốn này của tập đoàn E-United cũng đồng thời làm thay đổi sản phẩm thép làm ra. Nhà đầu tư đề xuất sẽ sản xuất thép tấm thay vì là thép kỹ thuật cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư giảm được nguồn vốn đầu tư.

Số phận của dự án thép Guang Lian đã nối dài thêm danh sách các dự án thép bị phá sản ở Việt Nam. Trước dự án này còn có dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) với số vốn lên tới 9,8 tỷ USD bị phá sản năm 2008; dự án Nhà máy Liên hợp gang thép Vạn Lợi ở Hà Tĩnh bị chấm dứt vào tháng 5/2015... Ngoài ra, còn nhiều dự án thép đang dậm chân tại chỗ.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong thời gian qua, Nhà nước để cho các địa phương được quyền chủ động cấp phép đầu tư rất nhiều mà không có quy hoạch tổng thể chung của cả nước được thực hiện nghiêm khắc. Cũng có những ngành, lĩnh vực có quy hoạch phát triển nhưng quy hoạch đó bị phá vỡ rất dễ dàng.

"Ví dụ, quy hoạch ở tỉnh A, tỉnh B không có dự án thép nhưng khi doanh nghiệp muốn làm ở đó thì địa phương lại ủng hộ cho doanh nghiệp làm để được tiếng là có dự án to. Địa phương, doanh nghiệp xin thì Trung ương lại "gật". Hiệp hội Thép đã hiều lầm cho rằng Nhà nước cấp quá nhiều dự án thép nhưng tiếng nói của Hiệp hội có bao giờ được coi trọng?!", bà Lan bức xúc trao đổi trên Đất Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét