Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Ta đi làm ở Tây và sự thực của 'Thiên đường'

Nguyễn Công Nghĩa

VNN - Trừ các sinh viên có học bổng, quyết định du học cần đến những cân nhắc về mọi mặt với những thông tin chính xác.

Du học từ nhiều năm nay được xem như một sự đầu tư tốt cho tương lai của không ít người trẻ thông qua tiếp cận với môi trường kiến thức rộng lớn, công bằng và cởi mở, với kỹ năng sống, làm việc văn minh, đa dạng. Xa hơn nữa, nhiều gia đình cũng kỳ vọng con cái được tiếp tục làm việc và định cư tại môi trường ấy sau khi học. Đó là mong muốn chính đáng, nhưng khả thi hay không lại phụ thuộc nhiều yếu tố.

“Ma trận” quảng cáo và thực tế

Tuy nhiên quảng cáo du học lại là một “ma trận” nhiều màu sắc mà các gia đình cần tỉnh táo xem xét. Ví dụ, các công ty tổ chức du học, các hội thảo quảng cáo Canada như một “thiên đường học tập và định cư hấp dẫn nhất thế giới”(1).

Học phổ thông miễn phí, bảo hiểm y tế miễn phí, phúc lợi xã hội cao...  là những ưu điểm quan trọng nhất của quốc gia này. Nhưng, xin lưu ý, những ưu điểm ấy chỉ dành cho người mang quốc tịch hay “thường trú nhân” (permanent resident, thẻ xanh!) Canada.

Với du học sinh tiềm năng, Canada được quảng cáo như một quốc gia đang khát nguồn nhân lực (chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu!), và khả năng xin “thường trú nhân” sau khi học là dễ dàng. Sống và làm việc nhiều năm tại Canada và Mỹ trong môi trường đại học, tôi có thể chắc chắn rằng những quảng cáo này là phóng đại, hoặc nó có thực cách đây đã... hơn 10 năm.

Hiện tại, Canada, mặc dù không nặng nề như nhiều nước châu Âu, vẫn đang đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp chung của quốc gia là 7% và người trẻ là 13% trong số những người trong độ tuổi lao động 15-65 tích cực tìm việc làm (2). Con số thực cao hơn nhiều nếu tính đến những người không muốn làm việc, nhận trợ cấp xã hội, sinh đẻ hay khuyết tật.

Kimia G., một thạc sĩ xã hội học hàng ngày di chuyển gần 200 km đi và về từ Toronto xuống Kitchener, Ontario cho một công việc bán thời gian tại một trung tâm nghiên cứu. Hamilton, thành phố một thời là cảng biển huy hoàng với hơn 500.000 dân, nay hoang tàn với lượng người thất nghiệp trên… một nửa. Năm 2012, khi tuyển 03 vị trí BS nội trú (residency) cho 01 bệnh viện ở Ontario, người ta nhận được 1.400 hồ sơ.

Vô số những người làm việc có bằng cấp phải tìm việc lao động chân tay hoặc kém hơn. Đó là những câu chuyện thực của người Canada thực.

Khả năng xin “thường trú nhân” lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc có việc làm đúng hoặc tương đối đúng với ngành học và bằng cấp. Đây lại là câu chuyện con gà hay quả trứng có trước, bởi các công việc tại Canada lại ưu tiên cho người mang quốc tịch hay “thường trú nhân”, và thường người nước ngoài chỉ nhận được công việc khi chứng tỏ mình có kỹ năng xuất sắc nào đó mà người Canada không thể làm được.

Chính sách “định cư” thay đổi chóng mặt

Mới đây, Bộ di trú Canada khởi động một chương trình mới có tên là Express Entry (gia nhập nhanh) để các SV nước ngoài chuẩn bị tốt nghiệp có thể nộp hồ sơ vào một tập hợp lớn (Express Entry Pool) trong đó các yếu tố về kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, ngôn ngữ, kết quả học tập được đánh giá và cho điểm. Chỉ có những người điểm cao nhất, cùng với những người đã có đề nghị việc làm có hiệu lực, và những người được tiến cử mới nhận được thư mời nộp hồ sơ xin “thường trú nhân” (3).

Cơ hội không lớn khi các ứng viên Việt Nam phải cạnh tranh với các ứng viên xuất sắc từ nhiều nước khác, đáng kể nhất là các ứng viên từ Trung Quốc và Ấn Độ, vốn sẵn có lợi thế hơn về ngôn ngữ và lòng kiên nhẫn.

Đóng góp chính vào kinh tế Canada là khai thác tài nguyên (nước ngọt, dầu mỏ), dịch vụ, và nông nghiệp, còn nghiên cứu và công nghệ thì không nhiều. Khi giá dầu đang xuống thấp như hiện tại, tỉnh bang Alberta, nơi khai thác dầu mỏ lớn nhất Canada, đứng trước nguy cơ suy thoái và cắt giảm hàng loạt nhân lực. Tập đoàn bán lẻ Target của Mỹ vừa đóng cửa tất cả các cửa hàng trên toàn Canada do thua lỗ, khiến cho 17.000 nhân viên bị sa thải chật vật tìm công việc mới.

Giáo dục trở thành một ngành kinh doanh có thể đóng góp thêm 10 tỷ dollar mỗi năm cho nền kinh tế Canada, thông qua việc thu hút SV nước ngoài (4). Số SV quốc tế tăng khoảng 11,5% mỗi năm và lên đến hơn 300.000 trong năm 2015 (5). Một điều cần nói thêm, chính sách định cư của Canada thay đổi chóng mặt, theo từng năm, hoặc thậm chí ngắn hơn, theo kiểu vừa làm vừa sửa. Điều đó không có lợi cho các tính toán lâu dài của người du học. Tất cả vẽ nên một bức tranh không thực sự lạc quan như “thiên đường” được mô tả.

Không khác gì Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới, ngành học dư thừa nhân lực trầm trọng nhất tại Canada là kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh. Tìm một công việc bậc thấp như giao dịch tín dụng (teller) tại ngân hàng hay giữ sổ sách (bookkeeper) cho 01 công ty nhỏ cũng cạnh tranh khốc liệt.

Daniel S., người thợ vừa thay lò sưởi mới cho nhà tôi đã nói “Anh thấy đấy, tôi có bằng cử nhân kinh tế, và nhiều chứng chỉ chuyên ngành. Mà bây giờ, ở Canada người nào chả có bằng kinh tế”.

Khó khăn cũng dễ dàng nhận thấy tại các điểm đến du học từng được ưa thích khác. Mỹ mỗi năm chỉ cấp visa làm việc H1-B cho khoảng 65.000 người lao động có trình độ trong khi có hàng triệu đơn xin xét duyệt. Còn tại Úc, chia sẻ của bạn Thùy Mai “Ta đi làm ở Tây” gần đây là một ví dụ sinh động về khó khăn cho công việc lao động chân tay lẫn trí óc (6).

Trừ các SV có học bổng, quyết định du học cần sự cân nhắc về mọi mặt với những thông tin chính xác. Nếu các gia đình có nguồn tài chính dồi dào, và mục đích duy nhất của du học là kiến thức và kỹ năng, thì Canada vẫn luôn là một sự lựa chọn tốt.

Nhưng một khi nguồn tài chính vừa phải, thêm vào đó là áp lực phải tìm việc và định cư bằng mọi giá, thì SV và gia đình cần xác định trước thách thức khổng lồ, vạch ra lộ trình cụ thể, cố gắng thực hiện với nỗ lực gấp nhiều lần, và cần thêm nhiều sự may mắn. Cần có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi du học như một cuộc chạy đà, và khi học thực sự đã bắt đầu cuộc tăng tốc và nước rút rồi.

Còn quá nhiều điều để nói trong phạm vi một bài báo. Canada cũng không phải là một nơi dễ sống. Úc hay Mỹ cũng tương tự. Không có nơi nào thực sự là dễ sống cho những người mới đến, nếu họ không xuất sắc và không có những nỗ lực vượt bậc, Joe Ruelle, blogger Tớ là Dâu người Canada, nổi tiếng và quen thuộc với người Việt Nam, khi anh đọc bài viết này, anh có đồng ý không?
***

Tham khảo:

1) http://duhoc.dantri.com.vn/du-hoc/canada-dia-diem-dinh-cu-hap-dan-nhat-the-gioi-1023056.htm

2) http://www.tradingeconomics.com/canada/unemployment-rate

3) http://www.cic.gc.ca/english/express-entry/index.asp

4) http://www.cbc.ca/news/canada/british-columbia/canada-wants-to-double-its-international-student-body-1.2497819

5) http://www.universityaffairs.ca/news/news-article/changes-to-immigration-rules-are-a-boon-to-international-student_recruitment/

6) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/215440/ta-di-lam-o-tay.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét