"Câu chuyện thành công của Nguyễn Hà Đông chính là điều Việt Nam đang rất cần, khi mà Chính phủ nước này đang cố gắng đưa ra nhiều giải pháp toàn diện để xây dựng một ngành công nghiệp CNTT mạnh."
Tờ Chicago Tribune đã bình luận như vậy trong bài viết mới đây về điều mà tờ này gọi là "hiện tượng toàn cầu". Cũng theo Tribune thì Nguyễn Hà Đông đã được nếm trải mức độ thành công mà rất hiếm lập trình viên độc lập trên thế giới đạt được trong quá khứ.
Dù Đông đã gỡ bỏ tựa game nổi tiếng của mình không chút đắn đo khỏi các quầy ứng dụng sau tuyên bố "Nó đã hủy hoại cuộc sống của tôi", thì các chuyên gia công nghệ đều nhất trí đây sẽ là một cú hích cho cộng đồng lập trình viên còn "non nớt" của Việt Nam mạnh dạn khai phá một ngành công nghiệp có doanh thu tăng gấp đôi chỉ sau 3 năm như game di động.
"Tiền từ Thung lũng Silicon sẽ tới. Hoặc sẽ tìm kiếm "Flappy Bird" kế tiếp, hoặc sẽ tìm đến chính tác giả của Flappy Bird", giám đốc một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên về công nghệ có trụ sở TP.HCM bình luận.
Đồng quan điểm, nhà đầu tư mạo hiểm Ouriel Ohayon của Thung lũng Silicon, đồng sáng lập hãng Appsfire SAS cho rằng thành công của Flappy Bird là gần như "chưa có tiền lệ" đối với giới phát triển ứng dụng độc lập. Theo phân tích của Ohayon thì Flappy Bird là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: Trải nghiệm chơi cực khó, đồ họa tối giản, sự may mắn. Không cần bất cứ hoạt động tiếp thị nào, game này vẫn trở thành một hiện tượng toàn cầu. Tất cả là nhờ mạng xã hội và truyền thông xã hội.
Cụ thể, cho tới trước khi bị gỡ, Flappy Bird là ứng dụng iOS miễn phí đứng số 1 ở 137 quốc gia, dịch vụ tiếp thị và phân tích App Annie cho biết. Đây cũng là ứng dụng miễn phí đứng đầu Google Play ở 33 nước.
Ohayon ước tính Đông và .Gears Studio của anh có thể kiếm được tối thiểu 20.000 USD một ngày từ quảng cáo và con số 50.000 USD mà The Verge đưa tin là hoàn toàn có thể. "Tôi đã chứng kiến hàng trăm game nhưng chưa hề có bất cứ hiện tượng nào giống thế này", Ohayon trả lời Chicago Tribune qua điện thoại từ California. "Với tôi, Đông giống như một anh chàng vừa trúng số độc đắc".
Tất nhiên, mức độ thành công của Đông sẽ khiến giới trẻ Việt Nam có hứng thú hơn với công việc lập trình. "Họ sẽ cảm thấy tự tin hơn, theo kiểu "Nếu anh ấy làm được thì tôi cũng thế".
"Mọi nhà phát triển đều mơ đến khoảnh khắc tỏa sáng này. Nhưng họ lại không biết cách ứng phó thế nào khi mọi chuyện trở thành hiện thực", Ohayon kết luận về việc Đông khai tử vĩnh viễn Flappy Bird.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét