Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

"Chẳng lẽ ta không đủ tiền để tăng lương cho các Giáo sư, Phó giáo sư?"

PHONG NGUYÊN

(GDVN) - Hơn một năm qua kể từ ngày Thủ tướng có chỉ đạo mới, vì sao lương của các GS, PGS vẫn “dậm chân tại chỗ”?

Từ nhiều năm nay, mức lương "bèo bọt", chưa tương xứng với công sức bỏ ra của các lao động có chất lượng, trình độ cao như giáo sư, tiến sĩ….luôn là tâm điểm của dư luận.

Mặc dù Thủ tướng đã nhiều lần có quyết định nâng hệ số lương cho các giáo sư, phó giáo sư, nhưng có vẻ như sự ưu ái, động viên đó vẫn chưa “thấm” vào đâu so với những cống hiến của họ cũng như đà leo thang của lạm phát, biến động của giá cả thị trường.

Bởi vậy, người ta không khỏi xót xa khi nghe một vị giáo sư đã về hưu trải lòng lương của ông không bằng lương hưu của một vị thiếu tá.

Rồi khi đề cập tới câu chuyện tăng lương trong trong năm 2015 theo lộ trình, ông Ngô Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phải thốt lên rằng, những học hàm như giáo sư, phó giáo sư cống hiến âm thầm cho đất nước lại không thể đo đếm được, mức lương như hiện nay cũng cần suy nghĩ.

Nói về chính sách với các nhà khoa học, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) - GS.TS Nguyễn Văn Khánh  - cho biết, những quyết định về việc nâng hệ số lương cho các Giáo sư, Phó Giáo sư của Thủ tướng là hết sức đúng đắn.

“Đó là chính sách đúng đắn nhằm khuyến khích các nhà khoa học dù rằng mỗi tháng họ cũng chỉ được nhận thêm từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng”, ông Khánh nhấn mạnh.

Ngân sách thiếu tiền để tăng lương cho GS, PGS?

Ông Khánh cho hay, cách đây khoảng một năm rưỡi, Thủ tướng đã ban hành quyết định trong đó có sự điều chỉnh lương của GS, PGS. Theo đó, lương của Phó giáo sư bằng lương của một giảng viên chính, lương của Giáo sư bằng lương của chuyên gia cao cấp.

“Vậy mà đã một năm rưỡi trôi qua, điều đó vẫn chưa thực hiện được. Tôi được biết nguyên nhân là do chưa có sự thống nhất giữa Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Nội vụ.

Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 400 giáo sư và 4000 phó giáo sư trên tổng số 90 triệu dân. Chẳng lẽ chúng ta không có tiền, kinh phí để thực hiện chính sách ấy? Nếu nói vì không có tiền để thực hiện chính sách này là không đúng, còn nếu đã có quyết định của Thủ tướng rồi mà không thực hiện thì càng không đúng”, ông Khánh nêu quan điểm.

Có lẽ chính vì “chưa có sự thống nhất” đó mà đời sống của không ít GS, PGS còn gặp nhiều khó khăn dù rằng họ luôn nỗ lực, hết mình cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng.

Mới đây, chia sẻ với Vietnamnet, PGS trẻ nhất năm 2014 Từ Trung Kiên cho biết, mức lương của ông hiện chỉ bằng một nửa so với nhiều sinh viên đã tốt nghiệp ngành chăn nuôi ra trường. Bản thân ông cũng phải làm thêm các công việc để có thêm thu nhập.

“Để có thêm thu nhập mình tích cực tham gia vào các đề tài dự án hoặc chắp mối buôn bán những thứ có liên quan đến ngành nghề chăn nuôi kiếm thêm. Ngày trước mình có chơi thể thao, nhưng nay có vợ con, công việc nhiều nên khoảng 3 năm trở lại đây mình đã gần như bỏ hoàn toàn thể thao”, PGS Trung Kiên cho biết thêm.

Đó quả thực là một thực tế đáng buồn. Làm sao có thể làm đẹp cho đời với cái bụng đói? Và làm sao có thể giữ được cái tâm trong sáng khi nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực, bủa vây?

Thay lời kết, xin dẫn lời của PGS Từ Trung Kiên khi nói về phong bì cảm ơn của sinh viên dịp thi cử, cuối năm, lễ Tết…: “Khi đồng lương không đủ sống sẽ có người làm như vậy. Đây cũng là việc những nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét