(NV) - Rừng ở Việt Nam đang bị khai thác cạn kiệt lan tràn, song số vụ xử phạt xâm hại rừng vẫn vô cùng ít ỏi.
Tờ Lao Ðộng cho biết, các vụ phá rừng không chỉ chặt hết gỗ quý, săn bắt động vật hoang dã, đào bới khai khoáng mà còn chiếm đất rừng để chuyển sang các mục đích sử dụng khác, vụ lợi cá nhân...
Ðó là một trong những nội dung “làm nóng” hội nghị tổng kết công tác quản lý và bảo vệ rừng năm 2014 do Tổng Cục Kiểm Lâm, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tổ chức tại Ðà Nẵng ngày 1 tháng 12.
Theo Tổng Cục Kiểm Lâm Việt Nam, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước có trên 21,000 vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên chỉ có 195 vụ được đưa ra xử lý hình sự. Và trong số 195 vụ đó, cũng chỉ 10 vụ được đưa ra xét xử, chiếm 5%.
Vẫn theo Tổng Cục Kiểm Lâm, có đến 2,000 vụ phá rừng trái phép với diện tích trên 600 hecta; 10,345 vụ vi phạm lâm luật về khai thác, chế biến vận chuyển và mua bán trái phép gỗ rừng, tịch thu trên 22,600 m3 gỗ; gần 400 vụ vi phạm về quản lý, mua bán vận chuyển tiêu thụ động vật hoang dã với trên 5,000 các thể động vật bị xâm hại...
Ông Ðỗ Trọng Kim, phó tổng cục trưởng Cục Lâm Nghiệp, cho biết, việc khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở những nơi còn nhiều diện tích rừng tự nhiên, còn nhiều gỗ thương mại cao; những vùng rừng giáp ranh giữa các địa phương. Các “điểm nóng” là Ðắk Nông, Ðắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Bình, Sơn La, Bắc Cạn... với nhiều vụ phá rừng phòng hộ, rừng sản xuất để chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Ngoài việc lâm tặc đốn hạ gỗ quý, buôn bán động vật hoang dã, phá rừng để khai khoáng,... tình hình phá rừng để lấy đất trồng rừng, trồng cây công nghiệp hoặc để chiếm dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đang diễn biến phức tạp tại các địa phương.
Ông Hà Công Tuấn, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho biết, dù đã có nhiều tiến bộ, số vụ vi phạm lâm luật giảm, song diện tích và lâm sản bị triệt hạ, buôn bán lại gia tăng.
Ðặc biệt là các vụ việc chiếm đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng diễn ra ở các lâm phận, các nông trường, các chính quyền cơ sở được nhà nước giao đất để quản lý xảy ra khá gay gắt thời gian qua, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước. Số vụ chống người thi hành công vụ, ngăn cản lực lương chức năng... diễn ra nhiều, phức tạp và tồn đọng kéo dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét