Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh được cộng đồng cư dân mạng biết đến nhiều qua trang điểm tin ‘Ba Sàm, Cơ quan ngôn luận Thông tấn xã vỉa hè’. Việc ông và người cộng sự Nguyễn thị Minh Thúy bị bắt từ đầu tháng 5 cho đến nay đã gần tròn 6 tháng và vào ngày 30 tháng 10 vừa qua Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công An công bố bản kết luận điều tra về trường hợp ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn thị Minh Thúy.
Khi bản kết luận được công bố nhiều ý kiến chỉ ra các điểm sai của cơ quan chức năng và những người quan tâm tiếp tục kêu gọi trả tự do cho blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.
Nhận định chung của những người quan tâm là bản kết luận điều tra không đề cập gì đến trang điểm tin Ba Sàm mà chỉ nêu ra hai trang blog Dân Quyền và Chép Sử Việt. Luật sư nhân quyền Trịnh Hữu Long cho rằng đây là điều khiến ông thấy bất ngờ đối với bản kết luận của Cơ quan Điều Tra, Bộ Công An.
Ngoài điều bất ngờ đó, luật sư Trịnh Hữu Long nêu ra những sai phạm về mặt pháp lý trong vụ việc của blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh như sau:
Chúng ta có thể thấy việc bắt giữ khẩn cấp anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và chị Nguyễn thị Minh Thúy đã vị phạm điều 81 của Bộ luật Tố tụng Hình sư liên quan đến việc bắt khẩn cấp và bản thân việc bắt giữ đó cũng vi phạm luật quốc tế về việc bắt giữ khẩn cấp. Chúng ta đều biết trong Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền và trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị đều nói rõ không ai có thể bị bắt giữ, bị giam cầm và bị lưu đày một cách tùy tiện cả. Và ngay cả trong bản thân Nhóm làm việc Liên hiệp quốc về bắt giữ tùy tiện cũng đưa ra một vài tiêu chí để xác định một hành vi như thế nào thì được gọi là bắt giữ tùy tiện.
Rõ ràng việc bắt giữ khẩn cấp đối với anh Vinh và chị Thúy đã nằm trong các tiêu chí này, thỏa mãn những tiêu chí này và rõ ràng được định nghĩa là bắt giữ tùy tiện. Đó là chưa kể 24 bài viết mà anh Vinh và chị Thúy đăng trên blog và bị nói là vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của cá nhân thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm về quyền về tự do ngôn luận và chúng ta hoàn toàn có thể dễ dàng chứng minh được tính chất mơ hồ và tính chất vi phạm pháp luật của điều 258. Điều 258 nói nhiều đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhưng không đưa ra tiêu chí nào để định nghĩa như thế nào nào là quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đó cả. Và bản thân khái niệm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân cũng là khái niệm dân sự chứ không phải khái niệm hình sự; nên không thể dùng Bộ luật hình sự để bắt giữ một công dân giả sử như họ vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của một tổ chức, cá nhân nào đó.
Luật sư Hà Huy Sơn, người nhận lời bào chữa cho vụ việc của blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh cho biết đã chính thức nhận được bản kết luận điều tra; tuy nhiên ông vẫn chưa được phép sao chụp những hồ sơ liên quan vụ việc. Dẫu vậy, ông có một số nhận định liên quan như sau:
Qua sự tham gia trong giai đoạn điều tra, tôi có thể nhận thấy vụ án này có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 của Việt Nam. Và nó cũng có (một cái) giống đối với các vụ Trương Duy Nhất và một số vụ khác, tức là người ta bắt tạm giam trước rồi sau đó người ta mới đi tìm chứng cứ buộc tội.
Trường hợp tương tự
Trường hợp blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị khởi tố theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’, không phải là trường hợp đầu tiên mà trước ông đã có những người như nhà báo Trương Duy Nhất, nhà văn Phạm Viết Đào… bị kết án và bị giam tù theo điều này.
Nhà văn Phạm Viết Đào nhắc lại trường hợp của ông và điểm mà ông này cho giống với vụ việc blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh hiện nay:
Nếu người ta kết tội ông Vình thì phải phạt ông VDC trước, vì ông Vinh có lấy được tin là lấy từ các nhà cung cấp chứ có phải tự ông lấy được đâu. Tôi cũng nói như thế nhưng việc ‘kết (tội) là việc của họ. Khi tôi làm việc với công an điều tra và trước tòa tôi cũng nói rằng tôi lấy những bài từ các trang khác; nhưng trong tình hình hiện nay khác với ngày xưa ví dụ như tôi đi nước ngoài tôi mang một vali tài liệu về rồi tôi in ra và phát tán ra thì khác. Nhưng nay một người với trình độ vi tính bình thường cũng có thể vào mạng làm được điều đó. Nếu bắt lỗi thì lỗi nhà cung cấp mới là lỗi chính, họ ‘kéo’ từ trên vệ tinh về chứ mình có tự lên lấy được đâu. Đó là sự giống nhau giữa ông Vinh với tôi. Tôi thì phần lớn cũng là những bài lấy lại, có ba bài của tôi theo cáo trạng và kết luận ( điều tra). Tôi chỉ nhận ba bài tôi viết; nhưng ba bài tôi viết tôi nghĩ lỗi cũng không đến nỗi nặng lắm. Còn đối với anh Vinh chủ yếu lấy từ những nguồn khác thôi.
Hướng giải quyết
Mặc dù có những ý kiến cho rằng việc bắt giữ những công dân sử dụng quyền tự do ngôn luận để trình bày các vấn đề cũng như cho đăng lại bài của người khác trên trang blog cá nhân là đi ngược lại các qui định trong Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị; nhưng chính quyền Hà Nội lâu nay vẫn kết tội những người thực thi các quyền đó một cách chính đáng như thế.
Tại tòa, ý kiến của các luật sư hầu như không được lắng nghe mà những bản án đều chuẩn bị sẵn.
Trước tình trạng đáng ngại đó ở trong nước, luật sư Trịnh Hữu Long cho rằng phải có những vận động quốc tế cho trường hợp như của blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh hiện nay:
Về mặt trong nước, chúng ta dường như không có cách nào để chiến thắng trước phiên tòa. Thế nhưng trên bình diện quốc tế, chúng ta có hai cách để có thể gây sức ép đối với tòa án và gây sức ép đối với chính phủ Việt Nam: thứ nhất là vận độn pháp lý, thứ hai là vận động chính trị.
Về khía cạnh vận động pháp lý chúng ta có các cơ chế nhân quyền của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Đó là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, đó là Công ước Quốc tế về các quyền chính trị và dân sự. Và Việt Nam đã tham gia tương đối đầy đủ vào các qui định quốc tế này, và chúng ta hoàn toàn có thể dựa trên các qui định quốc tế này để vận động Liên hiệp quốc gây sức ép với chính phủ Việt Nam, yêu cầu Việt Nam phải giải thích những điều khoản trái với pháp luật quốc tế, yêu cầu chính phủ Việt Nam phải sửa đổi, hoặc bãi bỏ những điều khoản không tương thích và không phù hợp với pháp luật quốc tế. Có một vài cơ chế để chúng ta có thể làm được điều đó. Thứ nhất là theo các Nhóm Làm việc của Liên hiệp quốc mà cụ thể trong trường hợp vụ án Anh Ba Sàm chúng ta có thể sử dụng cơ chế Nhóm Làm việc về bắt giữ tùy tiện và Nhóm làm việc về tự do ngôn luận của Liên hiệp quốc. Họ thường đưa ra cái gọi là ‘quan điểm của nhóm làm việc’. Các quan điểm này được báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và họ cũng thường xuyên gửi các thư, yêu cầu đến các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc yêu cầu các chính phủ ấy giải thích và phản hồi về những vụ việc vi phạm nhân quyền.
Cơ chế thứ hai là thông qua vận động quốc tế theo cơ chế chính trị. Như mọi người đã biết lâu nay chúng ta đã vận động chính phủ Mỹ, chính phủ Đức, chính phủ Úc rồi Liên hiệp Châu Âu can thiệp gây sức ép lên chính phủ Việt Nam nhằm sửa đổi hệ thống pháp luật và có thể họ đưa ra một vài mặc cả chính trị nào đó.
Vào ngày 14 tháng 9 vừa qua, một bản yêu cầu đề nghị bộ trưởng Công an đình chỉ điều tra và trả tự do ngay cho blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh được công khai kêu gọi mọi người tham gia ký tên. Hiện nay, bà Lê thị Minh Hà, vợ của Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đang có mặt tại Đức, gặp các vị dân biểu nước này nhằm vận động kêu gọi trả tự do cho ông.
Theo nhận định của những người vận động ký tên kêu gọi trả tự do cho blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh thì ông này là ‘người nhiệt thành yêu nước, kiên quyết chống nhà cầm quyền Trung Quốc hung hăng xâm chiếm biển đảo, tin tưởng ở xu thế dân chủ hóa không thể đảo ngược đem lại lợi ích cho toàn thể dân tộc Việt Nam’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét