Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Lẽ nào những “chữ vàng” về hữu nghị chỉ còn là hình thức?

Lê Chân Nhân

(Dân trí) - Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD – 981 và nhiều tàu của Trung Quốc vào hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam ngày 1.5.2014 đến nay đã gây phản ứng bất đồng không chỉ từ Việt Nam mà của cộng đồng quốc tế.

Về phía Việt Nam, các cơ quan của Bộ Ngoại giao đã phản đối bằng các hoạt động chính thức, kiên quyết, thẳng thắn, trên cơ sở pháp luật quốc tế và thiện chí hòa bình, hữu nghị đối với Trung Quốc.

Thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ nhất là: “Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này”.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng gửi thư đến Tổng giám đốc của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc với nội dung phản đối hành động xâm lấn và yêu cầu dừng ngay hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD – 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, ngoài những nội dung phản đối hành động của Trung Quốc, Phó Thủ tướng cho rằng, việc làm này ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam

Hành động của Trung Quốc lần này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982.

Không như những vụ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, rượt đuổi ngư dân, xua tàu cá vào khai thác tại vùng biển Việt Nam, lần này họ đặt giàn khoan khổng lồ trong khu vực thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Họ đã không phải vào vườn mà vào đến tận thềm nhà của Việt Nam để tự tung, tự tác.

Nghiêm trọng hơn, trong cuộc họp báo quốc tế diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 7/5 , vị đại diện Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam còn cho biết các tàu hộ tống giàn khoan của Trung Quốc đã ngang ngược đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam khi các tàu đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, làm hư hại 8 tàu kiểm ngư Việt Nam.

Cho nên, không chỉ các cơ quan, tổ chức trong nước lên tiếng cực lực phản đối, mà cộng đồng quốc tế cũng không thể ngồi yên đứng nhìn.

Hòa bình và ổn định là những giá trị mà nhân loại đang hướng tới, các nước trong khu vực cũng mong muốn giải quyết các xung đột bằng đối thoại, hợp tác. Trung Quốc cũng từng tuyên bố như vậy, nhưng hành động đã phản bội lại các cam kết cũng như tình hữu nghị giữa hai nước. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nói đến “sự tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam”.

Thiện chí của Việt Nam được thể hiện qua nhiều lần giải quyết các vụ xung đột xảy ra trên biển Đông và Việt Nam kiên quyết giữ vững lập trường về hòa bình và ổn định. Về phía nhân dân Việt Nam rất phẫn nộ trước hành động leo thang nghiêm trọng này của Trung Quốc.

Trên báo điện tử Dân trí, nhiều bạn đọc đã phản đối hành động này của Trung Quốc và bày tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Bạn Nguyễn Duy Dũng (duydunglaocai@yhaoo.com.vn) viết: “Là người được cầm súng đối diện trực tiếp với quân đội Trung Quốc từ tháng 02/1979, nhìn các thị xã trên biên giới phía Bắc bị quân đội Trung Quốc tàn phá, song tôi vẫn muốn là bạn với nhân dân Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hãy nghĩ đến tình cảm anh em giữa hai nước, tình đồng chí trong gian khổ kháng chiến, tình láng giếng hữu nghị… Chớ vì một chút lợi ích kinh tế mà làm mất tất cả nhưng gì tốt đẹp đã có giữa hai dân tộc. Người Việt Nam sẽ có đủ lòng kiên trì và dũng cảm”.

Ngay tại Trung Quốc, nhiều nhà khoa học và học giả có úy tín đã lên tiếng phản đối việc đặt giàn khoan này. Trong blog cá nhân 163.com lúc 21 giờ 37 phút ngày 6-5, học giả Lý Lệnh Hoa cho biết nội dung trả lời phóng viên Hoàn Cầu Thời báo khi họ gọi điện hỏi ông về cách nhìn nhận tình hình tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: Là một trong những nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Trung Quốc nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh.

Phía Trung Quốc cần phải rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nếu không thì mọi lời nói tốt đẹp, những chữ vàng chữ bạc về tình hữu nghị chỉ là hình thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét